"Là một phần của cuộc tập trận, các đơn vị thuộc S-400 Triumph, hệ thống phòng không S-300 Favorit và hệ thống tên lửa Pantsir-S đã tiêu diệt hơn 20 mục tiêu. Các mục tiêu rất phức tạp bao gồm một số mục tiêu thấp”, Phó Chủ tịch Ủy ban Điều phối Phòng không thuộc Hội đồng Bộ trưởng Quốc phòng SNG, đại tá Yuri Grekhov cho biết.
Phi hành đoàn máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3, máy bay chiến đấu-ném bom Su-34, máy bay phản lực Su-30SM và Su-35S, máy bay chiến đấu MiG-31BM, Su-27 và MiG-29SMT cũng như Su-25SM, Su-24MR , và các máy bay Yak-130 cũng tham gia vào cuộc diễn tập chung.
"Các phi công đã thực hành vượt qua hệ thống phòng không của kẻ thù mô phỏng, không chiến cơ động tầm ngắn, phóng tên lửa không điều khiển và bắn đại bác vào các mục tiêu mặt đất, ném bom, cũng như đẩy lùi một cuộc không kích tên lửa lớn của đối phương", thông báo nói.
Cuộc tập trận chung mang tên "Combat Commonwealth-2021" có sự tham gia của các nước Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan.
Tổng cộng, khoảng 2.000 quân nhân và hơn 200 đơn vị vũ khí và trang thiết bị quân sự đặc biệt đã tham gia cuộc tập trận chung. Giai đoạn tiếp theo của cuộc tập trận sẽ được tổ chức tại Kazakhstan và Tajikistan vào ngày 3-24/9.
S-400 (tên mã định danh của NATO: SA-21 Growler), là hệ thống tên lửa phòng không di động chiến lược tầm cao, được thiết kế để tiêu diệt khí cụ bay của đối phương bao gồm các loại máy bay, tên lửa hành trình, phương tiện bay không người lái trong phạm vi 400 km và tên lửa đạn đạo cách xa 60 km. Gọi là hệ thống tên lửa tầm cao nhưng thực sự S-400 là một tổ hợp tên lửa đa tầm, nó có thể hạ mục tiêu như máy bay ở độ cao 27 km cũng như các mục tiêu bay thấp cách mặt đất chỉ 5–10 m - đây là điều mà không hệ thống tên lửa phòng không cùng thời của bất cứ quốc gia nào có thể thực hiện được.
S-300 là một loạt các hệ thống Tên lửa đất đối không tầm xa Nga do Tổng công ty khoa học công nghiệp Almaz sản xuất dựa trên phiên bản S-300P đầu tiên. Hệ thống S-300 đã được phát triển để tăng cường khả năng chống lại máy bay và tên lửa hành trình cho Lực lượng Phòng không Xô viết. Các biến thể sau đó được phát triển để đánh chặn cả tên lửa đạn đạo chiến thuật.
Pantsir-S (tên ký hiệu NATO SA-22 Greyhound) là một tổ hợp tên lửa - pháo phòng không, tổ hợp này có thể tiêu diệt các mục tiêu trong tầm ngắn và tầm trung. Nó có thể tiêu diệt các mục tiêu bay ở tầm thấp, ở khoảng cách 20 km bằng tên lửa và 4 km bằng pháo. Phiên bản xuất khẩu của nó, Pantsir-S1 đã được bán cho Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Syria và Algeria.