Bài học từ cụ Tô Hoài

Nhà văn Tô Hoài
Nhà văn Tô Hoài
TP - Những người đặc biệt như nhà văn Tô Hoài, dù gần không được nhiều, nhưng người ta luôn có lắm chuyện để nhớ.

Lần đầu tôi được gặp ông là ở báo Người Hà Nội khoảng nửa sau năm 1989. Tôi đã cứng người lại khi biết ông già đầu hói mặc bộ com lê xanh cũ, tay cắp cái cặp da mỏng rẽ vào văn phòng báo hỏi chuyện mình là nhà văn Tô Hoài. Cái tên ông lớn đến mức tôi thấy lạ lẫm khi ông ngồi ngay trước mặt tôi như vậy, chỉ cách một cái bàn nước mi ni của văn phòng báo.

Tô Hoài bảo “Cậu Sơn về đây cố gắng làm việc và chuẩn bị hầu kiện đi nhé”. Tôi thực sự không hiểu vì sao ông nói thế. Hồi đó, tôi vừa được lấy từ Nhà xuất bản Quân đội về báo Người Hà Nội của Hội Văn nghệ Hà Nội mà ông là Chủ tịch được vài tháng.

Sau này tôi mới thấy là Tô Hoài nói cấm có sai. Hồi ấy báo Người Hà Nội do nhà thơ Bằng Việt làm Tổng Biên tập, nhà thơ Anh Chi làm thư ký tòa soạn bước vào kinh tế thị trường bằng cách đổi khổ, thêm các nội dung hấp dẫn ngoài văn nghệ, chiều bạn đọc. Tờ báo tăng được số lượng, nhưng thoát ly khỏi khuôn khổ một tờ báo văn nghệ thuần chất, điều làm nhiều người không hài lòng, trong đó có hầu hết các phóng viên, biên tập viên lão làng của báo.

Nội bộ báo chia rẽ, hầu hết bộ phận làm nội dung lãn công, bất hợp tác. Tôi chân ướt chân ráo về, trẻ người non dạ, chả hiểu mô tê gì, lao vào làm việc, hì hụi viết tin bài, biên tập, đôi khi được giao cả việc “lên số báo”, đương nhiên thuộc phe “chủ chiến”. Vậy nên, khi phe này bị tấn công thì tôi cũng bị choảng luôn.

Cú nặng nhất là khi anh Bằng Việt, với vị thế là một quan chức HĐND thành phố, xin cho tôi một chỉ tiêu hộ khẩu (thứ tối quan trọng khi đó).

Chỉ tiêu có rồi mới thấy là tôi chả có nơi nào để nhập vào. Gỡ bí, anh Bằng Việt với sự tham mưu của mấy “quạt mo” mới liều ra một quyết định “khống” phân bừa cho tôi một diện tích không tồn tại ở trụ sở báo 19 Hàng Buồm (nhà thơ làm quản lý nguy hiểm thế!), chỉ để tôi có chỗ nhập hộ khẩu (đương nhiên là với giao hẹn là tất cả chỉ là giấy tờ thôi, tôi không được đến ở thật).

Chuyện được làm bí mật nhưng vẫn bị lộ và chúng tôi bị kiện. Bị là phải, nhưng có một chuyện mà tôi thấy bực đến tận giờ là có người vu cho tôi định đuổi để chiếm chỗ ở của gia đình nhà văn Triệu Bôn và nhà thơ Hoàng Việt Hằng lúc đó đang tá túc trong căn phòng chật hẹp ở gác hai tòa nhà của Hội…

Tôi phải kể rông dài như thế để chịu cụ Tô Hoài là tài, là nhìn thấu chuyện rồi phải xảy đến.

Có điều lạ là hồi đó báo Người Hà Nội nội bộ căng nhau thế nhưng tôi không thấy Chủ tịch Hội Tô Hoài biểu lộ công khai động thái gì. Một năm tôi ở báo Người Hà Nội, chỉ thấy được họp với ông đúng một lần, ông phát biểu chừng 10 phút ở đầu mà nội dung về chuyện gì tôi cũng không còn nhớ.

Nói dứt lời, ông đứng dậy cắp cặp đi ra, vừa đi vừa “Vậy nhé, vậy nhé, các anh chị họp tiếp đi nhé”. Ấy nhưng, cũng chả thấy ai phê phán, trách móc gì ông, có thể do vị thế tiên chỉ của ông trong Văn, trong Hội, mà cũng có thể do cái bản lĩnh và kinh nghiệm sống cao cường, phong phú của ông khiến chả ai thấy cần hoặc dám làm điều đó.

Về bản lĩnh sống của Tô Hoài thì tôi vẫn nghe nhiều người, cả đồng niên với ông, cả hậu sinh, nói rằng ông là người “nước trong thì rửa mặt, nước đục giặt giày, chả có bỏ khúc sông nào”.

Chuyện đánh giá Tô Hoài, tôi may còn giữ được cuốn sổ tay trong đó tốc ký cuộc tọa đàm -hội thảo “Tô Hoài - Văn và Đời”, tổ chức sáng 14 tháng Giêng năm Quý Dậu (5/2/1993). Cả một chùm các danh nhân nói về một danh nhân. Nhà thơ Tế Hanh thì nói về một Tô Hoài “có thói quen viết như ta có thói quen nghĩ vẩn vơ”, trong khi nhà văn Nguyễn Văn Bổng lại nhận xét “Tô Hoài khi biến khi hiện nhưng luôn luôn có mặt” (hàm ý tác phẩm, cả văn cả báo của ông chả lúc nào vắng bóng), còn nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến thì “Tô Hoài là một kho chuyện. Làng văn, chuyện gì ông cũng biết, cũng nhớ vài chi tiết quan trọng. Với Tô Hoài, có thể hình dung một lịch sử văn học khác những gì đã công bố: nó giàu có, sống động và kịch tính hơn”.

Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam Vũ Tú Nam tấm tắc một Tô Hoài quan chức “thảo công văn, giấy tờ tự nhiên như viết văn, viết báo”, Hà Ân nói thêm “với bản lĩnh cao cường của mình, nếu Tô Hoài chọn quan lộ thì hẳn đã thăng đến hàm bộ trưởng”, nhưng Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Lê Xuân Tùng (người sau này trở thành Ủy viên Bộ Chính trị, phụ trách công tác Tư tưởng-Văn hóa và Khoa giáo của Đảng) thì nói rằng “không lấy làm tiếc là Tô Hoài không chọn con đường quan chức, vì một Tô Hoài - nhà văn sống lâu với thời gian và có tác dụng lớn hơn nhiều so với một Tô Hoài - quan chức”.

Thích nhất là những đoạn ghi chép về bài diễn văn của nhà thơ Vũ Quần Phương và những phát biểu của chính Tô Hoài. Nhà thơ họ Vũ, khi đó là Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội, nhắc chuyện Tô Hoài làm từ tổ trưởng dân phố đến đại biểu Quốc hội; làm bạn với các cô gái Mèo cho đến các nhà văn nổi tiếng Âu, Á, Phi; rành rẽ từ lai lịch các đền chùa đến các mối tình của các nhà văn; là người giữ lại được nhiều nét, hương vị xưa mà không sa vào hoài cổ; sáng tác thì như người Nghĩa Đô xưa dệt lụa, hết sợi này đến sợi khác, hết tấm này đến tấm khác, ẩm thực thì không cầu kỳ đến như Nguyễn Tuân nhưng vẫn có cái hào hoa của người Kẻ Chợ…

Hơn hai mươi năm đã qua từ cái buổi tôi đi tường thuật ấy mà vẫn hình dung được cái cảnh Tô Hoài sau khi nghe các văn nhân, thi sĩ lừng danh nói chán chê về mình, tiến đến cái mic, hai tay lúc chắp sau lưng, lúc xoa xoa vào nhau trước bụng, mắt him him, miệng tỉm tỉm cười (nhà thơ Hoàng Cầm có lần viết rằng “khó có thể hiểu được lúc cười như vậy anh đang nghĩ gì”). Ông mở đầu vu vơ bằng câu chuyện chả biết thật hay đùa về một “bà cụ em” ngày xưa từng báo cáo với tổ chức rằng ông “không nghiêm chỉnh”, cản chân ông đi hoạt động bí mật, vừa rồi lại cùng nằm điều trị ở Việt – Xô cùng ông.

Sau khi kể lại ngắn gọn và hóm hỉnh cuộc đời mình, sáng tác của mình, ông chợt rút trong túi ra lá thư mà một madam nào đó từ Pháp “vừa gửi cho”, đọc và dịch nóng từ đó ra mấy câu tình tứ. Quả không thể biết được ông thật hay đùa nữa.

Một điều kỳ khôi là mới đi làm báo chưa đầy năm, tôi đã “biên tập” truyện ngắn của Tô Hoài. Như đã kể ở trên, hầu hết các phóng viên, biên tập viên kỳ cựu của Người Hà Nội lãn công dài, không có cún thì mèo đi dọn. Tôi vẫn nhớ tên truyện ngắn đó là “Chiếc xường xám màu hoa đào”. Truyện kể về cuộc gặp một bà cụ người dân tộc bần hàn, rách rưới ở Lạng Sơn rồi dần dần hé lộ ra cụ vẫn còn giữ trong đáy rương chiếc áo xường xám - còn gọi là áo dài Thượng Hải, loại áo của các bà các cô đài các hồi nửa đầu thế kỷ trước ở Trung Hoa.

Bà cụ rách rưới, u tối đó ngày xưa té ra cũng xuất dương và đã từng mặc chiếc xường xám màu hoa đào này dạo gót trên đường phố Quảng Châu cạnh một nhà cách mạng nổi tiếng, người sau đó bị Pháp xử tử… Cuộc đời, số phận con người! Tên truyện thì không quên, nhưng đụng bút thế nào, và có dám đụng không vào truyện của cụ Tô Hoài thì quả thật là tôi không dám nhớ.

Có một chuyện không thể quên. Khi phỏng vấn Tô Hoài về cuốn hồi ký Cát bụi chân ai gây chấn động khi vừa ra năm 1993, tôi tự lấy làm đắc ý là đặt được một câu hỏi mà khi trả lời, tôi nhận thấy một người bản lĩnh, lịch duyệt như ông đã để lộ rõ ràng sự lưỡng lự, cân nhắc.

Câu hỏi là “Cát bụi chân ai rốt cuộc đọng lại một nỗi buồn, không bi quan nhưng thấm thía. Phải chăng đó chính là tâm trạng của ông khi nhìn lại cuộc đời văn chương của bạn bè và của mình?”.

Câu trả lời của Tô Hoài: “Thứ nhất, về bản thân tôi, được như bây giờ thì nói theo cách đơn giản là ơn cách mạng, tôi ơn lắm chứ. Tôi vốn là người học hành lông bông, không đến nơi đến chốn, làm cách mạng đến giờ được như thế này, sướng rồi. Đối với riêng tôi thì không có vấn đề gì. Nhưng đối với cái người gọi là nhà văn ở nước ta cho đến giờ vẫn còn thương tâm lắm…”

Bài phỏng vấn đó đăng trên Tiền Phong chủ nhật số 13 năm 1993, được khá nhiều người cho là được. Nhưng chắc Tô Hoài thì không thế. Cuối năm đó, tôi lại đến phỏng vấn ông về nghề văn và sự rèn luyện, học tập theo đặt hàng của báo Thể thao & Văn hóa thì ông nhấn mạnh là viết xong phải mang đến cho ông xem lại, không được in thẳng như bài trước.

Biết ông là người rất kỹ về câu chữ nên tôi xử lý bài phỏng vấn rất cẩn thận, viết xong sửa nhuyễn rồi chép lại, phô tô một bản mang đến, hy vọng là ông sẽ khen.

Bài học từ cụ Tô Hoài ảnh 1

Bài phỏng vấn đặc chữ sửa của Tô Hoài

Lướt qua, ông bảo hôm sau đến lấy. Nhận lại bài phỏng vấn từ tay ông, tôi toát mồ hôi hột. Bốn trang viết tay đầy tâm huyết của tôi bị ông gạch, sửa bằng bút đỏ gần hết, chỉ còn độ một phần ba số dòng sống sót. Kín đặc bên lề, phía trên phía dưới, giữa các dòng là thứ chữ nhỏ li ti nhưng rất rõ ràng của ông. Có trang không còn chỗ trống, để viết các câu sửa vào, ông dán vào lề một băng giấy mà mặt sau tôi đọc là cái giấy mời của báo Nhi đồng mời ông họp cộng tác viên.

Đọc lại bài của mình và bản sửa của ông, tôi thấy rõ ràng một bên là khẩu ngữ và một bên là Văn.

Đó là bài học thấm thía nhất trong quãng thời gian đi làm phóng viên của tôi.

Về bản lĩnh sống của Tô Hoài thì tôi vẫn nghe nhiều người, cả đồng niên với ông, cả hậu sinh, nói rằng ông là người “nước trong thì rửa mặt, nước đục giặt giày, chả có bỏ khúc sông nào”.

MỚI - NÓNG