Bắc Kinh - Bình Nhưỡng căng thẳng do đổ bể dự án mỏ sắt

Bắc Kinh - Bình Nhưỡng căng thẳng do đổ bể dự án mỏ sắt
TP - Bị hấp dẫn bởi quặng sắt rẻ và tiền công lao động thấp ở CHDCND Triều Tiên, Xiyang, một trong những tập đoàn khai mỏ lớn nhất Trung Quốc, đã đầu tư khai thác mỏ sắt ở Triều Tiên để cung cấp nguyên liệu cho các lò luyện kim Trung Quốc.
Ông Zhou Furen - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Xiyang. Ảnh: Imaginechina
Ông Zhou Furen - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Xiyang. Ảnh: Imaginechina.

Thế nhưng đến nay, dự án này đã hoàn toàn đổ vỡ. Xiyang nói rằng, Chính phủ Triều Tiên đã phá hoại dự án đầu tư trị giá 40 triệu USD của tập đoàn này vào Triều Tiên.

Theo Xiyang, Bình Nhưỡng chỉ cho phép công ty Trung Quốc làm việc trong thời gian đủ để người Triều Tiên ăn cắp kỹ nghệ, sau đó tịch thu quặng sắt rồi đưa lính vũ trang đến đẩy đuổi công nhân Trung Quốc trong dự án.

Theo các nhà phân tích, sự đổ vỡ dự án đầu tư của Trung Quốc vào Triều Tiên chứng tỏ mối quan hệ đầy thử thách giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đã trở nên công khai.

Cuộc tranh chấp này được dư luận biết đến hồi cuối tháng 9, khi Xiyang đưa lên mạng internet một bài viết mô tả cái điều mà tập đoàn này gọi là “cơn ác mộng” trong đầu tư khai khoáng.

Bài viết cũng mô tả chi tiết mức sống cao của các nhà quản lý Triều Tiên mỗi khi họ đến thăm Trung Quốc- đòi phải có phụ nữ đi kèm, rượu và xe hơi đắt tiền.

Trong một bài viết khác đưa lên mạng vào tháng 10, Wu Xisheng, Phó Tổng Giám đốc Xiyang, đòi phía Bình Nhưỡng chấm dứt “các hành động bất hợp pháp” tại mỏ. Ông này đòi phía Triều Tiên bồi thường 31,2 triệu USD cho Xiyang.

Văn phòng đại diện của liên doanh và Ủy ban Đầu tư Triều Tiên tại Bắc Kinh đã đưa lên trang mạng của mình bài viết nói rằng, đã nhiều năm trôi qua nhưng Trung Quốc chưa chuyển đủ cho phía Triều Tiên một nửa số vốn đầu tư như đã hứa.

Trong thời gian đó, Triều Tiên đã có nhiều quy định và pháp luật được thông qua nhằm bảo vệ các nhà đầu tư nước ngoài trên cơ sở pháp luật.

Đến nay, khoảng 2/3 trong tổng số 305 dự án đầu tư nước ngoài tại Triều Tiên đến từ Trung Quốc. Với 15 dự án ở Triều Tiên, Nhật Bản đứng thứ hai.

Theo nhà khoa học nữ Piao Guanjie thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, hiện có sự khác biệt rất lớn giữa những điều mà phía Triều Tiên chờ đợi với những điều mà phía Trung Quốc có thể đáp ứng.

Bình Nhưỡng luôn đòi hỏi Bắc Kinh đưa các công ty quốc doanh sang mở nhà máy ở Triều Tiên, nhưng phía Trung Quốc luôn từ chối đòi hỏi này.

Đ.P

Theo International Heral Tribune

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG