Mới đây nhất, tại Hội thảo góp ý phương án thi tốt nghiệp THPT do Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội và Trường ĐH Hòa Bình tổ chức, hầu hết ý kiến các chuyên gia đều không ủng hộ cả 3 phương án Bộ nêu.
“Bộ đã quyết chọn một trong ba phương án công bố, vậy nếu chúng tôi đề xuất phương án khác Bộ có nghe không, vì trong chúng tôi nhiều người không đồng ý cả ba phương án đó” - TS Nguyễn Tùng Lâm, chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội nói.
Cái lý của việc không ủng hộ cả 3 phương án nằm ở chỗ: Trong khi nội dung, cấu trúc hệ thống giáo dục phổ thông còn chưa thay đổi, sao lại đi đổi mới thi cử ở tận khâu cuối cùng của quá trình dạy học?
Giống như một quá trình sản xuất, đâu chỉ chờ đến lúc làm xong mới kiểm tra, mà phải giám sát kiểm tra từ khâu thiết kế tới từng công đoạn rồi mới tới khâu cuối cùng. Trong giáo dục cũng vậy, chất lượng không phải chỉ dùng thi cử để tác động mà cần sự đổi mới, điều chỉnh đồng thời toàn hệ thống.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển lại từng cho rằng “với mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện, cần phải lựa chọn một nút bấm để khi ấn nút, nó làm rúng động toàn hệ thống GD-ĐT”.
Và dường như, Bộ đang kỳ vọng “nút bấm” cải cách thi cử sẽ làm chuyển động cả hệ thống giáo dục vốn còn nhiều bất cập, còn chưa đáp ứng được đòi hỏi của xã hội hiện nay.
Chưa biết, Bộ sẽ chọn “nút bấm” nào và “ấn nút” ra sao để toàn bộ hệ thống GD-ĐT phải “rúng động”, chưa biết vài hôm tới (trước khai giảng) phương án thi nào sẽ được chọn. Chỉ biết ngót 1 triệu học sinh cùng thầy cô và chừng ấy gia đình trên cả nước đang lo ngay ngáy, đang băn khoăn chưa biết sẽ ôn luyện ra sao, sẽ dạy và học thế nào?
Vẫn biết theo quy luật, trước đòi hỏi của sự phát triển, cái cũ kỹ và trì trệ ắt sẽ phải bị thay thế bởi cái mới mẻ và tiến bộ. Hệ thống giáo dục cũng vậy, và sự thay đổi đó sẽ phải có điểm khởi đầu, phải diễn ra.
Vấn đề là ở chỗ, cần phải tính toán cân nhắc kỹ lưỡng và có lộ trình thời gian đủ lớn để chuẩn bị, cả ở hai phía – các nhà hoạch định, quản lý giáo dục và đối tượng tác động là thầy và trò. Và nhất là sản phẩm của “công nghệ” này là con người - những chủ thể tương lai của đất nước.