An Giang đạt 2 kỳ tích trong sản xuất nông nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, An Giang đã đạt được những thành tựu được xem là kỳ tích trong sản xuất nông nghiệp thể hiện ở 2 trụ cột. Đầu tiên là sản lượng lúa đạt 1 triệu tấn vào năm 1988, tăng dần qua các năm và gần đây đạt 4 triệu tấn, đã góp phần vào đảm bảo an ninh lương thực và tạo nguồn thu ngoại tệ. Trụ cột thứ hai là nuôi trồng thủy sản, đạt kim ngạch xuất khẩu 300 triệu USD/năm.

Ngày 29/7, Tỉnh ủy An Giang tổ chức Hội thảo khoa học “An Giang 190 năm hình thành và phát triển (1832 - 2022) ”. Đây là một trong những hoạt động tiến tới kỉ niệm 190 năm thành lập tỉnh, nhằm làm rõ luận cứ khoa học và ý nghĩa lịch sử của quá trình hình thành, phát triển tỉnh An Giang.

Hội thảo khoa học “An Giang 190 năm hình thành và phát triển (1832 - 2022)” xoay quanh những vấn đề về quá trình hình thành, di dân, lập ấp, chính sách khai hoang, mở rộng các dinh điền, phát triển kinh tế - xã hội thời nhà Nguyễn trên vùng đất An Giang; công cuộc chống ngoại xâm, bảo vệ quê hương đất nước của quân và dân; công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hoá trên địa bàn; các danh nhân; đổi mới, hội nhập và phát triển;... với 96 bài tham luận có sự đầu tư công phu, nghiêm túc, hàm lượng khoa học cao của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý trên các lĩnh vực: Kinh tế - xã hội, lịch sử, văn hóa, an ninh - quốc phòng...

An Giang đạt 2 kỳ tích trong sản xuất nông nghiệp ảnh 1

Ông Lê Hồng Quang - Bí thư Tỉnh uỷ An Giang, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Kim Hà.

Phát biểu khai mạc, ông Lê Hồng Quang - Bí thư Tỉnh uỷ An Giang, cho biết, An Giang tọa lạc ở nơi khá đặc biệt, là địa đầu biên giới Tây Nam của Tổ quốc, nơi đầu nguồn sông Mê Kông đổ qua biên giới Việt Nam và chính thức được ghi vào hệ thống hành chính năm 1832. Trải qua 190 năm hình thành và phát triển (1832 - 2022), với nhiều thăng trầm lịch sử, An Giang là địa phương có bề dày lịch sử, văn hóa, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, chia sẻ tại hội thảo: “Vùng đất và con người An Giang đã không ngừng bồi đắp và làm phong phú thêm những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, từng bước kiến tạo để hiện thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh có quy mô nền kinh tế thuộc nhóm đầu của khu vực ĐBSCL và cao hơn mức trung bình của cả nước”.

An Giang đạt 2 kỳ tích trong sản xuất nông nghiệp ảnh 2

Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, tỉnh đang từng bước kiến tạo để hiện thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh có quy mô nền kinh tế thuộc nhóm đầu của khu vực ĐBSCL và cao hơn mức trung bình của cả nước. Ảnh: Kim Hà.

Tham luận tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Giàu – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhận định, lãnh đạo tỉnh An Giang qua các thời kì có nhiều quyết sách sáng tạo, mang tính đột phá, mở đường và các quyết sách sáng tạo đó không những thành công ở An Giang, mà còn được bộ, ngành Trung ương tổng kết và hình thành chính sách mới áp dụng, triển khai trong phạm vi cả nước.

An Giang đạt 2 kỳ tích trong sản xuất nông nghiệp ảnh 3

Ông Nguyễn Văn Giàu – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đóng góp tham luận tại hội thảo.

“Thời gian qua An Giang đã đạt được những thành tựu được xem là kỳ tích trong sản xuất nông nghiệp thể hiện ở 2 trụ cột. Đầu tiên là sản lượng lúa đạt 1 triệu tấn vào năm 1988, tăng dần qua các năm và gần đây đạt 4 triệu tấn, đã góp phần vào đảm bảo an ninh lương thực và tạo nguồn thu ngoại tệ. Trụ cột thứ hai là nuôi trồng thủy sản. An Giang có truyền thống nuôi cá nước ngọt lâu đời, từ quy mô nhỏ, chủ yếu tiêu thụ nội địa, đã vươn ra sản xuất công nghiệp đạt sản lượng ngày càng gia tăng. Đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu khoảng 300 triệu USD/năm trong những năm gần đây” – ông Giàu nói.

An Giang đạt 2 kỳ tích trong sản xuất nông nghiệp ảnh 4

Ngành lúa gạo là một trong hai trụ cột của tỉnh An Giang theo nhận định của nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ảnh: Kim Hà.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng chỉ ra các vấn đề mà tỉnh An Giang cần cân nhắc.

Thứ nhất, là phát triển theo định hướng trở thành “Trung tâm chế biến lương thực, phẩm”; theo ông, hiện dư địa phát triển định hướng này không còn đủ lớn và giá trị gia tăng đối với sản xuất nông nghiệp, nghiệp, chế biến lương thực, thực phẩm thấp hơn so với các lĩnh vực khác.

Thứ hai, không kỳ vọng quá lớn về kinh tế biên mậu giữa hai nước Việt Nam và Campuchia. Mặc dù các giao dịch mua bán, vận chuyển hàng hóa giữa biên giới 2 nước rất thuận lợi nhưng dự báo tương lai khó có tính đột biến. Bởi cả hai nước đều có khả năng sản xuất nhiều loại sản phẩm giống nhau, giá cả, chất lượng không có sự chênh lệch lớn. Trong trường hợp, một bộ phận người dân có nhu cầu hàng hóa tiêu dùng một số chủng loại cao cấp phải nhập từ nước thứ ba thì hai nước cũng có quan hệ quốc tế tương tự nhau.

An Giang đạt 2 kỳ tích trong sản xuất nông nghiệp ảnh 5

Khai thác du lịch là một lợi thế của tỉnh An Giang và các tỉnh nội địa Campuchia. Ảnh: Kim Hà.

“Mặc dù vậy, việc liên kết khai thác du lịch vẫn là một lợi thế cho An Giang, vùng ĐBSCL, các tỉnh biên giới và cả các tỉnh trong nội địa Campuchia” – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu.

Theo sách Đại Nam thực lục chính biên ghi nhận 190 năm trước, vào ngày mùng 1 tháng 10 năm Nhâm Thìn (1832), năm Minh Mạng năm thứ 13, trong buổi thiết triều, sau khi nghe Bộ Lại trình tấu, vua Minh Mạng đã chỉ dụ bãi bỏ Gia Định Thành, lập 12 tỉnh từ Quảng Nam đến Hà Tiên, trong đó đổi “ngũ trấn” thành “lục tỉnh” gồm Biên Hòa, Phiên An, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Trải qua thăng trầm của lịch sử, nhất là trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, vùng đất An Giang nhiều lần sáp nhập, chia cắt địa giới hành chính, thay đổi tên gọi khác nhau như: Châu Đốc, Long Xuyên, Long Châu Hậu, Long Châu Tiền, Long Châu Hà, Long Châu Sa, An Giang, Châu Hà và đến năm 1976 tỉnh An Giang được tái lập đến nay.

MỚI - NÓNG