Tây Ban Nha bế tắc trước 'Ngày phán xét' tại Catalonia

Tây Ban Nha bế tắc trước 'Ngày phán xét' tại Catalonia
Một cuộc ly khai sẽ mang lại thiệt hại, ít nhất trong ngắn hạn, đối với cả Tây Ban Nha lẫn Catalonia. Thế nhưng, cả hai phía đều chưa tỏ dấu hiệu nhượng bộ hay muốn đàm phán.

Khoảng 350.000 người đã xuống đường tại thành phố Barcelona, thủ phủ khu tự trị Catalonia, trong ngày 8/10 để phản đối việc vùng này tách khỏi Tây Ban Nha và trở thành một quốc gia độc lập. Đó là một đám đông khác hoàn toàn với những người đã đụng độ cảnh sát trong ngày trưng cầu dân ý 1/10.

Khi đó, chính quyền trung ương Tây Ban Nha đã điều cảnh sát chống bạo động đến ngăn cản người dân đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về việc ly khai. Kết quả là gần 900 người bị thương và 90% người đi bỏ phiếu chọn phương án "ly khai". Dù vậy, đây không hẳn là quan điểm của hầu hết người dân Catalonia vì tỷ lệ người đi bỏ phiếu chỉ là 42%.

350.000 người đi biểu tình ngày chủ nhật tuần sau đó chính là tiếng nói khác từ Catalonia. 

Thế nhưng, khi đứng trước một vùng tự trị đang xung đột và chia rẽ về việc ly khai, chính phủ Tây Ban Nha đã chọn cách giải quyết không thể tệ hơn.

"Khi một nền dân chủ gửi cảnh sát chống bạo động đến đánh lên đầu những cụ bà bằng gậy gộc để ngăn họ đi bỏ phiếu, mọi thứ đã đi chệch hướng", Economist viết.

Tây Ban Nha bế tắc trước 'Ngày phán xét' tại Catalonia ảnh 2 Người biểu tình ủng hộ nước Tây Ban Nha thống nhất ở Barcelona hôm 8/10. Ảnh: Reuters.

Biến người đối lập thành 'thánh tử vì đạo'Bất kể việc các lãnh đạo Catalonia đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý bị xem là vi hiến, phản ứng từ Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy mới là điều đẩy đất nước vào cuộc khủng hoảng hiến pháp nghiêm trọng nhất kể từ cuộc đảo chính bất thành năm 1981, Economist nhận định.Rajoy đã sai khi nghĩ rằng gậy gộc và hơi gas của cảnh sát có thể ngăn cản được một cuộc ly khai. 

Tất cả những gì ông làm là tiếp thêm ý chí phản kháng cho những người đối lập và gây choáng váng những người ủng hộ. Ông mới là nhân tố kéo hàng trăm nghìn người xuống đường biểu tình. "May mắn thay, không ai thiệt mạng (trong cuộc đàn áp). 

Thủ tướng Rajoy nên tự thấy mình may mắn. Những hành động bạo lực đã được cả thế giới chứng kiến qua mạng xã hội và kéo theo sự phản đối của dư luận quốc tế đối với chính phủ. Tạo ra những vị thánh "tử vì đạo" không phải cách khôn ngoan để chiến thắng một tranh cãi chính trị", tờ Observer viết. 

Tây Ban Nha bế tắc trước 'Ngày phán xét' tại Catalonia ảnh 3 Cách cư xử bạo lực của cảnh sát trong cuộc trưng cầu dân ý đã gây thêm tức giận cho người dân ở Catalonia. Ảnh: Reuters.

Economist cho rằng bất chấp tính thiếu chính danh của lời kêu gọi ly khai, khi khao khát độc lập của một cộng đồng cư dân đã đạt 1 mức nhất định, chính phủ đứng trước 3 lựa chọn: đàn áp, chịu thua hoặc thương lượng và chấp nhận rằng kết quả vẫn có thể là ly khai.

Thủ tướng Rajoy đã không nắm được bản chất của lựa chọn này. Đầu tiên ông vô hiệu hóa những người dân tộc chủ nghĩa ở tòa án và đến cuối tuần qua, ông sử dụng vũ lực để ngăn cản họ. Việc điều cảnh sát chống bạo động tới Catalonia không chỉ làm lợi cho những người muốn ly khai, nó đã vượt qua lằn ranh. Khi người ta so sánh công lý chính thức, tức luật pháp, với công lý tự nhiên, công lý tự nhiên luôn chiến thắng. Hiến pháp được làm ra để phục vụ công dân, không phải theo chiều ngược lại, và vì vậy lý lẽ cuộc trưng cầu dân ý vi hiến là không đủ để Thủ tướng Rajoy sử dụng vũ lực lên người dân. Tính toán sai lầm của ông đã làm tổn hại tính chính đáng của nhà nước Tây Ban Nha.

Theo Economist, một nền dân chủ vận hành tốt phải dựa trên pháp quyền, bảo vệ các quyền tự do, ít nhất trong đó có quyền tự do của các cộng đồng thiểu số được thể hiện sự bất mãn. Thay vì tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng, người ta đào sâu cách biệt và giờ thì Catalonia đứng trên bờ vực của việc tuyên bố ly khai đơn phương và bất hợp pháp.

Cả 2 cùng thiệt

Một cuộc ly khai sẽ là thảm họa cho Tây Ban Nha. Đất nước sẽ mất đi thành phố lớn thứ hai và đứng trước nguy cơ mất nốt nhiều khu vực khác của vùng Basque. Ở mặt khác, ly khai cũng sẽ tổn hại Catalonia và không hẳn tất cả mọi người dân vùng này đều muốn ly khai. Đối với châu Âu, một Catalonia độc lập sẽ khơi mào cho phong trào ly khai trên khắp châu Âu, đầu tiên tất nhiên là Scotland, sau đó là miền Bắc Italy, vùng Corsia của Pháp hay thậm chí là Bavaria tại Đức.

Người Tây Ban Nha mang một nỗi sợ lịch sử đối với việc ly khai. Việc đòi độc lập của Catalonia là một trong những yếu tố gây nên cuộc nội chiến Tây Ban Nha vào thập niên 1930. Chính vì thế, khó trách được khi nhiều người Tây Ban Nha đã chia sẻ với Vua Felipe khi ông xuất hiện trên sóng truyền hình và lớn tiếng chỉ trích sự "bất trung" của các lãnh đạo Catalonia vì đã vi phạm hiến pháp 1978 của nước này. Suy cho cùng, phần nhiều người Catalonia vẫn thừa nhận sự dàn xếp năm 1978 đã mang đến sự thịnh vượng và nhiều quyền tự trị cho các vùng tự trị của Tây Ban Nha, bao gồm Catalonia. 

Tây Ban Nha bế tắc trước 'Ngày phán xét' tại Catalonia ảnh 4

Catalonia có mức GDP đầu người cao hơn và tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn phần lớn các vùng khác của Tây Ban Nha, vì thế cư dân ở đây thường thấy họ giàu có hơn phần còn lại của đất nước. Ảnh: AFP

Cho đến ngày trưng cầu dân ý 1/10, không ai từng trải nghiệm cuộc sống ở Barcelona có thể nói rằng vùng Catalonia bị chính quyền trung ương đàn áp hoàn toàn. Trong khi đó, nếu tách khỏi Tây Ban Nha, Catalonia sẽ mất đi rất nhiều quyền lợi, bao gồm cả việc không thể tự động gia nhập EU ngay lập tức.

Catalonia là trung tâm công nghiệp, dịch vụ và du lịch của cả Tây Ban Nha. Năm 2016, vùng tự trị này đóng góp 19% GDP của cả nước trong khi GDP đầu người thuộc dạng cao nhất nước. Khu vực này cũng là vùng đóng góp nhiều nhất vào tổng sản lượng xuất khẩu của Tây Ban Nha, nơi tập trung nhiều doanh nghiệp lớn.

Về phía Catalonia, một khi rời khỏi Tây Ban Nha, "quốc gia" mới này có thể sẽ đánh mất cả thị trường chung châu Âu. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã làm rõ rằng EU sẽ chỉ công nhận một cuộc ly khai được tổ chức tuân thủ hiến pháp và sẽ không công nhận Catalonia như một nhà nước được tạo nên bởi sự phạm luật, cụ thể là vi phạm hiến pháp Tây Ban Nha. 

AFP cho biết các hiệp ước của EU không quy định rõ ràng số phận của một nhà nước tách từ một nước thành viên EU. Dù vậy, từ năm 2004, khối này thường áp dụng "học thuyết Prodi", được đặt theo tên cựu chủ tịch Ủy ban châu Âu Romano Prodi. Học thuyết này cho rằng khi một khu vực tách ra khỏi một nước thành viên EU, nhà nước mới sẽ tự động mất quyền thành viên và phải bắt đầu quá trình gia nhập như một nước bình thường khác.

Đám đông im lặng

Cuộc biểu tình ngày 8/10 ở Barcelona là màn "ra mắt" của một nhóm "đám đông im lặng" đã ẩn mình trong một thời gian dài những người chủ trương ly khai kêu gọi độc lập cho Catalonia.

"Đây là tiếng nói của đám đông im lặng", "Đủ rồi", "Đã đến lúc khôn ngoan lên" là nội dung một vài biểu ngữ được những người biểu tình giơ cao tại Barcelona. Các nhà tổ chức ước tính số người biểu tình lên đến gần 1 triệu trong khi cảnh sát Catalonia nói rằng chỉ có 350.000 người. Lập luận của họ rằng những lời kêu gọi độc lập cho Catalonia thực chất là tiếng nói từ "những kẻ to mồm", không phải của đa số.

Sau cuộc trưng cầu dân ý, Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont tuyên bố ông sẽ đơn phương tuyên bố độc lập cho Catalonia trong vòng 10 ngày. Khi hạn chót cho lời tuyên bố đó chỉ còn 2 ngày, Puigdemont bỗng thấy bản thân mắc kẹt trong một nan đề mới. Nếu ông kiên quyết bỏ qua ý kiến của những người ủng hộ thống nhất, mà họ có thể mới chính là đa số, họ có thể sẽ trừng phạt ông bằng quyền của cử tri trong các cuộc bầu cử. 

Tây Ban Nha bế tắc trước 'Ngày phán xét' tại Catalonia ảnh 5

Cuộc khủng hoảng Catalonia vẫn chưa có lối ra khi không bên nào tỏ dấu hiệu nhượng bộ. Ảnh: Reuters

Áp lực ngày càng gia tăng khi một số doanh nghiệp đã bắt đầu chuyển văn phòng khỏi Barcelona.

Trong trường hợp Thủ hiến Puigdemont bất chấp áp lực từ cả trong lẫn ngoài khu tự trị để tuyên bố độc lập, chính phủ có thể kích hoạt điều 155 của hiến pháp để xóa bỏ quy chế tự trị của Catalonia và đẩy cuộc khủng hoảng đi xa thêm.

Economist nhận định Madrid vẫn còn cơ hội giành lại "trái tim" người Catalonia bằng việc trao nhiều quyền tự trị hơn, để họ giữ lại phần thuế của mình, bảo tồn ngôn ngữ riêng của vùng... Thủ tướng Tây Ban Nha thậm chí có thể xem xét ý tưởng biến nước này thành một liên bang. Chỉ có một cuộc thương lượng mới giải quyết được cuộc khủng hoảng này và việc đó cần được bắt đầu ngay lập tức. 

Ngoài ra, bất cứ sự thỏa thuận nào cũng phải cân nhắc đến quan điểm của người dân được thể hiện trong cuộc trưng cầu dân ý. 

Thủ tướng Tây Ban Nha có thể trông vào cách David Cameron đã ứng xử khi ở cương vị tương tự trước một Scotland đòi độc lập. Ông cho phép một cuộc trưng cầu dân ý được tiến hành và đã chiến thắng thuyết phục.

Dù vậy, khi thời hạn mà thủ hiến Catalonia hứa sẽ tuyên bố độc lập đang tới gần, Thủ tướng Rajoy vẫn một mực tuyên bố sẽ không thương lượng trừ khi những người đòi ly khai lùi bước trước.

"Tôi sẽ không thương lượng cho đến khi họ tôn trọng luật pháp", Guardian dẫn lời ông.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
TPO - Ngày 13/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài – Trưởng Ban Chỉ đạo thành phố về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 đã ký ban hành Thông báo kết luận của Thường trực Ban chỉ đạo thành phố về định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thành phố.