Ăn theo tết, nhà xe 'móc túi' hành khách

Nhiều hãng vận tải đã tăng giá vé xe dịp Tết từ 15 đến 61%. ảNH: ANH TRọNG
Nhiều hãng vận tải đã tăng giá vé xe dịp Tết từ 15 đến 61%. ảNH: ANH TRọNG
TP - Lấy lý do giá xăng dầu tăng, phải chạy một chiều rỗng khách, nhiều hãng vận tải tại các bến xe tại Hà Nội đã lên kế hoạch tăng giá vé dịp Tết Giáp Ngọ đến 61%.

Tăng giá trước tết cả tháng

Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết, dịp Tết các hãng vận tải có tăng giá vé vận tải chỉ được tăng trước và sau Tết 5 ngày (cả đợt khoảng 10 ngày), tuy nhiên Tết Giáp Ngọ còn hơn 20 ngày nữa mới đến nhưng theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, một số DN vận tải tại các bến xe trên địa bàn Hà Nội đã tăng giá vé. Thậm chí có DN đã thực hiện tăng giá vé trước và sau Tết đến cả tháng.

Cụ thể, từ bến xe Giáp Bát đi về Giao Thủy (Nam Định) bình thường chỉ hết 70.000 đồng/hành khách, nhưng theo thông báo của bến xe Giáp Bát từ ngày 29/12/2013 (tức 27/11 âm lịch - trước Tết Giáp Ngọ hơn 1 tháng) cũng hành trình này các xe của Cty CP Thương mại du lịch và vận tải Thuận Phát thực hiện thu của khách 100.000 đồng/hành khách (tăng 43%).

Cũng hành trình này từ ngày 15/1 (tức 15/12 âm lịch) DN vận tải Trường Khoa cũng có thông báo tăng giá cước vận tải từ Giáp Bát về Giao Thủy thêm 43%.

Tiếp đến, từ ngày 15/1 đến 17/2/2014 (tức 15/12 năm Quý Tỵ đến 17/1 năm Giáp Ngọ) hãng vận tải Vinamotor thông báo giá vé từ Giáp Bát đi bến xe Miền Đông tăng từ 860.000 đồng lên 1.075.000 đồng/ hành khách (tăng 25%).

Thậm chí, từ Giáp Bát đi Đà Nẵng hiện tại có giá 380.000 đồng từ ngày 31/1 đến 15/2 (tức 1/1 đến đến 16/1 Giáp Ngọ) Cty TNHH Vận tải và DVDL Hải Vân tăng lên 610.000 đồng/hành khách (tăng 61%).

Tương tự, từ bến Mỹ Đình về các huyện Kim Sơn, Khánh Thành, Nho Quan (Ninh Bình) có giá 80.000 - 90.000 đồng/hành khách, nhưng từ 20/1 đến 9/2 (tức 20/12 Quý Ty đến 10/1 Giáp Ngọ) cũng với hành trình này Cty Cổ phần vận tải ô tô Ninh Bình sẽ thu của khách tăng thêm 14 đến 15% (tương đương 92.000 đến 103.000 đồng/hành khách).

Lý giải nguyên nhân tăng mạnh giá đại diện một số DN vận tải cho biết, giá xăng dịp gần Tết đã tăng thêm 580 đồng/lít, cùng với đó hầu hết các lượt xe phục vụ Tết chủ yếu chỉ có khách chiều về, còn chiều đi hoàn toàn rỗng. Do vậy họ phải tăng giá vé để bù vào chi phí xăng dầu.

Cần tuýt còi

Theo lãnh đạo các bến xe Hà Nội, DN vận tải hoạt động theo cơ chế thị trường và chịu trách nhiệm về doanh thu, chi phí nên việc tăng giảm giá vé các nhà xe làm việc và chịu trách nhiệm trước cơ quan chức năng, cụ thể là Sở GTVT, Sở Tài chính, Cục thuế; bến xe chỉ có nhiệm vụ nhận thông báo tăng và bán vé giúp.

“Với vai trò quản lý, nếu bến phát hiện trường hợp DN tăng giá vé không theo đăng ký, không theo thông báo chúng tôi sẽ đình chỉ hoạt động của xe vi phạm. Cùng với đó yêu cầu nhà xe phải khắc phục hậu quả trả lại phần tiền đã phụ thu của khách”, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc bến xe Mỹ Đình nói.

Không đồng tình với các giải thích của DN vận tải cũng như đại diện các bến xe, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, với giá xăng tăng vừa qua, DN vận tải chỉ tăng giá cước 5 đến 10% là hợp lý. Việc tăng giá vé xe khách dịp Tết chỉ được tăng với chiều đi (rỗng khách), còn chiều về (đông khách) thì nhất thiết không được tăng”, ông Thanh phân tích.

Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, thời gian tăng giá vé xe khách Tết chỉ được diễn ra trước và sau Tết 5 ngày (cả đợt 10 ngày), tuy nhiên hiện hầu hết các DN đều tăng từ 10 đến 20 ngày thậm chí hơn 1 tháng là không thể chấp nhận được.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.