Trưa 17/5, Tiểu ban Điều trị (Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19) đã tổ chức hội chẩn ca bệnh nặng trên cơ sở đề nghị của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh. Đây là lần đầu tiên bệnh viện này đề xuất hội chẩn ca bệnh nặng với Tiểu ban Điều trị.
Theo BS Hoàng Dương - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh, nơi đây đang điều trị 46 ca bệnh, trong đó có một số ca bệnh nặng, trong đó có 20 ca thở ôxy.
Trường hợp thứ nhất là BN3760 (67 tuổi), ở xã Nghĩa Đạo, Thuận Thành. Từ 11-13/5 điều trị ở Trung tâm Y tế Thuận Thành, hôm 14/5 chuyển viện Đa khoa Tỉnh Bắc Ninh với triệu chứng sốt, ho, nhưng đã diễn biến nặng rất nhanh, bị viêm phổi nặng, suy hô hấp trên nền tăng huyết áp, đái tháo đường, suy giáp, suy thượng thận.
Hiện bệnh nhân đang được chỉ định thở HFNC (oxy dòng cao), SpO2 tăng lên 92% sau khi xuống thấp ngày hôm qua. Bệnh nhân vẫn khó thở, thở gắng sức, mệt nhiều..
GS Nguyễn Gia Bình nhận định tình trạng bệnh nhân rất nặng, với bệnh nhân cao tuổi có nhiều bệnh nền, suy giáp, tiểu đường, quá cân, nguy cơ tim phổi đặc biệt huyết khối tắc mạch của bệnh nhân rất cao.
Đồng tình với quan điểm này, BS Nguyễn Trung Cấp nhận định bệnh nhân có nguy cơ liệt cơ, suy hô hấp cao. Phải nâng cao chỉ số hỗ trợ của HFNC (thở oxy dòng cao). Các chuyên gia nêu ý kiến với các kết quả xét nghiệm mới nhất cần đặt ống nội khí quản, thở máy xâm nhập ngay. Nguy cơ nhiễm trùng và đông máu của nữ bệnh nhân U70 này cao.
Trường hợp thứ hai là BN3513 là nam, 58 tuổi, ở xã Mão Điền, Thuận Thành, Bắc Ninh vào viện trưa 16/5, chưa có bệnh lý đặc biệt. Từ 9/5, bệnh nhân xuất hiện đau họng vào điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 1 Bắc Ninh (ở huyện Gia Bình).
Bệnh nhân phát hiện mắc COVID-19 hôm 11/5. Vào viện sốt cao, SpO2 89%, khó thở, thở gắng sức, chẩn đoán viêm phổi nặng suy hô hấp trên nền COVID-19, thở oxy. Đến 21h bệnh nhân thở CPAP, ho nhiều, tức ngực.
GS.TS Nguyễn Gia Bình - Tổ trưởng Tổ Hội chẩn đánh giá theo tiêu chuẩn mức độ nặng, đây là bệnh nhân nặng, các bác sĩ ở Bắc Ninh phải làm thêm nhiều xét nghiệm chuyên khoa, siêu âm phổi, nhiễm trùng do virus SARS-CoV-2 tấn công không chỉ vào phổi.
GS Bình cũng đặc biệt lưu ý với 20 ca đang thở oxy, tuyệt đối không được đánh giá đây là bệnh nhân nhẹ. Mỗi bệnh nhân đều phải được quan tâm, đặc biệt người lớn tuổi, bệnh lý nền có nhiều nguy cơ (tăng huyết áp, đái tháo đường, thừa cân).
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Phó trưởng Tiểu ban Điều trị, nhấn mạnh Bắc Ninh cần phải tập trung vào các bệnh nhân nặng. Hiện ở đây chưa làm được ECMO. Để điều trị những bệnh nhân nặng, tỉnh phải rất chủ động, đề nghị hội chẩn, lập danh sách những trường hợp có diễn biến thở oxy.
Riêng Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh - nơi đang điều tri 46F0 - cần chấp hành nghiêm "nội bất xuất ngoại bất nhập" tránh tuyệt đối lây nhiễm ra khoa phòng khác, tuyệt đối không được để Bệnh viện tỉnh phải đóng cửa.
GS Nguyễn Gia Bình giao ngay Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai) cần hỗ trợ rà soát lại nhân lực, máy móc, điều kiện xét nghiệm của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh để đánh giá khả năng chạy ECMO ở đơn vị này.
Điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19. Ảnh: Mai Thanh |
TPHCM: Người dân mua thuốc ho, sốt phải khai báo y tế
Ngày 17/5, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hoài Nam đã ký văn bản yêu cầu khai báo y tế đối với tất cả những trường hợp mua thuốc điều trị triệu chứng bệnh liên quan đến đường hô hấp hoặc sốt, ho, đau họng, khó thở.
Theo Sở Y tế TPHCM, trước tình hình diễn biến hết sức phức tạp của dịch bệnh COVID-19, việc tăng cường phát hiện sớm người nghi nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng là rất cần thiết. Do đó, Sở đề nghị Phòng y tế thành phố Thủ Đức và phòng y tế các quận, huyện khẩn trương triển khai hướng dẫn các cơ sở bán thuốc lẻ thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch theo quy định như: đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, giữ khoảng cách với người mua thuốc.
Các cơ sở bán lẻ thuốc phải hướng dẫn người mua thuốc khai báo y tế nếu họ mua thuốc điều trị triệu chứng bệnh liên quan đến đường hô hấp hoặc sốt, ho, đau họng, khó thở.
Đồng thời, các cơ sở bán lẻ thuốc phải báo cáo với các cơ quan chức năng trên địa bàn hoặc qua đường dây nóng tiếp nhận thông tin về dịch bệnh COVD-19 để tiến hành theo dõi, giám sát các trường hợp nghi nhiễm COVID-19.
Sở Y tế nhấn mạnh nếu các cơ sở bán lẻ thuốc không thực hiện đầy đủ và để lây lan dịch COVID-19 trong cộng đồng sẽ bị xử phạt theo đúng quy định.
Trong ngày 17/5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cũng công bố thêm các địa điểm bổ sung vào giám sát đối với người đến TPHCM từ các tỉnh thành có dịch COVID-19. Cụ thể:
Theo đó, cách ly tập trung 21 ngày, lấy mẫu xét nghiệm tại Hà Nội: người từng đến Bệnh viện Phổi Trung ương, Ba Đình, Hà Nội từ 4/5. Tại Nam Định: Khu dân cư thôn Trung Cường, xã Yên Cường, huyện Ý Yên, từ ngày 5/5; các hộ dân từ Cầu Tống đến giáp ngân hàng Agribank chi nhánh Nam Ý Yên, xã Yên Thắng, huyện Ý Yên, từ ngày 5/5. Tại Bắc Giang: Huyện Lạng Giang, từ ngày 3/5; Huyện Lục Nam, từ ngày 3/5. Ngoài ra, người đi trên chuyến xe khách Hà Nội - Lạc Sơn, Hòa Bình, biển số 30V-4157, khởi hành lúc 8h ngày 7/5 cũng phải cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm.
Người đến thành phố từ các địa điểm sau phải cách ly tại nhà, theo dõi sức khỏe gồm: Tại Hà Nội: Khu S2, chung cư Vinhomes Skylake Phạm Hùng, Mỹ Đình 1, Nam Từ Liêm, Hà Nội từ 11/5. Tại Quảng Nam: Đám cưới tại thôn 2, xã Tiên Lộc, huyện Tiên Phước, từ 30/4 đến 1/5; Đám cưới tại thôn 11, xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước, từ 30/4 đến 1/5. Hai địa điểm này liên quan đến bệnh nhân 3880 (nam, 26 tuổi, tài xế ôtô công nghệ, ghi nhận tại Đà Nẵng). Trong 2 ngày trên, bệnh nhân lái xe chở người thân về quê dự hai đám cưới.
Tại Đà Nẵng: Quán bún bò, mì Quảng tại ngã tư Đặng Minh Khiêm - Đặng Huy Tá, quận Liên Chiểu, từ ngày 2-14/5. Bà chủ quán này có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Bà là F1 của khách đến ăn.