<STRONG>Những chuyện chưa biết về các kỷ vật của tướng lĩnh Việt Nam</STRONG>

Bài 10: “Phi đội quyết thắng” và kỷ vật của tướng Nguyễn Văn Tri

Bài 10: “Phi đội quyết thắng” và kỷ vật của tướng Nguyễn Văn Tri
Trong lịch sử quân chủng Phòng không - không quân Việt Nam, trận đánh vỗ mặt chính quyền Mỹ - ngụy ngày 28-4-1975 của “Phi đội quyết thắng” là một trang sử hào hùng.
Bài 10: “Phi đội quyết thắng” và kỷ vật của tướng Nguyễn Văn Tri ảnh 1
Đ/c Lê Văn Tri - (thứ 3 từ trái qua) báo cáo đ/c Lê Duẩn và Thượng tướng Văn Tiến Dũng kế hoạch đánh máy bay B52 1972

Trung tướng Nguyễn Văn Tri, nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân đã trao bức ảnh “Phi đội quyết thắng”...... Bảo tàng lịch sử quân sự. Điều thú vị là trong phi đội này ngoài 5 phi công của QĐND Việt Nam, còn có cả một phi công của ngụy được ta cảm hóa...
Bức ảnh do phóng viên Xuân át, Cục Chính trị Quân chủng Phòng không- Không quân chụp tại sân bay Thành Sơn- Phan Rang, chiều tối ngày 28 tháng 4 năm 1975. Trên ảnh, 6 phi công vừa rời máy bay, trong tay mỗi người cầm mũ bay, nét cười rạng rỡ, thể hiện nỗi vui mừng khôn xiết sau khi thắng trận trở về. 30 năm trôi qua, không chỉ những phi công tham gia trận này coi đây là trận đánh đáng nhớ. Mà nó là ký ức không bao giờ quên của Trung tướng Lê Văn Tri, nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không, không quân (từ năm 1971-1977). Nhìn vào bức ảnh, vị tướng già sau hơn 50 năm ra trận, cầm quân bồi hồi nhớ lại: “Ngày ấy, “Phi đội quyết thắng” ngoài phi công Nguyễn Thành Trung, Nguyễn Văn Lục, Từ Đễ, Mai Xuân Vượng, Hán Văn Quảng là của ta, còn có một phi công của Nguỵ ít được biết đến  là Nguyễn Văn On”.

 Ngày 19 tháng 4 năm 1975, Bộ tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh lệnh cho Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không- Không quân chuẩn bị cho không quân tham gia chiến dịch. Bộ tư lệnh Quân chủng quyết định “sử dụng máy bay mới thu được của địch để đánh địch” và giao cho Bộ tư lệnh Không quân gấp rút tổ chức thực hiện. Nhưng cái khó, phần lớn máy bay ta thu được của địch là máy bay A-37 còn khá xa lạ với phi công của ta.

Tướng Tri kể: “Tôi quyết định cho hai phi công và một số thợ máy của không quân ngụy mà trước đó mình bắt được ra trình diện, hướng dẫn các phi công ta về kỹ thuật và cách sử dụng máy bay A-37, trong số này có Nguyễn Văn On. Ngày 24 tháng 4, sau hai ngày học tập, các phi công của ta lần lượt tập bay thử thành công”.

Ngày 25 tháng 4 năm 1975, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh điện cho Bộ Quốc phòng đề nghị Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Cho không quân ta dùng máy bay vừa lấy được của địch ném bom vào sào huyệt quân ngụy ở Sài Gòn ngày 28 tháng 4, chỉ đánh ngày này, chậm nữa không được”. Ngay lập tức, chiều 25 tháng 4, Cục Tác chiến chuyển điện cho đồng chí Lê Văn Tri “Đúng 8 giờ sáng ngày 26 tháng 4 lên chỉ huy sở Bộ Tổng tư lệnh nhận nhiệm vụ của anh Văn giao”. Tại Bộ Quốc phòng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hỏi tôi: “Hiện ta thu được bao nhiêu máy bay A-37 của địch có thể dùng được?”. Tư lệnh Lê Văn Tri báo cáo: “Thưa Đại tướng, tại Đà Nẵng có một chiếc, phi công đang học lái, còn sân bay Phù Cát, Bình Định có 5 chiếc còn nguyên vẹn, chưa cho bay thử”. Tướng Giáp nói: “Bộ Chính trị đã đồng ý cho không quân ném bom xuống sào huyệt địch nhưng phải sử dụng chính máy bay chiếm được của địch”. Ngay chiều ngày 26 tháng 4 năm 1975, Lê Văn Tri nhận được điện của Đà Nẵng báo ra: “Đồng chí Văn Tiến Dũng đã cho Nguyễn Thành Trung ra sân bay Đà Nẵng”.

Lê Văn Tri được Quân chủng giao nhiệm vụ trực tiếp tổ chức, chỉ huy trận đánh. Bộ tư lệnh Quân chủng quyết định thành lập “Phi đội quyết thắng”, do phi công Nguyễn Văn Lục chỉ huy. 14 h 30 phút ngày 28/4, “Phi đội quyết thắng” được triệu tập để nhận mệnh lệnh chiến đấu tại sở chỉ huy. Tất cả chỉnh tề trong bộ bay với tư thế sẵn sàng ra trận. Mục tiêu oanh tạc là khu vực để máy bay chiến đấu, đường băng, khu để bom đạn của không quân ngụy trên sân bay Tân Sơn Nhất. ý định của Bộ Chỉ huy chiến dịch phải đánh trúng, gây tiếng nổ liên tiếp, làm sao cho cột khói bốc cao để làm ám hiệu phối hợp với quần chúng nổi dậy. Đánh mục tiêu này là một đòn rất hiểm, nhất là lúc Mỹ ngụy chỉ còn đường hàng không duy nhất để di tản. Ngoài việc thực hiện ném bom xuống mục tiêu, một điều tối quan trọng đối với phi đội là phải đảm bảo an toàn cho nhân dân và hai phái đoàn đại biểu quân sự của ta đang trú tại David-Tân Sơn Nhất.

Theo kế hoạch đường bay của phi đội được tính toán và lựa chọn phải bảo đảm bí mật, bất ngờ đối với địch, tránh hoả lực phòng không của ta. Đường bay theo hướng Vũng Tàu rồi từ Vũng Tàu vòng về Sài Gòn. Nguyễn Thành Trung thuộc địa hình được phân công bay trước dẫn đường. Các phi công khác bay trong đội hình theo cự ly đã định, bảo đảm canh gác, cảnh giới, có công kích, có yểm hộ.

16 h 15 phút ngày 28 tháng 4 năm 1975, sỹ quan trực chỉ huy trên đài chỉ huy sân bay Thành Sơn bắn hai phát pháo hiệu cho phép phi đội cất cánh, 5 chiếc A-37 lao lên bầu trời. Phi đội tập hợp đội hình Nguyễn Thành Trung (số 1); Từ Đễ (số 2); Nguyễn Văn Lục (số 3); Mai Xuân Vượng và Nguyễn Văn On (số 4); Hán Văn Quảng (số 5). Tất cả phi đội bay vút về phía Nam. Qua sông Sài Gòn khoảng 30 giây, các phi công đã nhìn rõ mục tiêu là sân bay Tân Sơn Nhất. Nguyễn Văn Lục phát hiện hai chiếc AD-6 ở hướng Biên Hoà. Các phi công còn nghe rõ tiếng hỏi dồn dập của địch từ sở chỉ huy sân bay Tân Sơn Nhất: “A-37 của không đoàn nào? A-37 của phi đoàn nào?”. Nguyễn Thành Trung và Từ Đễ bổ nhào xuống mục tiêu, cắt bom. Từ Đễ vừa ấn nút phóng bom vừa trả lời: “Máy bay của Mỹ đây!”. Sau loạt bom, lửa khói trùm lên khu vực máy bay địch đang đỗ. Nguyễn Văn Lục, Mai Xuân Vượng, Nguyễn Văn On và Hán Văn Quảng cũng lần lượt vào công kích, cắt hết bom họ quay ra yểm hộ cho nhau. Lửa khói bốc lên dữ dội. Tiếng bom nổ rung chuyển cả thành phố Sài Gòn. Lúc này tất cả các phi công đều nghe thấy tiếng la hét, hoảng loạn của quân ngụy từ sở chỉ huy sân bay: “Chết cha rồi! Việt cộng, pháo kích, Việt cộng oanh kích”. Quân địch kinh hoàng vì bị bất ngờ, không quân và pháo cao xạ sân bay không kịp phản ứng gì.

Bài 10: “Phi đội quyết thắng” và kỷ vật của tướng Nguyễn Văn Tri ảnh 2
“Phi đội quyết thắng”, trong đó có Nguyễn Văn On (thứ 3 từ trái qua)

Tại đài chỉ huy sân bay đã chuẩn bị sẵn sàng cho phi đội hạ cánh. Đồng chí trợ lý tác chiến cách mấy chục giây lại gọi một lần: “Sao băng” đâu? “Sao băng” đâu? “Bắc đẩu” gọi nghe rõ trả lời! Lúc này, trời đã tối sẫm, kim đồng hồ chỉ 18h 15phút. Từ Đễ và Nguyễn Thành Trung hạ cánh trước. Tiếp đó là Mai Xuân Vượng và Nguyễn Văn On, Hán Văn Quảng, Nguyễn Văn Lục. Tất cả hạ cánh an toàn. Tất cả mọi người ùa ra ôm hôn các phi công, mừng đến nỗi chẩy cả nước mắt, thật là một trận đánh hiếm có. Kết quả trận đánh đã vượt qua con số 24 máy bay bị phá huỷ, hàng trăm binh lính và sỹ quan ngụy bị tiêu diệt. Ngày 29 tháng 4, Mỹ buộc phải tổ chức “chiến dịch” di tản mang tên “Người liều mạng” bằng máy bay lên thẳng để đưa những người Mỹ cuối cùng và một số tay sai ra khỏi Sài Gòn.

Trong niềm vui lớn ấy, Tư lệnh Lê Văn Tri đã viết trong hồi ký của mình những câu thật xúc động “Đợi chờ một ngày, chờ có một ngày và hôm nay ngày ấy đã đến”. Rồi vị Tư lệnh lẩm nhẩm đọc vài câu thơ: “Một tiếng bom nổ từ sân ga/Vang lên tiếng hát bản hùng ca/ Nhớ mãi không quân ngày đại thắng/Thống nhất muôn đời Tổ quốc ta…”.

Bá Kiên - Trần Dương

MỚI - NÓNG
Doanh nghiệp đua nhau báo lỗ
Doanh nghiệp đua nhau báo lỗ
TPO - Công ty CP VNG, Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai, Nhà Thủ Đức, Thép Pomina, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc… đua nhau báo lỗ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng trong quý đầu năm.