Âm mưu và mục tiêu của Trung Quốc khi đặt giàn khoan

TP - Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Phần Lan nói rằng, Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 nhằm kiểm soát khai thác dầu mỏ, quản lý giao thương hàng hải, tàu thuyền qua khu vực và chiếm ưu thế địa chính trị.

Hôm qua, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, Đại sứ Việt Nam tại Phần Lan Bùi Văn Khoa ngày 23/6 gặp Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Phần Lan Timo Juhani Soini, thông báo tình hình Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. 

Ông Soini đánh giá hành động hạ đặt giàn khoan của Trung Quốc không đơn giản bộc phát, mà nằm trong tính toán, lộ trình chiến lược lâu dài, tương tự một số sự việc tranh chấp biên giới lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng như Philippines, Malaysia, Nhật Bản… Ông chia sẻ những khó khăn của một quốc gia có láng giềng là một nước lớn.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Phần Lan cho rằng, mục tiêu đằng sau của Trung Quốc là kiểm soát khai thác dầu mỏ, quản lý giao thương hàng hải, tàu thuyền qua khu vực và chiếm ưu thế địa chính trị. Ông Soini bày tỏ mong các bên kiềm chế, tránh để căng thẳng leo thang, tìm kiếm giải pháp hòa bình phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Ông Soini hứa nghiên cứu các tài liệu để hiểu rõ hơn về tình hình biển Đông.

Đại sứ Bùi Văn Khoa đã trao thư của Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam Trần Văn Hằng liên quan việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam. 

Đại sứ nhấn mạnh, việc Trung Quốc đưa giàn khoan và một lực lượng lớn tàu các loại, trong đó có tàu quân sự, vào hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là bất hợp pháp, trắng trợn vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán cũng như xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam được quy định tại Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982; trái với tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông và thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, gây mất ổn định an ninh ở khu vực và đe dọa an ninh, an toàn hàng hải ở biển Đông. 

Đặc biệt nghiêm trọng là Trung Quốc đã cho tàu truy đuổi, chèn ép và đâm chìm tàu thuyền của lực lượng thực thi pháp luật, ngư dân Việt Nam ngay trên vùng biển của Việt Nam, gây thiệt hại về tài sản và đe dọa tính mạng con người. 

Đại sứ Bùi Văn Khoa khẳng định, Việt Nam kiên trì chủ trương giải quyết hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế; đã kiên định, chủ động đối thoại với phía Trung Quốc. 

Với quan hệ truyền thống hữu nghị giữa Việt Nam và Phần Lan, Việt Nam đề nghị Phần Lan cùng các nước bạn bè và dư luận quốc tế lên án hành động bất hợp pháp, vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam và luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Phần Lan đã ghi nhận đề nghị của Việt Nam.

Luật pháp quốc tế là nền tảng giải quyết tranh chấp

Báo Philstar của Philippines hôm qua đưa tin, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long vừa phát biểu tại một diễn đàn ở Mỹ thể hiện ủng hộ trước những phát biểu kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp và tinh thần thượng tôn pháp luật nhằm bảo vệ hòa bình, an ninh và ổn định khu vực. 

Thủ tướng Singapore khẳng định, luật pháp quốc tế phải là nền tảng cho việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông liên quan các quốc gia thành viên ASEAN gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei. 

Phát biểu tại Hội đồng Quan hệ quốc tế, cơ quan tư vấn chính sách ngoại giao của Mỹ, ông Lý Hiển Long nói rằng, các quốc gia liên quan phải lựa chọn con đường hòa bình thay vì sử dụng cách tiếp cận “kẻ mạnh là kẻ đúng”. 

Trong một nghiên cứu cho Bộ Ngoại giao Mỹ, phái viên John Finkbeiner viết: “Malaysia dường như đang theo đuổi cách tiếp cận phi xung đột trong tranh chấp chủ quyền”. 

Theo báo cáo ông Finkbeiner gửi Bộ Ngoại giao Mỹ, Malaysia chưa có phản đối mạnh mẽ trước các hành động gây hấn của Trung Quốc ở biển Đông cũng như không tăng cường năng lực quốc phòng để ngăn ngừa các xung đột trong tương lai. 

Ông Finkbeiner viết rằng, chi phí quốc phòng của Malaysia trong năm 2009 và 2010 giảm rồi tăng nhẹ vào năm 2011, nhưng ở mức không đáng kể. 

Trong khi đó, Philippines đầu tư mạnh để nâng cao năng lực quân sự, tuần tra biển trước mối đe dọa Trung Quốc thống trị tuyến hàng hải chiến lược. 

“Malaysia có thể sẽ phải xác định lại chính sách của họ trên biển Đông. Có lẽ sớm hay muộn Malaysia cũng phải có quan điểm cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh”, Wall Street Journal dẫn lời nhà nghiên cứu Ian Storey.

MỚI - NÓNG