Vì sao khủng bố nhằm vào Catalonia?

Vì sao khủng bố nhằm vào Catalonia?
TP - Hai vụ tấn công khủng bố liên tiếp cuối tuần qua ở Barcelona, thủ phủ của xứ Catalonia, Tây Ban Nha khiến các nhà phân tích liên hệ, kẻ lái máy bay tấn công một tòa tháp tại Trung tâm Thương mại thế giới của Mỹ năm 2001 từng ở đây trước khi thực hiện vụ tấn công khủng bố.

Lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) đã lên tiếng nhận trách nhiệm về cuộc tấn công, làm 14 người thiệt mạng, hơn 120 người bị thương trong vụ đâm xe vào người đi bộ ở Barcelona ngày 17/8 và  dùng dao đâm vào khách du lịch tại khu nghỉ mát gần biển của Cambrils ngày 18/8.

Báo chí Tây Ban Nha trích dẫn các nguồn an ninh hồi năm ngoái cho biết, Catalonia đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho các phần tử Hồi giáo cực đoan bởi lẽ đây là nơi sinh sống của một số lượng đáng kể người nhập cư thế hệ thứ hai, trong đó có nhóm thanh niên được tin rằng đã tiến hành các vụ tấn công chết người tuần qua.

Hầu hết họ là con cái của những người nhập cư Ma-rốc lớn lên ở Ripoll, thị trấn nằm dưới chân dãy núi Pyrenees luôn nhộn nhịp khách du lịch. Những đứa trẻ nhập cư ở vùng này được đánh giá là chăm chỉ làm ăn. Tuy nhiên, cảnh sát cảnh báo rằng, có trường hợp nghi phạm chuyển sang chủ nghĩa cực đoan chỉ trong vòng vài tháng. Đối với lực lượng an ninh, đây là nỗi đau đầu lớn nhất vì không giống như những người trở về từ các vùng chiến tranh ở Trung Đông, những kẻ khủng bố tiềm năng như vậy rất khó phát hiện.

Theo chuyên gia chống khủng bố Mikel Buesa (Đại học Complutense ở Madrid), sau vụ tấn công khủng bố ở ga xe điện ngầm Madrid năm 2004 khiến gần 200 người chết, 2.000 người bị thương, lực lượng cảnh sát địa phương bị sa thải. Lực lượng cảnh sát và tình báo mới đã được tuyển dụng, trong đó có việc tuyển dụng cả thông dịch viên. Tây Ban Nha cũng tăng cường hợp tác với các nước láng giềng như Pháp, Ma-rốc… Việc bắt giữ nghi phạm diễn ra thường xuyên như một biện pháp phòng ngừa. Một số luật sư nói rằng, biện pháp này không phải lúc nào cũng tôn trọng nhân quyền, nhưng đã được ghi nhận là giúp Tây Ban Nha thoát khỏi những cuộc tấn công khủng bố một cách hiệu quả so với các nước láng giềng. Kể từ năm 2015, khi số vụ bắt giữ giảm đi trước những chỉ trích về nhân quyền, các phần tử cực đoan thừa cơ bùng phát.

Mối đe dọa này ngày càng lớn kể từ năm 2016 khi các trang web Hồi giáo được đặt tên là “Al Andalus” - tên một lãnh thổ Tây Ban Nha nằm trong sự quản lý của lãnh đạo Hồi giáo tên là Moors tới năm 1492. Các chuyên gia đặc biệt lo lắng về sự tập trung của các chiến binh Hồi giáo ở Catalonia, nơi có cộng đồng người Hồi giáo lớn nhất ở Tây Ban Nha. Theo Liên minh các Cộng đồng Hồi giáo Tây Ban Nha, số người Hồi giáo ở Catalonia có khoảng 1,9 triệu người trong tổng dân số 47 triệu, chiếm khoảng 4% dân số. Hầu hết là người Bắc Phi và người Ma-rốc.

Công tố viên, chuyên gia chống khủng bố Javier Zaragoza cho biết, nhiều người nhập cư từ thế hệ thứ hai hoặc thứ ba không còn được hưởng nhiều quyền ưu tiên dễ nhanh chóng chuyển sang hệ tư tưởng cực đoan. Nhà phân tích Carola Garcia-Calvo thuộc tổ chức nghiên cứu Real Instituto Elcano cho rằng, khu vực thành thị của Barcelona là nơi dễ bị tấn công khủng bố nhất ở Tây Ban Nha.

Ông Garcia-Calvo nói: “Phân tích cuối cùng của chúng tôi được công bố hồi đầu tháng 8 cho thấy, 25% số người bị giam vì liên quan các cuộc tấn công khủng bố đều đến từ Barcelona. Về mặt địa lý, đây là trung tâm chính của hoạt động thánh chiến”.

Theo Theo The Strait Times
MỚI - NÓNG