Các tỉnh ở ĐBSCL ‘than’ khan hiếm vật liệu cho các dự án cao tốc

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chiều 27/7, tại An Giang, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì Hội nghị triển khai các Nghị quyết của Chính phủ để thực hiện 3 dự án cao tốc đường bộ ở miền Nam gồm: Khánh Hoà – Buôn Mê Thuột, Khánh Hoà – Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ – Sóc Trăng.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm đã báo cáo việc triển khai 3 Nghị quyết của Chính phủ về các dự án đường bộ cao tốc: Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, Biên Hòa – Vũng Tàu, Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng.

Đối với dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ – Sóc Trăng, ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang báo cáo, đoạn cao tốc qua địa phận tỉnh An Giang có chiều dài 57,2km và có 1 phần của Cần Thơ do vị trí ranh giới 2 địa phương nằm giữa công trình cầu tại Km56+700. Tổng mức đầu tư cho đoạn này dự kiến khoảng 13.799 tỉ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư là 2.760 tỉ đồng.

Các tỉnh ở ĐBSCL ‘than’ khan hiếm vật liệu cho các dự án cao tốc ảnh 1

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì Hội nghị triển khai các Nghị quyết của Chính phủ để thực hiện 3 dự án cao tốc đường bộ ở miền Nam. Ảnh: Kim Hà.

Cụ thể, nhu cầu sử dụng đất cho dự án cao tốc qua An Giang là khoảng 360ha. Trong đó, ngoài các loại đất khác, phần lớn diện tích dự án đi qua là đất trồng lúa (270ha), đất dân cư khoảng 10ha có 375 hộ bị ảnh hưởng, số hộ tái định cư là 337.

Trước đó, HĐND tỉnh đã thống nhất chủ trương bố trí 1.380 tỉ đồng từ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nguồn vốn ngân sách địa phương để tham gia thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án trên. Theo đó, năm 2022 sẽ bố trí 380 tỉ đồng và năm 2023 bố trí 1.000 tỉ đồng.

Về nguồn cát sử dụng cho dự án, qua nghiên cứu tiền khả thi được duyệt, tổng khối lượng cát của toàn dự án là 17,8 triệu m3; trong đó, dự kiến nguồn cát vàng dùng cho xây dựng lấy tại mỏ Tân Châu là 1,6 triệu m3.

Để đảm bảo nguồn cát thi công cho đoạn thuộc địa bàn tỉnh, An Giang đã xây dựng đề án tổng hợp các nguồn cát thu hồi trên địa bàn tỉnh gồm: Mỏ cát, nạo vét thông luồng, chỉnh trị dòng chảy.

“Hiện tỉnh An Giang có 2 mỏ đá với trữ lượng lớn đủ đáp ứng nhu cầu của dự án trên địa bàn” – ông Nguyễn Thanh Bình nói.

Tại Hội nghị, tỉnh An Giang kiến nghị khởi công dự án vào ngày 20/8/2023 (kỉ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng).

Các tỉnh ở ĐBSCL ‘than’ khan hiếm vật liệu cho các dự án cao tốc ảnh 2

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khảo sát tại điểm đầu cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng sáng cùng ngày - Ảnh: Kim Hà.

Ông Lê Quang Mạnh – Bí thư Thành uỷ Cần Thơ cho biết, thành phố đang khó khăn về vật liệu xây dựng như: Cát, đá... trên địa bàn khan hiếm, không đáp ứng đủ nhu cầu thi công 2 dự án cao tốc (Bắc Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng) và đề nghị được hỗ trợ nguồn cung vật liệu xây dựng.

Khó khăn thứ hai là về cước vận chuyển vật liệu xây dựng đến chân công trình, theo ông Lê Quang Mạnh, hiện nay 4 tỉnh/thành phố có dự án đi qua chưa có sự thống nhất về giá cước. Bởi một số tỉnh đã ban hành giá cước từ năm 2012 không còn phù hợp; trong khi đó, Cần Thơ chưa ban hành cước vận chuyển theo quy định hiện hành.

Do đó, lãnh đạo TP Cần Thơ đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn hoặc có quy định chung nhằm đảm bảo việc tính đúng, tính đủ giá vật liệu đến chân công trình, đảm bảo dự toán công trình phù hợp với điều kiện thực tế.

Còn đại diện tỉnh Sóc Trăng, ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh này cho biết, khu vực cảng Trần Đề (Sóc Trăng) là điểm cuối của dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ – Sóc Trăng, với tổng chiều dài đoạn qua địa bàn là 56,1km; có mức đầu tư gần 11.120 tỉ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường tái định cư là 1.958 tỉ đồng cho 310 hộ bị ảnh hưởng và 290 hộ tái định cư.

Chung khó khăn với Cần Thơ về vật liệu đắp nền, ông Lâu cho biết, do đặc thù tỉnh không có mỏ đá, phần lớn các dự án đều phải mua từ các tỉnh bạn vận chuyển về. Ngoài ra, thời điểm triển khai dự án trùng với nhiều dự án giao thông lớn trong khu vực nên khả năng khan hiếm về vật liệu đắp nền là rất cao.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ, 3 dự án đường bộ cao tốc: Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, Biên Hòa – Vũng Tàu, Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đất nước nói chung và các khu vực nói riêng. Mục tiêu đề ra đến tháng 6/2023 sẽ khởi công 3 dự án cao tốc. “Trước khó khăn càng đòi hỏi phải có sự lãnh, chỉ đạo quyết liệt từ các cơ quan Trung ương, sự nỗ lực của các địa phương để tạo sự chuyển biến mạnh về hạ tầng giao thông” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng khẳng định rằng, vấn đề giải phóng mặt bằng phải tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Đặc biệt, vấn đề vật liệu xây dựng không để ảnh hướng đến tiến độ của dự án. Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị, các địa phương cần chủ động khảo sát, đảm bảo các mỏ vật liệu được lựa chọn có chất lượng, giá thành, vị trí thuận lợi và chi phí vận chuyển tốt. Việc lựa chọn nhà thầu xây dựng cũng phải khách quan và phải có thực lực để đảm bảo chất lượng công trình.

Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có chiều dài hơn 188km, với tổng mức đầu tư 44.691 tỉ đồng có điểm đầu kết nối quốc lộ 91 thuộc TP Châu Đốc (tỉnh An Giang), điểm cuối giao đường Nam Sông Hậu, kết nối đường dẫn cảng Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng). Trong đó, chiều dài cao tốc qua địa phận tỉnh An Giang hơn 56km, TP Cần Thơ hơn 37km, tỉnh Hậu Giang hơn 37km và tỉnh Sóc Trăng hơn 56 km.

Theo đó, dự án được chia làm 4 dự án thành phần, nguồn vốn đầu tư công.

Giai đoạn 1, dự án được đầu tư với quy mô 4 làn xe, bố trí làn xe dừng khẩn cấp không liên tục, sơ bộ nhu cầu sử dụng đất khoảng 1.205ha. Dự kiến, dự án này sẽ bắt đầu thực hiện trong năm 2022, sẽ cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.

MỚI - NÓNG