Catalonia - cuộc khủng hoảng thực sự cho cả châu Âu

Khẩu hiệu “Catalonia không phải Tây Ban Nha” được treo trong cuộc trưng cầu ý dân vừa qua. Ảnh: ABC.
Khẩu hiệu “Catalonia không phải Tây Ban Nha” được treo trong cuộc trưng cầu ý dân vừa qua. Ảnh: ABC.
TP - Vài ngày sau cuộc bỏ phiếu trưng cầu ý dân về việc Catalonia tách khỏi Tây Ban Nha, những vết nứt trong xã hội Tây Ban Nha đang ngày càng rộng hơn. Với mỗi ngày trôi qua, chính quyền trung ương và các lực lượng ủng hộ độc lập ở Catalonia có vẻ đang tiến đến chỗ đối đầu trực tiếp.

Mấy ngày qua chứng kiến những cuộc biểu tình nóng bỏng và một cuộc biểu tình tập thể ở Catalonia, một vùng đất trù phú về kinh tế nằm ở miền đông bắc Tây Ban Nha mà ở đó chính quyền địa phương tự tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân cuối tuần trước.

Cách xử lý của Thủ tướng cánh hữu Mariano Rajoy bằng cách đưa lực lượng an ninh đến dẹp người biểu tình không có vũ khí càng khiến thái độ của người Catalonia với Madrid cứng rắn hơn. Khi cả hai phía đều lên gân, sự thách thức này có thể gây ra một cuộc khủng hoảng hiến pháp với những hậu quả sâu sắc không chỉ với Tây Ban Nha mà cả châu Âu, giới quan sát nhận định.

Những lãnh đạo đòi ly khai ở Catalania nói rằng hơn 2 triệu dân của họ vẫn có thể bỏ phiếu, với phần lớn trong số đó ủng hộ tách khỏi Tây Ban Nha. Chính quyền khu vực tuyên bố họ có thể chính thức tuyên bố độc lập vào thứ Hai tuần tới. Hôm 4/10, Tòa án tối cao Tây Ban Nha mở cuộc điều tra khả năng một số chính trị gia và cảnh sát Catalonia xúi giục nổi loạn, trong khi lực lượng này đang thúc đẩy kế hoạch tách riêng. 

Vẫn chưa rõ một Catalonia sau khi tuyên bố độc lập sẽ ra sao, nhưng bước đi này chắc chắc gây ra nhiều lộn xộn. “Chúng ta biết có thể sẽ có những vụ bắt bớ, tước quyền. Nhưng chúng ta đã chuẩn bị rồi, nên chúng ta sẽ không dừng lại trong bất kỳ tình huống nào”, chính trị gia Mireia Boya, một người ủng hộ độc lập ở Catalonia, viết trên Twitter.

Tuy nhiên, nhiều người ở Catalonia không chia sẻ quan điểm của những lãnh đạo đòi ly khai và tin rằng vùng đất này đã bị các chính trị gia hạn hẹp, ngoan cố dẫn dắt. “Chúng tôi hoàn toàn im lặng”, nhà làm phim Isabel Coixet nói với báo chí. “Họ đã tạo ra bầu không khí căng thẳng mà trong đó bất kỳ ai không đồng ý với họ sẽ không thể tồn tại và bị mất uy tín. Và, nói một cách trung thực, có rất nhiều người đang im lặng. Vấn đề lớn nhất mà tôi thấy là hai vết nứt đã bị tạo ra. Đó là sự chia rẽ với Tây Ban Nha và chia rẽ trong số những người Catalonia”, bà Coixet nói. 

Trong khi đó, đại diện lực lượng bán quân sự quốc gia tham gia cuộc trấn áp biểu tình cuối tuần trước phàn nàn về việc người của họ bị lấn át trên đường phố ở Catalonia và kêu gọi phải điều lực lượng tăng cường từ các vùng khác đến đây. Bài phát biểu của Nhà vua Tây Ban Nha Felipe VI hôm 3/10 nhắc lại quan điểm của Madrid rằng việc đòi độc lập cho Catalania là “ngoài vòng pháp luật” và là thể hiện “sự bất trung không thể chấp nhận được”. Tiếp theo, chính phủ Tây Ban Nhà từ chối kêu gọi của lãnh đạo Catalonia về thương lượng. 

Những điều này chỉ khiến những người Catalalonia đòi ly khai có thêm vũ khí, các nhà phân tích nhận định.

“Catalonia đang chia rẽ. Tây Ban Nha đang chia rẽ. Bài phát biểu của Vua Felipe VI không phù hợp”, ông Federiga Bindi, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trường Quốc tế học thuộc ĐH Johns Hopkins (Mỹ), đánh giá.

Ông Carles Puigdemont, lãnh đạo khu vực của Catalonia và là người đi đầu trong phong trào đòi độc lập, nói rằng Nhà vua “làm thất vọng nhiều người ở Catalonia khi họ coi trọng ngài và kỳ vọng sẽ có cuộc đối thoại”. Trong những phát biểu trước đó, ông Puigdemont cho rằng, một khu vực với thân phận bị nền dân chủ đàn áp đang đứng lên chống lại áp bức. 

Những đồn đoán hiện nay tập trung vào khả năng dẫn đến “lựa chọn hạt nhân”: Kích hoạt Điều 155 của Hiến pháp Tây Ban Nha, trong đó cho phép chính quyền Madrid giải tán cơ quan lập pháp Catalonia do ông Puigdemont đứng đầu. Nhưng nếu làm như vậy, chính quyền trung ương non trẻ có thể hứng tác động dội ngược và có khả năng phe lãnh đạo thất bại trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm trong quốc hội; đa số người dân im lặng ở Catalonia dù không ủng hộ độc lập có thể bắt đầu suy nghĩ lại. 

Châu Âu đau đầu

Cuộc khủng hoảng này đang được cả châu Âu theo dõi sát sao. Nhiều chính trị gia đã bày tỏ ủng hộ Madrid hoặc cho rằng đây là vấn đề nội bộ của Tây Ban Nha. Nhưng khi căng thẳng gia tăng, họ có thể thấy không còn cách nào tránh được hỗn loạn ở một trong những khu vực được yêu quý nhất của lục địa. 

“Nếu đây là Crimea hay Hy Lạp, bà Angela Merkel giờ đã nỗ lực hòa giải. Nhưng với Catalonia, Thủ tướng Đức (thuộc đảng đồng minh với đảng cầm quyền ở Tây Ban Nha hiện nay) thì ngược lại. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng vậy, khi ông vừa có bài phát biểu ca ngợi một “châu Âu hội nhập hơn” vào tuần trước”, nhà báo Simon Tisdall, người phụ trách chuyên mục của báo Anh The Guaridan, bình luận. 

Khó có nhà lãnh đạo Tây Âu nào lên tiếng ủng hộ phe ly khai ở một quốc gia của Tây Âu. Nhưng cuộc đối đầu giữa Barcelona (thủ phủ của Catalonia) và Madrid cho thấy những căng thẳng phức tạp đang sôi sục trong lòng châu Âu - một mớ hổ lốn những ý tưởng vĩ mô, những chương trình mang đậm tính dân tộc và khát vọng khu vực về một nền quản trị trực tiếp hơn. 

“Cuộc trưng cầu ý dân ở Catalonia làm trầm trọng hơn những vết nứt trong kết hoạch của EU nhằm thúc đẩy sự hội nhập cao hơn, gây ra tranh cãi về bản sắc trên khắp lục địa này”, nhà kinh tế học Franz Buscha ở ĐH Westminster (Anh) bình luận. 

“EU đặt mục tiêu chống lại chủ nghĩa vô chủ và chủ nghĩa dân tộc, và họ đang vật vã”, nhà bình luận người Pháp Natalia Nougayrède viết. “Cuộc khủng hoảng Catalonia cho thấy những hạn chế chính trị và khó khăn trong việc giúp công dân hiểu cách vận hành của họ (EU) như thế nào. Đối với châu Âu, và đối với nền dân chủ Tây Ban Nha, đây là một phép thử lớn”, bà Nougayrède viết. 

Theo Theo Guardian, Washington Post
MỚI - NÓNG
Nhận định Man City vs MU, 23h30 ngày 15/12: Cơ hội cho Quỷ đỏ
Nhận định Man City vs MU, 23h30 ngày 15/12: Cơ hội cho Quỷ đỏ
TPO - Nhận định bóng đá Man City vs MU, vòng 16 Ngoại hạng Anh 2024/25 lúc 23h30 ngày 15/12 - thông tin lực lượng, đội hình dự kiến, phong độ, lịch sử đối đầu. Man City đang suy yếu, mang đến cơ hội tuyệt vời để MU tạo ra sự khác biệt sau những kết quả nghèo nàn ở các trận derby Manchester trước.
Pep đáp trả tin đồn thất thiệt trước trận derby Manchester
Pep đáp trả tin đồn thất thiệt trước trận derby Manchester
TPO - Pep Guardiola khẳng định ông "không đánh mất phòng thay đồ" tại Manchester City. Ông tuyên bố rằng ngay khi cảm nhận được các học trò không ủng hộ mình, vị HLV này sẽ rời đi ngay lập tức. Đây là thông điệp đanh thép của Pep nhằm phủ nhận những mâu thuẫn nội bộ tại Man City.