Mịt mờ cơ hội tìm máy bay Malaysia mất tích

Máy bay mất tích có thể ở bất kỳ đâu trong hai khu vực vòng cung rộng lớn
Máy bay mất tích có thể ở bất kỳ đâu trong hai khu vực vòng cung rộng lớn
TP - Có tới 25 quốc gia tham gia chiến dịch tìm kiếm chiếc máy bay mất tích của Malaysia, trong khi chính quyền xác định vùng tìm kiếm kéo dài suốt từ biển Caspi tới nam Ấn Độ Dương xa xôi. Trong khi đó, cảnh sát tập trung điều tra lý lịch, tâm lý của hai phi công.

Tín hiệu điện tử mà máy bay thỉnh thoảng trao đổi với vệ tinh cho thấy nó có thể tiếp tục bay thêm gần 7 giờ về phía vùng biển tây bắc Malaysia sau lần cuối cùng được xác định bởi radar quân sự của nước này.

Máy bay có thể dừng lại ở bất kỳ nơi nào trong khu vực vòng cung từ phía bắc Thái Lan tới biên giới Kazakhstan và Turkmenistan, hoặc vòng cung từ Indonesia tới vùng nam Ấn Độ Dương rộng lớn.

Reuters dẫn một nguồn tin thân cận với quan chức điều tra Mỹ nói rằng, khả năng dễ xảy ra nhất là chiếc máy bay đã bị lái về phía nam ra Ấn Độ Dương và có thể bị hết nhiên liệu rồi gặp tai nạn. Vì khu vực tìm kiếm quá rộng lớn, quan chức Malaysia đã kêu gọi thêm nhiều nước giúp đỡ tìm kiếm. Ấn Độ Dương là một trong những khu vực xa nhất, sâu nhất thế giới, là nơi mà bất kỳ chiếc máy bay thương mại nào có thể gặp nạn mà không được phát hiện bởi tàu thuyền, radar hay thậm chí cả vệ tinh.

Giới chức Malaysia và các chuyên gia hàng không nói rằng, bất kỳ ai đã vô hiệu hóa hệ thống liên lạc và chuyển hướng máy bay cũng là người có kiến thức sâu về kỹ thuật và kinh nghiệm bay, vì thế hai phi công nằm ở vị trí đầu tiên trong danh sách bị nghi vấn.

Cảnh sát Malaysia khám nhà của cả hai phi công hôm 15/3 và nghiên cứu các mô hình bay giả lập của cơ trưởng điều khiển chiếc Boeing số hiệu MH370 cũng như đời sống cá nhân, quan điểm chính trị và tôn giáo của phi hành đoàn.

Đến nay, chưa có chi tiết nào nói lên sự bất thường của hành khách hay phi hành đoàn với các nhóm khủng bố để giúp giải thích động cơ phá hoại. Malaysia Airlines khẳng định: “Cơ trưởng và cơ phó của chuyến bay MH370 không đề nghị được bay cùng chuyến”.

Một quan chức cảnh sát cao cấp của Malaysia nói rằng, các chương trình giả lập bay của cơ trưởng 53 tuổi Zaharie Ahmad Shah đang được nghiên cứu tỉ mỉ, nhưng có vẻ chỉ là những mô hình bình thường, cho phép người chơi luyện cất cánh và hạ cánh trong nhiều điều kiện khác nhau.

Những thông điệp trên mạng xã hội Facebook cho thấy, phi công này là người tích cực phản đối liên minh chính trị đã lãnh đạo Malaysia 57 năm từ khi giành độc lập. Nhưng Malaysia Airlines và các đồng nghiệp đều nói rằng, họ không tin Zaharie phá hoại chiếc máy bay.

Trong khi đó, bạn bè và gia đình nói rằng, cơ phó 27 tuổi Fariq Abdul Hamid là người nghiêm túc trong công việc, không giống miêu tả gần đây trên báo chí rằng anh này là người lãng mạn, mời phụ nữ lên khoang lái và bất cẩn trong công việc.

Thông báo của Thủ tướng Malaysia Najib Razak hôm 15/3 rằng ai đó đã phá hoại hệ thống liên lạc với mặt đất và cố tình chuyển hướng chiếc máy bay trở lại bán đảo Malaysia hôm 8/3 làm dấy lên nhiều câu hỏi liên quan chính quyền Malaysia, trong đó có vấn đề tại sao không quân nước này không hề hay biết có một chiếc máy bay đang bay trên không phận nước mình.

Theo giới chức Malaysia, hệ thống liên lạc Acars trên máy bay Boeing đã bị tắt trước khi phi công nói “Chúc ngủ ngon” với trung tâm điều khiển bay qua tín hiệu radio. Tín hiệu mà vệ tinh thu được từ máy bay mất tích có thể đã được gửi đi khi nó đã hạ cánh.

Xinhua đưa tin, Pakistan đã bác bỏ thông tin đăng trên báo Mỹ Wall Street Journal rằng, chiếc Boeing có thể đang được giấu tại Pakistan. Trợ lý đặc biệt của Thủ tướng Pakistan về vấn đề hàng không, ông Shujaat Azeem, khẳng định chiếc máy bay của Malaysia Airlines chưa bao giờ hướng về phía Pakistan.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.