Ba diệu kế Tây Ban Nha có thể áp dụng nếu Catalonia tuyên bố li khai

Ba diệu kế Tây Ban Nha có thể áp dụng nếu Catalonia tuyên bố li khai
TPO - Cuộc trưng cầu ý dân ở Catalonia đang đe dọa sự thống nhất của Tây Ban Nha, đồng thời có thể trở thành mồi lửa kích thích làn sóng ly khai tiềm ẩn ở nhiều khu vực châu Âu hiện nay. Tuy nhiên để ngăn chặn nguy cơ này, không phải không có cách.

Theo thống kê của chính quyền Catalonia, kết quả cuộc trưng cầu ý dân diễn ra hôm 1/10 cho thấy 90% người tham gia bỏ phiếu ủng hộ xứ Catalonia li khai khỏi Tây Ban Nha và trở thành vùng lãnh thổ độc lập. Tuy nhiên, tỉ lệ cư dân Catalonia tham gia bỏ phiếu khá thấp, chỉ chưa đến 50%.

Trong khi đó, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy khẳng định Catalonia là một bộ phận không thể tách rời Tây Ban Nha và người dân vùng Catalonia đã bị lừa dối khi tham gia cuộc trưng cầu ý dân này.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, cuộc trưng cầu ý dân ở Catalonia đang đe dọa sự thống nhất của Tây Ban Nha, đồng thời có thể trở thành mồi lửa kích thích làn sóng ly khai tiềm ẩn ở nhiều khu vực châu Âu hiện nay. Tuy nhiên, để ngăn chặn nguy cơ này, không phải không có cách.

Áp dụng Điều 155 của Hiến pháp Tây Ban Nha

Việc áp dụng Điều 155 của Hiến pháp – điều khoản chưa từng được áp dụng trước đó, có thể giúp chính quyền trung ương Tây Ban Nha giành lại quyền tự trị của một phần hoặc toàn bộ vùng lãnh thổ Catalonia.

Theo quy định, Điều 155 có thể được áp dụng nếu một cộng đồng tự trị không tuân theo Hiến pháp Tây Ban Nha, hoặc có những hành động “gây ảnh hưởng lớn đến lợi ích chung của Tây Ban Nha”.

Quá trình “kích hoạt” Điều 155 có thể kéo dài vài ngày, vì Thủ tướng Tây Ban Nha Rajoy sẽ phải chính thức gửi thông báo đến người đứng đầu khu vực Catalonia, Carles Puigdemont và chính phủ Catalonia.

Trong trường hợp ông Puigdemont từ chối thông báo của Madrid, Thượng viện Tây Ban Nha sẽ tiến hành bỏ phiếu. Vì đảng Thủ tướng Rajoy hiện chiếm đa số ghế trong Thượng viện nên quá trình thông qua Điều 155 được cho là sẽ khá thuận lợi.

Marina Díaz Cristóbal, Giáo sư lịch sử và khoa học chính trị tại Barcelona, giải thích rằng một khi Điều 155 được “kích hoạt”, toàn thể quốc hội Catalan gồm 135 thành viên sẽ bị giải thể và các cuộc bầu cử khu vực sẽ được tổ chức trong vòng hai tháng tới. Các thành viên của quốc hội hiện tại có thể sẽ tiếp tục ứng cử nếu họ không tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp của quốc hội trước đó.

“Tuy nhiên, cách làm này tiềm ẩn rủi ro vì có thể làm cho phong trào ủng hộ độc lập bùng phát. Không gì có thể cản trở Catalonia chọn một nhà hoạt động ly khai khác làm người đứng đầu”, Cristóbal nói.

Ba diệu kế Tây Ban Nha có thể áp dụng nếu Catalonia tuyên bố li khai ảnh 1 10.000 người tuần hành tại Barcelona hôm qua, 8/10 nhằm phản đối việc Catalonia li khai và ủng hộ sự thống nhất của Tây Ban Nha. Ảnh: AFP

Thiết quân luật hoặc ban bố tình trạng khẩn cấp

Chính phủ Tây Ban Nha có thể sử dụng quân đội để trực tiếp kiểm soát vùng Catalonia, giáo sư Cristóbal cho biết. Tuy nhiên, khả năng Madrid lựa chọn phương án này là rất thấp bởi cảnh sát Tây Ban Nha đã có vài cuộc đụng độ với công dân Catalonia khiến tình hình càng thêm trầm trọng.

Nếu Madrid ban bố tình trạng khẩn cấp, thì chính quyền Tây Ban Nha có thể thực hiện những hành động mà thông thường bị cấm bởi Hiến pháp để giành lại quyền kiểm soát vùng Catalonia.

Tương tự việc thiết quân luật, chính phủ Tây Ban Nha sẽ phải đưa cảnh sát quốc gia đến Catalonia nếu ban bố tình trạng khẩn cấp.

Ba diệu kế Tây Ban Nha có thể áp dụng nếu Catalonia tuyên bố li khai ảnh 2 Những người ủng hộ Catalonia li khai tuần hành tại Barcelona hôm 3/10. Ảnh: AFP

Đàm phán

Thủ tướng Tây Ban Nha Rajoy đã khẳng định ông sẽ không thảo luận về cuộc trưng cầu ý dân “bất hợp pháp” của Catalonia. Điều này đồng nghĩa với việc Madrid loại bỏ khả năng đàm phán với chính quyền vùng tự trị.

Tuy nhiên, lãnh đạo Madrid và Catalonia có thể tham gia quá trình hòa giải với một bên thứ ba, tiến tới thiết lập mối quan hệ mới giữa Catalonia và Tây Ban Nha bằng cách thay đổi hiến pháp.

Hồi tuần trước, người đứng đầu Catalonia – ông Puigdemont đã kêu gọi sự giúp đỡ của bên trung gian là Ủy ban châu Âu - cơ quan cao nhất ngành hành pháp của Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, EU hiện đang đứng sau Rajoy và gọi cuộc li khai của Catalonia là “xung đột nội bộ”.

Nếu không được quốc gia khác ủng hộ, việc tuyên bố độc lập của ông Puigdemont sẽ chỉ được coi là một hành động tượng trưng.

Puigdemont nói rằng ông sẽ phát biểu trước nghị viện khu vực vào tối thứ Ba, 10/10. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa chắc chắn liệu ông Puigdemont có tuyên bố độc lập - như ông đã khẳng đinh hồi tuần trước hay không.

Theo Theo CNBC
MỚI - NÓNG