Ấn Độ: Lệnh cấm đa thê gây chia rẽ phụ nữ Hồi giáo

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Shayara Bano thở phào nhẹ nhõm trước việc ban hành luật cấm chế độ đa thê ở bang nhỏ của cô ở Ấn Độ, đỉnh cao của nỗ lực kéo dài nhiều năm bao gồm cả vụ kiện của chính cô trước Tòa án Tối cao quốc gia.

Bano, một phụ nữ Hồi giáo có chồng chọn lấy hai vợ và ly dị cô bằng cách thốt ra "talaq" ba lần, tuyên bố: "Bây giờ tôi có thể nói rằng cuộc chiến chống lại các quy tắc Hồi giáo lâu đời về hôn nhân và ly hôn đã giành chiến thắng".

Bà nói với Reuters: “Việc cho phép đàn ông lấy hai vợ trở lên cùng một lúc của đạo Hồi phải chấm dứt”.

Nhưng Sadaf Jafar không ủng hộ luật mới bãi bỏ các tập tục như chế độ đa thê và ly hôn ngay lập tức, mặc dù cô đã tiến hành cuộc đấu tranh tại tòa án chống lại chồng mình vì đã kết hôn với một người phụ nữ khác mà không có sự đồng ý của cô.

Jafar, người đang tìm kiếm tiền cấp dưỡng để nuôi hai đứa con của họ, nhận định: “Chế độ đa thê được cho phép trong Hồi giáo theo những quy tắc và quy định nghiêm ngặt nhưng nó bị lạm dụng”. Jafar nói rằng cô không hỏi ý kiến các học giả Hồi giáo vì cô hy vọng tòa án Ấn Độ sẽ đưa ra công lý.

Việc thông qua Bộ luật Dân sự Thống nhất ở bang Uttarakhand đã mở ra một hố sâu ngăn cách giữa phụ nữ ở cộng đồng tôn giáo thiểu số lớn nhất Ấn Độ, ngay cả trong số những người có cuộc sống bị đảo lộn khi chồng họ kết hôn nhiều lần.

Một số người, như nhà hoạt động Bano, 49 tuổi, ca ngợi các điều khoản mới như sự khẳng định quá hạn của luật thế tục đối với các phán quyết song song của luật Sharia về hôn nhân, ly hôn, thừa kế, nhận con nuôi và kế vị. Đối với những người khác như Jafar, các chính trị gia, học giả Hồi giáo, đây là một trò đóng thế không được hoan nghênh của đảng theo chủ nghĩa dân tộc Hindu của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Việc thông qua bộ luật ở Uttarakhand dự kiến mở đường cho các bang khác do Đảng Bharatiya Janata (BJP) cầm quyền của ông Modi làm theo, trước sự phản đối giận dữ từ một số nhà lãnh đạo của 200 triệu người Hồi giáo, những người biến Ấn Độ thành quốc gia Hồi giáo lớn thứ ba thế giới .

Ấn Độ: Lệnh cấm đa thê gây chia rẽ phụ nữ Hồi giáo ảnh 1

Sadaf Jafar, một phụ nữ Hồi giáo và là thành viên của đảng Quốc đại đối lập chính của Ấn Độ, tạo dáng khi bế con mèo trong nhà ở Lucknow, Ấn Độ, ngày 10/2/2024. Ảnh: Pawan Kumar.

Quyền trong xã hội đa tôn giáo

Các nhà lãnh đạo BJP cho rằng bộ luật mới là một cuộc cải cách lớn, bắt nguồn từ hiến pháp năm 1950 của Ấn Độ, nhằm hiện đại hóa luật cá nhân Hồi giáo của đất nước và đảm bảo sự bình đẳng hoàn toàn cho phụ nữ.

Một cuộc khảo sát năm 2013 cho thấy 91,7% phụ nữ Hồi giáo trên toàn quốc nói rằng đàn ông Hồi giáo không được phép lấy vợ khác khi đã kết hôn với người vợ đầu tiên. Tuy nhiên, nhiều người Hồi giáo cáo buộc đảng của ông Modi theo đuổi chương trình nghị sự của đạo Hindu vốn phân biệt đối xử với họ và áp đặt các luật can thiệp vào đạo Hồi.

Sharia cho phép đàn ông Hồi giáo lấy tối đa 4 vợ và không có quy định nghiêm ngặt nào cấm trẻ vị thành niên kết hôn. Jafar, người đã tranh cử chức vụ trong đảng Quốc đại đối lập chính, gọi việc thông qua bộ luật này là một chiến thuật của chính phủ Modi nhằm bôi xấu đạo Hồi và chuyển sự chú ý khỏi các vấn đề cấp bách như cải thiện sinh kế của người Hồi giáo.

Tòa án Tối cao vào năm 2017 tuyên bố, việc ly hôn ngay lập tức của người Hồi giáo là vi hiến, nhưng lệnh này không cấm chế độ đa thê hoặc một số phong tục tập quán khác mà các nhà phê bình cho rằng vi phạm quyền bình đẳng của phụ nữ.

Ngoài lệnh cấm đa thê, bộ luật mới quy định độ tuổi kết hôn tối thiểu cho cả hai giới và đảm bảo chia sẻ tài sản của tổ tiên một cách bình đẳng cho con nuôi, trẻ em sinh ra ngoài giá thú và trẻ em được thụ thai thông qua mang thai hộ, đẻ mướn.

Ấn Độ: Lệnh cấm đa thê gây chia rẽ phụ nữ Hồi giáo ảnh 2

Phụ nữ Hồi giáo trong một đám cưới tập thể, trong đó 51 cặp đôi Hồi giáo tuyên thệ ở Mumbai, Ấn Độ ngày 14/1/2024. Ảnh: Francis Mascarenhas.

Tuy nhiên, một số chính trị gia Hồi giáo lại cho rằng bộ luật này vi phạm quyền cơ bản được thực hành tôn giáo. Ban Luật Cá nhân Hồi giáo Toàn Ấn Độ gọi bộ luật này là không thực tế và là mối đe dọa trực tiếp đối với xã hội Ấn Độ đa tôn giáo.

Quan chức của Ban Luật Cá nhân Hồi giáo Toàn Ấn Độ nói rằng chính phủ không có quyền đặt câu hỏi về Sharia. Sharia là một bộ luật và các quy tắc trong đời sống hằng ngày của người Hồi giáo. Sharia dựa trên sự kết hợp của Kinh Quran và những điều răn của nhà tiên tri Muhammad.

Jafar, người sống cùng hai đứa con ở bang Uttar Pradesh phía bắc Ấn Độ, nói: “Hồi giáo có đủ điều kiện để mang lại một cuộc sống có phẩm giá. Chúng tôi không cần bộ luật nhưng điều chúng tôi cần là công lý nhanh chóng cho phụ nữ đấu tranh cho phẩm giá của họ”.

MỚI - NÓNG