Hà Nội có ưu thế vượt trội so với nhiều thủ đô khác. Ấy chính là nhờ kho báu các làng nghề truyền thống để kiến tạo không gian sáng tạo như xu thế phát triển bền vững. Thế nhưng gần đây, nhiều làng nghề đang bị co hẹp đầy tiếc nuối và hoài phí.
Khảm trai, sơn mài hiu hắt
Về nhiều làng nghề truyền thống mới thấy, nhiều nơi rơi vào tình cảnh thưa vắng, đìu hiu sau gần hai năm gồng mình đi qua đại dịch. Đất Thăng Long trăm nghề vốn hình thành từ nghìn năm nay, từ thuở Lý Thái Tổ dời đô ra chốn rồng bay. Những làng nghề, phố nghề đất kinh kỳ sau này càng phong phú hơn khi xứ Đoài quy về một mối địa giới của Thủ đô. Khoảng hơn 1.300 làng nghề trải khắp các quận, huyện trong đó 150 làng nghề truyền thống. Những đất trăm nghề truyền thống của huyện Phú Xuyên, Thường Tín, Chương Mỹ... đóng góp hàng triệu USD xuất khẩu, sản sinh và nuôi dưỡng hàng trăm nghệ nhân.
Làng Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) những ngày cuối thu đầu đông, nhịp sống dường như hối hả hơn. Âm thanh chẻ vầu lẫn trong mùi ngai ngái của chân hương (nhang) phơi nắng trên những con ngõ rực rỡ sắc màu. Ông Trần Minh Tân (71 tuổi) cho hay, nghề làm chân hương ở Quảng Phú Cầu có tuổi đời ngót nghét gần thế kỷ, là nghề “kiếm cơm” của nhiều thế hệ trong làng. Cha ông Tân sinh ra rồi đến đời ông, từ lọt lòng tới sau này “về cội” cũng chỉ gắn bó với nghề này. Ấy vậy mà những năm gần đây, nhiều người trẻ không còn mặn mà với nghề truyền đời này. Ông Tân và nhiều nghệ nhân cao niên không giấu được những tiếng thở dài.
Giấc mơ về du lịch làng nghề của nghệ nhân khảm trai Nguyễn Xuân Dũng vẫn còn mông lung |
Ông Nguyễn Hữu Long, chủ một cơ sở sản xuất chân hương lớn nhất nhì Quảng Phú Cầu cho biết, làng phân phối chân hương đi khắp các tỉnh, thành trên cả nước và xuất khẩu ra một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia…trong đó Ấn Độ chiếm thị phần lớn nhất. Tuy nhiên từ khi có dịch COVID-19 sản lượng đầu ra của làng giảm một nửa. Cứ đà này chả mấy chốc số người trẻ nản lòng, từ bỏ nghề của ông cha ngày càng tăng.
Chuyện thế hệ nối nghề ngày càng thưa vắng không còn riêng của một làng nghề nào. Nghệ nhân Nguyễn Xuân Dũng nức tiếng ở làng Chuôn Ngọ (xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) thật thà giãi bày chuyện nhà. Con trai cả ông Dũng có hàng chục năm theo nghề gia truyền nhiều đời, nhưng sau khi lập gia đình, anh lại theo nghề xăm nghệ thuật. “Ban đầu tôi cũng phản đối kịch liệt vì nghĩ nó tiếp xúc với nhiều thành phần phức tạp. Sau này tôi dần hiểu ra, xăm cũng là nghệ thuật nên ủng hộ con theo nghề mới. Thôi thì vì mưu sinh, mình cũng không trách được”, ông Dũng phân trần.
Khoảng sân trước nhà được tận dụng làm xưởng chế tác. Vợ và một người con trai khác ông Dũng tỉ mẩn với công đoạn tách vỏ trai, cắt tỉa họa tiết trước khi tạc vào từng thớ gỗ. Phòng khách cho tới căn buồng nằm phía sau nhà bày la liệt những tranh, cánh cửa, khay, đĩa, lọ hoa khảm trai. Chiếc đĩa gỗ đường kính mấy chục xăng ti mét được tạo tác tinh xảo, có giá lên tới hơn trăm triệu đồng. “Ở thời kỳ hoàng kim của làng nghề cuối những năm 1980 đầu những năm 1990, gia đình tôi phải thuê thợ làm cho kịp hàng trả khách. Sau này thị hiếu người dân thay đổi, đành rút gọn ở quy mô gia đình, túc tắc giữ nghề”, ông Dũng nói. Ông là đời thứ 5 của một gia đình truyền thống khảm trai.
Nhiều nguyên nhân khiến nghề truyền thống mai một
Thạc sĩ Lê Quang Pháp, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội phân tích các nguyên nhân khiến nhiều làng nghề đang dần bị thu hẹp cả về không gian lẫn số lượng nghề. Nhu cầu thực tế đối với các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ, mây tre, đan của làng nghề giảm dẫn đến việc làng nghề bị mai một. Phương thức sản xuất, kinh doanh của làng nghề đặt trong bối cảnh hiện tại không còn phù hợp nữa, do không còn sức cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp sản xuất hàng loạt. Nguyên nhân khác lại do bản thân các nghề truyền thống không còn đáp ứng được nhu cầu thu nhập ổn định cho người dân. “Vì thế những người trẻ có xu hướng học và làm nghề khác và bỏ nghề gốc đi, thậm chí có nơi chỉ còn coi nghề là việc làm thêm”, ông Pháp nói.
Du lịch làng nghề èo uột
Làng nghề không chỉ là nơi sản xuất hàng hóa đơn thuần. Chất “làng” trong đó chính là không gian thấm đẫm văn hóa hàng trăm năm tới nghìn năm. Nhu cầu phát triển du lịch làng nghề nảy sinh, phát triển được cũng nhờ giá trị văn hóa ấy. Du lịch làng nghề là sản phẩm được đẩy lên đứng cạnh nhiều sản phẩm khác của Hà Nội. Tuy nhiên sức sống của sản phẩm ấy mỗi ngày một tiều tụy, hao mòn đi, càng hiu quạnh hơn trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Làng nghề Sơn mài Hạ Thái vang danh nhưng chưa biết làm du lịch |
“Chúng tôi từng tiếp đón khá nhiều đoàn khách du lịch và quay phim đến thuê địa điểm để chụp hình, trong số ấy nhiều tác phẩm đã đoạt giải thưởng danh giá nhờ bối cảnh nên thơ. Tuy nhiên việc phát triển du lịch ở đây vẫn còn xa vời lắm. Khách đến đây chủ yếu đều là tự phát, nhờ xem trên báo thôi”, ông Nguyễn Hữu Long nói.
Làng nghề khảm trai ở xã Chuyên Mỹ còn được đưa thành tua, tuyến du lịch của thành phố, nhưng thực tế cũng đìu hiu vô cùng. Nghệ nhân Nguyễn Xuân Dũng kiêm luôn chân giới thiệu tiếp đón các đoàn du khách trong và ngoài nước. Kể cả ở bối cảnh “bình thường cũ”, khách về làng rất thưa thớt. “Chúng tôi đã thử đón nhiều đoàn đến tham quan, nhưng nếu nói là làm du lịch thì vẫn chưa thành công”, ông Dũng nói. Nghề truyền thống khảm trai gần chục công đoạn tỉ mẩn với vỏ ốc, trai được dát mỏng, đục đẽo thành những tích dân gian nổi tiếng. Những tưởng sẽ là chất liệu thu hút khách du lịch, nhưng làng nghề chưa có mô hình trải nghiệm đủ hấp dẫn.
Làng nghề truyền thống sơn mài Hạ Thái (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín) mới được công nhận là điểm du lịch làng nghề của thành phố. Nghệ nhân Vũ Huy Mến, được coi là “của báu” của nghề sơn mài truyền thống. Ông có thể nói chuyện hàng giờ về sơn ta-đặc sản của sơn mài truyền thống Hạ Thái. Vừa nói ông vừa đưa ra giới thiệu một chai nhựa đựng nước vàng đục, sền sệt. Sơn ta trong tranh sơn mài truyền thống mới làm nên “chất” khác biệt, ngay cả người Nhật cũng sang học pha chế chất liệu. “Sơn ta cho ra gam màu trầm, ấm, sâu, tươi mới, càng để lâu tranh càng đẹp, tạo nên được giá trị và thương hiệu cho sơn mài Hạ Thái”, ông Mến tự hào.
“Một số công ty về ký hợp đồng, cũng có cả những đề án du lịch được xây dựng nhưng tất cả đều…viển vông. Các chương trình kích cầu nhưng không có sản phẩm thì kích cầu gì? Cho vay vốn sản xuất nhưng không có đầu ra thì có sản xuất được không?”, ông Mến thở dài. Ngôi nhà kiêm cửa hàng bán sản phẩm của cha con nghệ nhân Vũ Huy Mến nằm ngay mặt con đường khang trang dẫn vào làng, cũng là điểm đến của nhiều đoàn khách có Tây, có ta. Nghệ nhân sơn mài nói chuyện nghề với du khách, chuẩn bị các bảng gỗ cốt (đã phủ hơn chục nước sơn) cho khách trải nghiệm vẽ rồi “gói đem về”. “Nhiều khi du khách muốn trả nhiều tiền hơn để được trải nghiệm văn hóa ở làng nghề nhưng cũng không có cơ hội. Đó là cái đáng tiếc của du lịch làng nghề hiện nay”, nghệ nhân Vũ Huy Mến chép miệng.
Du lịch làng nghề ở Hà Nội vốn là sản phẩm có lợi thế, có tiềm năng phát triển nhưng lại đang bị bỏ rơi, được chăng hay chớ. Nhiều nghệ nhân như ông Dũng, ông Mến, ông Tân luôn đau đáu, nung nấu ý tưởng để vừa giữ lửa nghề, vừa góp sức phát triển du lịch.