Ba lát cắt hội họa Ấn Độ tại Việt Nam

Ba lát cắt hội họa Ấn Độ tại Việt Nam
TPO - Ba họa sỹ tài năng Ấn Độ là Lexman, Sudip Roy, Santhanakrishman đã mang đến cho khán giả Việt Nam những lát cắt thú vị về hội họa Ấn Độ.

Họa sỹ Lexman gây ấn tượng với những bức họa về làng quê, Sudip Roy thả hồn với 15 bức vẽ tại Việt Nam và Santhanakrishman vẫn một chủ đề mà anh đeo đuổi bấy lâu nay - Những chiếc cửa.

Họa sỹ Sudip Roy, trưởng nhóm họa sỹ Ấn Độ tham gia Trại sáng tác tranh Việt Nam - Ấn Độ có sức sáng tạo dồi dào. Chỉ có 10 ngày ở Việt Nam, ông đã cho ra đời 15 tác phẩm hội họa.

Ông nói: “Tôi vẽ suốt ngày đêm, hầu như ngủ rất ít”.

Ông cho biết, các màu sắc phong cảnh Việt Nam là nguồn cảm hứng. Chẳng hạn, khi đi qua sông Hồng, ông chợt có cảm hứng vẽ bức tranh mà gam màu chủ đạo là màu của nước sông.

Điều đặc biệt nữa, tên các tác phẩm của ông đều lấy theo thời gian như bức 9 giờ 10 phút sáng, bức 11 giờ 10 phút

Thấy tôi ngạc nhiên trước sức sáng tạo này, ông cười bảo: “Đối với nghệ sỹ, số lượng tranh không quan trọng bằng vẽ gì và vẽ như thế nào”.

Họa sỹ Sudip Roy sinh ở Kolkata, tây Bengal, Ấn Độ. Ông là họa sỹ Ấn Độ đầu tiên được mời vẽ tranh lên xe hơi BMW của Đức. Đó là bức vẽ thể hiện sự phóng túng của những người đồng tính. Sự kiện này đánh dấu cuộc hôn nhân giữa nghệ thuật và kinh doanh trong thời kỳ quá độ, cũng như đưa tên tuổi ông sang phương Tây.

Họa sỹ Sudip Roy
Họa sỹ Sudip Roy.

Lần đầu tiên sang Việt Nam theo lời mời của Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội và Bộ Thể thao, Văn hóa và Du lịch Việt Nam, họa sỹ Sudip Roy rất ấn tượng với thiên nhiên và con người Việt Nam.

Ông cho biết, ông rất vui vì tháng sau có dịp trở lại Việt Nam. Ông sẽ đi cùng một số người bạn Ấn Độ.

Họa sỹ Laxman Aelay sinh năm 1964 tại Ấn Độ. Nàng thơ trong hội họa của anh là cuộc sống nghèo khổ ở làng quê, bởi như anh nói: “Tôi vốn xuất thân từ nghèo khổ mà”.

Họa sỹ Laxman Aelay
Họa sỹ Laxman Aelay.

Sang Việt Nam tham gia Trại sáng tác lần này, anh vẽ 6 bức tranh gồm: Khuôn mặt, Thờ cúng, Thân mẫu, Tình yêu với Việt Nam, Nông dân

Một Việt Nam thu nhỏ trong tranh của anh với hình ảnh cô gái Việt Nam mặc áo dài, đội nón lá, mái ngói liêu xiêu… Anh nói, rất ấn tượng với mái ngói đỏ, một đặc trưng rất Việt Nam.

Ngoài ra, Laxman có mang tới Việt Nam bộ tranh gồm 12 bức Bài hát của những ngôi làng kể về những chàng trai, cô gái ở làng quê Ấn Độ đang hăng say lao động nhưng đầy lạc quan.

Anh tiết lộ, mặc dù vẽ về những người nghèo khổ, nhưng tranh của anh bán được và anh có thể sống được bằng nghề.

Họa sỹ thứ ba gây ấn tượng tại triển lãm lần này là họa sỹ trẻ K.R Santhanakrishman, người được mệnh danh là họa sỹ của những cánh cửa. Tính đến nay, anh đã có tới hơn 36 triển lãm và vẽ được hơn 800 bức về cánh cửa.

Họa sỹ trẻ K.R Santhanakrishman
Họa sỹ trẻ K.R Santhanakrishman.

Sự tiên phong này của anh đã được một số họa sỹ Ấn Độ hưởng ứng, tạo nên một trào lưu.

Anh nói: “Tôi đã đi nhiều nơi trên đất nước Ấn Độ và phát hiện nhiều câu chuyện thú vị về những chiếc cửa. Mỗi chiếc cửa lại có câu chuyện riêng của nó”.

Giải thích về việc chọn chiếc cửa là nội dung chủ đạo trong sáng tác của mình, anh cho biết, chiếc cửa là bắt đầu và mở ra cho chúng ta biết bao điều thú vị. Anh mong ước sẽ tiếp tục khám phá về những chiếc cửa trên khắp đất nước Ấn Độ, giống như câu truyện cổ tích Vừng ơi, mở cửa ra.

Trong thời gian tham gia trại sáng tác tại Việt Nam, họa sỹ Santhanakrishman đã cho ra đời ba tác phẩm, trong đó có hai bức vẽ về cửa: một chiếc cửa truyền thống, một chiếc cửa hiện đại ở Ấn Độ.

Ngoài ra, anh còn một tác phẩm 3D về cánh cửa, trong đó anh làm mô hình như một chiếc cửa thật với ổ khóa ở cửa và ô kính.

Trở về sau 10 ngày tại Việt Nam, ba họa sỹ đều mong ước có dịp quay trở lại hoặc sẽ tiếp tục sáng tác với đề tài về Việt Nam và triển lãm ở Ấn Độ nhằm giới thiệu nét đẹp về con người và đất nước Việt Nam tới người dân Ấn Độ.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.