Ba cầu đi bộ vừa dùng đã dỡ

Từ ngày 25/10 cầu đi bộ và trạm trung chuyển xe buýt Cầu Giấy sẽ được tháo dỡ. Ảnh: Trọng Đảng
Từ ngày 25/10 cầu đi bộ và trạm trung chuyển xe buýt Cầu Giấy sẽ được tháo dỡ. Ảnh: Trọng Đảng
TP - Để thực hiện dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, từ 25/10 Hà Nội sẽ tháo dỡ cầu đi bộ và trạm trung chuyển xe buýt tại nút giao thông Cầu Giấy. Đây là cầu vượt đi bộ thứ 3 bị tháo dỡ để phục vụ các dự án thi công sau.

UBND thành phố Hà Nội vừa giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan thống nhất phương án di dời cầu đi bộ và trạm trung chuyển xe buýt tại nút giao thông Cầu Giấy. 

Cầu đi bộ trước cổng trường đại học GTVT là một trong 17 cầu được TP Hà Nội đầu tư xây dựng trong các năm 2008 - 2010. Cầu được xây dựng theo kết cấu lắp ghép, tổng mức đầu tư mỗi cầu gần 10 tỷ đồng. Tuy nhiên sau thời gian ngắn sử dụng cầu đi bộ trước đại học GTVT là cầu thứ 3 bị tháo dỡ.

Trước đó, để thực hiện hai dự án cầu vượt thép tại nút giao thông Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã (trước khách sạn Daewoo) và nút Đại Cồ Việt - Phố Huế, hai cầu đi bộ có tổng kinh phí xây dựng gần 20 tỷ đồng tại đây cũng bị tháo dỡ. Tại nút giao thông Cầu Giấy, ngoài cầu đi bộ, còn có trạm trung chuyển xe buýt cũng bị tháo dỡ.

Theo các chuyên gia đô thị, quy hoạch dự án ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội đã có hàng chục năm nay, nhưng không hiểu sao từ năm 2005 đến 2010 cầu đi bộ và trạm trung chuyển xe buýt tại Cầu Giấy vẫn được xây dựng, nay dẫn đến việc phải di dời.

“Ba cầu đi bộ và một trạm trung chuyển xe buýt phải di chuyển để thực hiện các dự án giao thông là sự manh mún trong quy hoạch tại Hà Nội, hậu quả là ngoài làm chậm tiến độ giải phóng mặt bằng việc này còn gây lãng phí, thất thoát lớn”, đại diện Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội nói.

Di dời chứ không phá bỏ

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Xuân Tân, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết: Để có mặt bằng thi công dự án ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội, cầu đi bộ và trạm trung chuyển xe buýt trước Đại học GTVT phải di dời. Các công trình này được di chuyển sang vị trí khác chứ không dỡ bỏ.

Cụ thể, sau khi có ý kiến chỉ đạo của thành phố, Sở GTVT, Ban dự án đường sắt đô thị Hà Nội (chủ đầu tư) và các đơn vị liên quan đã tính toán kỹ lưỡng các phương án di dời để vừa bảo đảm yêu cầu thi công, vừa bảo đảm an toàn, thuận lợi cho các phương tiện tham gia giao thông.

Theo phương án đã được Sở GTVT thống nhất với chủ đầu tư và các đơn vị liên quan, từ 25/10, trạm trung chuyển xe buýt Cầu Giấy hướng đường Cầu Giấy - Kim Mã sẽ di chuyển sang vỉa hè trước tường rào trường Đại học GTVT; trạm phía đường Kim Mã - Cầu Giấy sẽ chuyển sang vỉa hè công viên Thủ Lệ. Tại khu vực này, cơ quan chức năng sẽ tổ chức sơn kẻ vạch và tổ chức lại giao thông. Với cầu đi bộ, sẽ được các đơn vị thi công di dời về lắp đặt tại đường Trung Kính.

“Cầu đi bộ chỉ giải quyết số ít còn cầu vượt mới nhiều. Xét cho cùng nó (cầu vượt) như một cái vạch sơn qua đường, hôm nay mật độ chỗ này nhiều thì phải tổ chức sơn, kẻ để người ta qua đường, ngày mai vì yếu tố giao thông ở đấy giảm đi thì phải dịch chuyển về chỗ khác”, ông Tân phân tích. 

Tuy không cho biết số kinh phí di dời cầu đi bộ và trạm trung chuyển xe buýt tại nút Cầu Giấy là bao nhiêu, nhưng Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội thông tin: Toàn bộ kinh phí sẽ được Ban dự án đường sắt đô thị Hà Nội lấy từ dự án ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội khi thực hiện công việc này.

Ngoài cầu đi bộ, trạm trung chuyển xe buýt khu vực nút giao thông Cầu Giấy còn có 16 cây xà cừ nằm trong phạm vi dự án cần phải giải tỏa. Hiện việc này đã được thành phố cho chủ trương là đánh chuyển về trồng tại công viên Hòa Bình. Với các cây xanh khu vực đường Kim Mã đến ga Hà Nội các đơn vị thi công đang khảo sát rồi sẽ có phương án cụ thể.

MỚI - NÓNG