Tìm kiếm MH370: Một cộng đồng, một vận mệnh

Trên máy bay tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích. ẢNH: Trường Điển
Trên máy bay tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích. ẢNH: Trường Điển
TP - Trung tướng Võ Văn Tuấn khẳng định: Việt Nam đã tham gia tìm kiếm máy bay mất tích của Malaysia với tinh thần trách nhiệm cao nhất, thể hiện sinh động tinh thần “một cộng đồng, một vận mệnh”.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong về việc tìm kiếm cứu nạn máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia, Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia khẳng định: Việt Nam đã tham gia với tinh thần trách nhiệm cao nhất, thể hiện sinh động tinh thần “một cộng đồng, một vận mệnh”.

Trung tướng Võ Văn Tuấn cho hay, ngay sau khi nhận được thông tin máy bay MH370 của Malaysia Airlines bị mất tích, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao nhiệm vụ cho Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan chức năng triển khai việc tìm kiếm cứu nạn. 

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia trực tiếp chỉ đạo. Sau đó Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã giao cho Bộ Tổng tham mưu QĐND nhanh chóng triển khai thực hiện.

Tìm kiếm cứu nạn bằng cả trái tim

Hiện nay việc tìm kiếm cứu nạn MH370 trên biển Đông đã tạm dừng, trung tướng có thể cho biết nỗ lực của chúng ta trong thời gian qua?

Mặc dù máy bay MH370 của Malaysia Airlines mất tín hiệu ở ngoài vùng quản lý thông báo bay của ta, nhưng đường bay dự kiến bay qua vùng trời và lãnh hải và vào lãnh thổ Việt Nam, nên khi có thông tin, chúng ta triển khai tìm kiếm cứu nạn ngay với mục tiêu cao nhất là làm sao nhanh chóng tìm kiếm được máy bay mất tích, cứu người.

Trên thực tế, Việt Nam là nước đầu tiên chủ động công tác tìm kiếm chiếc máy bay MH370 bị mất tích với tinh thần tìm kiếm cứu nạn bằng cả trái tim.

Lực lượng chúng ta triển khai đầu tiên và tham gia với phương tiện hiện đại nhất, bằng những con người được huấn luyện, đào tạo nên có năng lực thực hiện tốt nhiệm vụ. 

Một tuần vừa qua, chúng ta làm việc với khối lượng rất lớn, liên tục trong điều kiện ngày, đêm, diện tích trên biển rất rộng, sau đó mở rộng cả trên đất liền.

Việc Việt Nam đồng thời huy động không quân, hải quân và các lực lượng tinh nhuệ khác hợp tác chặt chẽ cùng các bên tham gia tìm kiếm quy mô lớn đã thể hiện thái độ chân thành và quyết tâm kiên định của Việt Nam trong công tác tìm kiếm cứu nạn, đồng thời là sự thể hiện sinh động tinh thần “một cộng đồng, một vận mệnh”. 

Việt Nam cũng thể hiện tinh thần vô tư nghĩa hiệp, tình anh em đối với bạn bè quốc tế và các nước trong khối ASEAN. Chắc chắn các quốc gia trong khối, các nước bạn như Trung Quốc, Malaysia là thấy rõ nhất.

Năng lực cứu hộ của chúng ta được đánh giá ra sao thưa trung tướng?

Hiện nay, lực lượng tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam lấy quân đội là nòng cốt. Tham gia thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn MH370, lực lượng này được trang bị nhiều phương tiện hiện đại, thậm chí là hiện đại nhất. Nhân lực cũng được huy động với tinh thần khẩn trương, để khai thác tối đa các phương tiện hiện đại một cách tối đa. 

Chúng ta cũng cơ động các lực lượng trên cả nước để tìm kiếm trên phạm vi rộng từ biển tới đất liền. (Tìm kiếm trên bộ dọc 2 bên đường bay đi qua Hòn Khoai (Cà Mau) đến TPHCM và kéo rộng theo đường bay ở 2 bên liên quan đến các tỉnh Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ - PV).

Trong tìm kiếm cứu nạn hàng không, phòng chống khủng bố hàng không cũng được chúng ta tổ chức diễn tập thường xuyên, từng phương án, từng tình huống. 

Việc tìm kiếm MH370 cũng là một tình huống, một phương án tìm kiếm cứu nạn trên không mà chúng ta đã luyện tập. Việc tìm kiếm cứu nạn trên biển, chúng ta thực hiện theo quy chế 103/2007/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành về Quy chế phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trên biển.

Giữa các nước ASEAN, chúng ta đã có tổ chức, chủ trì sự kiện diễn tập Ứng phó Thảm họa Khẩn cấp Khu vực ASEAN (ARDEX-13) cuối tháng 12/2013. Cuộc diễn tập này có sự tham gia của nhiều lực lượng của các nước trong khối ASEAN và được đánh giá rất cao. 

Trước đó, chúng ta cũng có lực lượng tham gia diễn tập tại các nước. Điều này thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế, nhất là với cộng đồng ASEAN.

Khả năng dự báo của Việt Nam về các tai nạn hàng không hiện được đánh giá ở mức nào, thưa trung tướng?

Về dự báo tai nạn hàng không, chúng ta có Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải là Chủ tịch và tôi là một trong các Phó chủ tịch. Trong các buổi họp định kỳ, bất thường của Ủy ban về những sự cố bất bình thường trong an ninh, an toàn hàng không, chúng tôi đều có báo cáo, họp để rút kinh nghiệm để từ đó đề ra biện pháp khắc phục.

Trong sự cố máy bay MH037 của Malaysia bị mất tín hiệu, chúng ta cũng đã họp bàn ngay và đưa ra các phương án khác nhau, không loại trừ phương án có khủng bố, không tặc. 

Ngoài việc tham gia tìm kiếm máy bay mất tín hiệu của nước bạn, chúng ta cũng rà soát ngay lại hệ thống an ninh an toàn hàng không của Việt Nam, đã nâng cảnh báo, kiểm tra an ninh an toàn hàng không cấp độ 1.

Cần thông tin chính xác nhất

Thưa trung tướng, những bài học có thể rút ra khi tham gia sự kiện tìm kiếm máy bay MH370?

Tìm kiếm MH370: Một cộng đồng, một vận mệnh ảnh 1 Trung tướng Võ Văn Tuấn

Khi việc tìm kiếm cứu nạn trên biển Đông kết thúc, chúng tôi thông báo cho các nước bạn được cấp phép tìm kiếm rút ra khỏi vùng biển và không phận Việt Nam. Đồng thời, chúng tôi theo dõi, giám sát và hướng dẫn cho lực lượng của các nước bạn rút khỏi vùng biển, không phận quản lý để bảo vệ chủ quyền và đảm bảo quốc phòng an ninh của Việt Nam.

Trung tướng Võ Văn Tuấn

Trong việc tìm kiếm cứu nạn MH370, thời gian để xử lý tình huống trên không rất ít, đặc biệt trong cứu người gặp nạn. Vì vậy việc đầu tiên chúng tôi thấy phải được cung cấp thông tin chính xác và đầy đủ nhất. Việc phối hợp thông tin, phối hợp các lực lượng có liên quan cũng phải nhanh nhất. 

Lực lượng tham gia cũng phải chuẩn bị sẵn sàng, luôn luôn sẵn sàng khi có tình huống phải khẩn trương tìm kiếm chính xác và triển khai lực lượng cứu hộ cứu nạn.

Thứ hai chúng ta luôn luôn xây dựng những phương án xác định tình huống khả năng để đánh giá cho đúng, cho chuẩn. Sau đó sử dụng phương pháp loại trừ để gom lại những tình huống có thể xảy ra, tập trung lực lượng thực hiện. 

Lần này, chúng tôi luôn đánh giá kỹ lưỡng sau mỗi lần, mỗi ngày thực hiện nhiệm vụ để có định hướng, mở rộng và thu hẹp ra sao, phân phối sử dụng lực lượng bền lâu.

Còn những hạn chế thì sao, thưa trung tướng?

Tôi cho rằng cần phải huấn luyện thêm nữa với những phương tiện mà chúng ta đang có, phát huy phương tiện hơn nữa khả năng của nó. Ví dụ, đối với việc sử dụng máy bay tuần thám biển của cảnh sát biển, mặc dù thời gian huấn luyện rất tích cực, nhưng nếu được huấn luyện nhiều hơn, các chiến sĩ sẽ phát huy được tối đa ưu thế của phương tiện. Thứ hai công tác tổ chức chỉ huy, thông tin lực lượng cũng cần được khoa học hơn.

Có phải chúng ta chưa có lực lượng tìm kiếm cứu nạn chuyên nghiệp?

Chúng ta có một số ủy ban khẩn nguy như Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Ủy ban An ninh hàng không dân dụng Quốc gia, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương… 

Không thể nói chúng ta không có những đội tìm kiếm, cứu nạn chuyên nghiệp. Ngay trong cuộc tìm kiếm cứu nạn này. Về phương tiện chúng ta có tàu cứu hộ SAR, đồng thời là tàu chỉ huy có phương tiện cứu hộ cứu nạn. Máy bay trực thăng tìm kiếm cứu nạn MI171. 

Đội thợ lặn của Hải quân nhân dân Việt Nam có thể lặn sâu 70-80m…Chỉ có điều lực lượng đó so với nhu cầu, yêu cầu hiện nay còn mỏng, còn nhỏ, còn ít và phương tiện chúng ta còn chưa được hiện đại và đầy đủ.

Muốn nâng tầm lực lượng cứu hộ, cứu nạn để đáp ứng nhu cầu thực tế chúng ta phải thực hiện ra sao, thưa ông?

Theo tôi, việc đầu tiên là công tác dự báo phải chính xác. Dự báo chính xác đòi hỏi hệ thống, phương tiện thông tin liên lạc, phối kết hợp tiên tiến hơn nhiều. Thứ hai, phải đánh giá lại đặc điểm cụ thể từng vùng từng miền, từ cấp cơ sở để bố trí và chuẩn bị lực lượng. Đó cũng là thực hiện theo phương châm phòng trước, chống sau.

Với những lực lượng chuyên môn phải được trang bị và huấn luyện với phương tiện rất hiện đại, khả năng cơ động cao có hiệu quả tìm kiếm cứu nạn rất sớm, cũng như khắc phục hậu quả tốt nhất.

Trước sức ép rất lớn về truyền thông, cũng như phải chủ trì việc tìm kiếm cứu nạn với sự tham gia của nhiều nước, ông thấy áp lực như thế nào?

Việc tìm kiếm, cứu nạn MH370 lần này có nhiều thông tin trái chiều, xuôi ngược, có cả những thông tin can thiệp vào hoạt động tìm kiếm. Trước những tình huống đó, tôi luôn luôn đặt mình vào vị trí của thân nhân những hành khách có mặt trên máy bay, đặt mình vào vị trí chủ nhà Malaysia… 

Từ đó tôi nghiên cứu và phân tích để mình thật bình tĩnh, sàng lọc những thông tin đó, để tìm cách đưa ra những quyết định cho chính xác.

Mặt khác, chúng tôi cũng nhanh chóng giúp đỡ báo giới để họ có điều kiện tiếp xúc trực tiếp, thậm chí có mặt tại Sở chỉ uy Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn để có những thông tin, đưa ra công luận những thông tin chính xác nhất.

Với việc có nhiều nước cùng tham gia tìm kiếm, cứu nạn, chúng tôi điều hành trên nguyên tắc lực lượng nước ngoài vào vùng biển, vùng trời của Việt Nam là lực lượng phối thuộc, chịu sự hướng dẫn của nước chủ nhà. Tìm kiếm cứu nạn phối hợp theo nguyên tắc phân chia khu vực trên biển, càng phủ rộng diện tích tìm kiếm càng tốt. Về máy bay, sẽ có sự phân theo tầng, theo độ cao để đảm bảo an toàn.

Cảm ơn trung tướng.

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lập An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.