Âu “thép” 18 năm bám trụ nhà giàn

Âu “thép” 18 năm bám trụ nhà giàn
TP - Ở Nhà giàn DK1, nói đến thế hệ đi kiên trung bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió, phải kể đến Trung tá Trang Hải Âu, SN 1966.

> Lá thư tình nhờ người viết hộ
> Chuyện tình mai mối của thượng tá 'phòng không'

Trung tá Âu được mọi người gọi là “Âu thép”, vì anh rất “lỳ” bám trụ nhà giàn. 18 năm ở nhà giàn, 17 năm đón tết trên biển, 17 năm ăn cơm với bão và lốc xoáy.

Luôn sẵn sàng ra đi

Trung tá Trang Hải Âu mở hộc tủ lấy những con ốc biển từ trong bọc ni lông, nâng niu trân trọng như báu vật. Anh bảo: “Hành trang của lính nhà giàn chỉ thế, ốc biển, lương khô và cá kìm khô. Những con ốc này tưởng như vô tri, nhưng lại rất ý nghĩa với lính nhà giàn. Đi nhà giàn tôi bỏ trong đáy ba lô, khi trở lại đất liền tôi đem theo về. Nó như người bạn tri kỷ”.

Tôi ngạc nhiên “chỉ là con ốc biển”? Anh Âu nói: “Ốc biển, nhưng nó được lấy lên tận đáy san hô, nơi có 9 đồng đội của tôi vĩnh viễn nằm lại ở đấy. Những con ốc này chẳng khác gì xương cốt của đồng đội tôi”. Anh Âu rưng rưng nhìn ra khoảng sân trước nhà, ký ức những ngày đầu tiên ra chốt giữ nhà giàn DK1/6 hiện về.

 “Lúc đấy tôi động viên anh em tất cả phải bình tĩnh, nếu ở lại với biển cũng sẵn sàng hi sinh. Tất cả chúng tôi viết tên tuổi, quê quán, năm sinh, ngày nhập ngũ, ngày ra nhà giàn của mình cho vào túi ni lông rồi bỏ vào bao bảo quản (loại túi đựng gạo chống ướt chuyên dùng cho bộ đội biển, đảo) để nếu hi sinh không còn thân xác thì tên tuổi của mình vẫn còn nổi trên mặt biển. 

Trung tá Trang Hải Âu

Tháng 10/1995, lần đầu tiên trung tá Âu bước chân xuống tàu ra nhà giàn Phúc Nguyên 2A (DK1/6) nhận nhiệm vụ. Sóng to gió lớn không làm chàng sĩ quan lục quân 2 lần đầu đi biển bỡ ngỡ, mà ngược lại, anh hào hứng với những con sóng bạc đầu. Những năm 1995 đến 2001, các nhà giàn DK1 chưa phủ sóng điện thoại như bây giờ, điều kiện ăn ở, sinh hoạt huấn luyện gặp muôn vàn khó khăn. Phương án rời nhà giàn xuống tàu khi có sóng to gió lớn cũng chưa hoàn thiện.

Lên nhà giàn được 17 ngày, thì cơn bão ập đến. Những cơn sóng lừng lững như quả núi đổ ập vào chân đế làm cho nhà giàn chao đảo. Nhiều mối hàn bị sóng đánh hổng toác. Trước tình thế ấy, anh đã nhanh chóng hội ý tổ đảng và phân công nhiệm vụ cho từng người, bình tĩnh chỉ huy bộ đội chuẩn bị lương khô, thuốc quân y, áo phao cá nhân sẵn sàng rời nhà giàn khi có lệnh.

“Lúc đấy tôi động viên anh em tất cả phải bình tĩnh, nếu ở lại với biển cũng sẵn sàng hi sinh. Tất cả chúng tôi viết tên tuổi, quê quán, năm sinh, ngày nhập ngũ, ngày ra nhà giàn của mình cho vào túi ni lông rồi bỏ vào bao bảo quản (loại túi đựng gạo chống ướt chuyên dùng cho bộ đội biển, đảo) để nếu hi sinh không còn thân xác thì tên tuổi của mình vẫn còn nổi trên mặt biển. Anh em đoàn kết, kiên cường bám trụ giữ nhà giàn bằng mọi giá. Không ngờ, sau hơn 6 tiếng sóng gió gào thét, biển từ từ êm dịu, gió nhẹ nhàng trở lại, trời bắt đầu hửng nắng”, anh Âu chia sẻ.

Ngôi nhà và “cuộc cách mạng”

Anh cười sang sảng mãn nguyện: “Cả đời lính nhà giàn làm được ngôi nhà không phải dễ dàng gì. Anh nhìn đấy, chỉ là ngôi nhà cấp bốn nhưng đó là cuộc cách mạng của cả vợ chồng tôi. Vợ chồng bớt ăn, bớt mặc để dành tiền làm nhà. Nói thật, 18 năm sống ở nhà giàn, thời gian trai trẻ đã ném ngoài biển khơi, lương bộ đội dành dụm cật lực cùng tiền bán khoai sắn ở quê nhà của vợ làm được căn nhà là giỏi lắm rồi”, anh Âu bộc bạch.

Chuyện làm căn nhà ở quê vợ xã Thanh Mai (Thanh Chương, Nghệ An) được anh Âu kể lại. Sau 3 năm đi nhà giàn, tiết kiệm từ đồng lương, cuối năm 1998, anh về quê làm căn nhà lợp tôn bên bờ Sông Giăng. Ngày ấy Thanh Mai là xã nghèo nhất của huyện Thanh Chương.

Một phần nghèo vì xã miền trung du bán sơn cước đất đai cằn cỗi, mùa khô hạn hán, mùa mưa lũ từ đầu nguồn đổ về cuốn trôi nhà cửa. Dù ngôi nhà tôn cấp 4, nhưng lúc ấy được xếp vào “hoành tráng” nhất xã. “Ngày về nhà mới, cả làng kéo đến chung vui, nhiều người bảo lính hải quân nhiều tiền mới có tiền xây nhà lợp mái tôn. Lúc ấy, tôi hãnh diện lắm, trong bụng nhủ thầm cảm ơn Quân chủng Hải quân”, anh Âu chia sẻ.

Làm xong căn nhà mới, anh Âu chia tay vợ và con trai rồi tiếp tục đi nhà giàn làm nhiệm vụ. Hai tháng nhận được thư vợ ở quê một lần, chỉ cần vợ nói “mẹ con em khỏe” là anh yên tâm công tác. Có những đêm giông bão ập đến, sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc, thương nhớ vợ con đến thắt ruột. Anh vẫn kiên trung chỉ huy anh em yên tâm tư tưởng, nếu phải hi sinh vì Tổ quốc cũng sẵn sàng.

Chỉ tay ra khu vườn trước mặt, anh Âu nói: “Ở nhà giàn mình kiên cường bám biển, về đất liền biến bãi rác thành vườn rau. Có lẽ vì nặng lòng với nhà giàn mà bây giờ đêm nằm với vợ tai cứ văng vẳng tiếng sóng gió. Nhiều bữa mình cứ đi vòng quanh trong phòng khách, sực tỉnh mới biết không phải ở nhà giàn”.

Trung tá Âu không khoe với tôi về những tấm huân chương chiến sĩ vẻ vang hay những tấm bằng khen giấy khen treo góc tường nhà, mà anh đưa cho tôi xem chiếc áo sờn vai màu nước biển rồi bảo: “Đây là chiếc áo của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tặng tôi năm 2005, khi ông chưa nhậm chức Chủ tịch nước. Tôi vẫn mặc và giữ đến bây giờ, coi như báu vật”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.