Phận nghèo 'cày Tết':

Ấm lòng Tết xa nhà

0:00 / 0:00
0:00
TP - Dù tận cùng khó khăn, song những người lao động nghèo vẫn cố gắng lo cho cuộc sống của mình một cách tốt nhất có thể và chia sẻ cùng nhau để thêm ấm lòng khi đón Tết xa quê.

Trưa mùng 1 Tết dương lịch 2022, chúng tôi đến khu lưu trú công nhân Tân Thuận (quận 7). Đây là nơi trọ của cả ngàn công nhân đang làm việc tại khu chế xuất Tân Thuận. Mặc dù đang trong những ngày nghỉ Tết nhưng nơi đây khá trầm lắng, một vài công nhân dắt xe đạp ra chợ mua thức ăn trong ngày.

Hy vọng năm mới tốt hơn

Phòng trọ của chị Nguyễn Kim Lắm (28 tuổi, quê Cà Mau) khá nhỏ nhưng ngăn nắp, gọn gàng. Trong phòng có bình hoa tươi khiến cho những ngày đầu năm mới thêm vui. Vợ chồng chị Lắm có 2 con, bé lớn 9 tuổi, bé nhỏ vừa lên 4. “Hai vợ chồng đều làm công nhân, các con nghỉ học không ai trông nên tôi đưa các con về quê gửi ông bà từ đầu mùa dịch tới giờ. Cả năm rồi không được gặp con, nhớ lắm! Tết này tôi tính về đưa hai con lên lại thành phố, nhưng chưa biết trường học khi nào mở cửa lại…”- nữ công nhân bộc bạch. Theo chị Lắm, món đồ có giá trị nhất trong nhà chị chính là sách vở và đồ chơi của con. Mỗi khi hết việc, nhớ con, người mẹ trẻ lại mân mê hai chiếc cặp treo trên vách, rửa lại món đồ chơi chất đầy trong giỏ.

Ấm lòng Tết xa nhà ảnh 1

Nữ công nhân Nguyễn Kim Lắm gắng bám phố để lo cho con

Hai mươi tuổi, Lắm đã rời quê lên thành phố làm công nhân tại Công ty Hung Way (quận 7), mức lương khoảng 5 triệu đồng/tháng. Mỗi lần mua sắm, ăn uống… chị luôn tính toán, tằn tiện để không vượt định mức. “Ít ra mình vẫn còn may mắn vì sau đợt dịch vẫn còn mạnh khỏe, vẫn có việc làm nên càng cố gắng hơn. Hy vọng năm sau sẽ có nhiều tin tốt” - Lắm cho hay.

Khoe “mâm cơm Tết” có nồi thịt kho thập cẩm với chút thịt, chân gà, đậu hủ, nồi canh khổ qua nấu suông không thịt, cá, chị Lý Kim Chi (26 tuổi, quê Hậu Giang) nói vui: “Ngày Tết nên mình đi chợ có “sang” hơn đôi chút. Thực phẩm tăng giá quá nên đi chợ hơn 100.000 đồng không thấm vào đâu, nhưng như vậy cũng đã ngon lắm rồi”. Chị Chi cho biết, bốn năm làm công nhân may nhưng lương vẫn chỉ dừng ở mức 4,9 triệu đồng/tháng. Đã nhiều lần chị muốn về quê nhưng lại chùn bước vì ở đó cũng khó khăn trong khi con trai 5 tuổi đang gửi ông bà ngoại trông giúp. Ít ra ở Sài Gòn, thu nhập của 2 vợ chồng cũng được 10 triệu đồng/tháng. “Tiền nhà trọ và gửi về quê hết phân nửa, còn lại vợ chồng dành dụm ăn uống, chi tiêu” - Chi cho biết. Để có thêm tiền, Chi nhận dán lịch, may gia công… Mỗi giờ làm thêm được trả công 30.000 đồng. Mỗi ca làm thêm khoảng 4 giờ, tiền công 120.000 đồng.

Ấm lòng Tết xa nhà ảnh 2

Ông Tư Giảng (trái) miễn giảm 4 tháng liền đối với người thuê trọ

“Tết này em sẽ ở lại thành phố tìm việc làm thêm” - Ngô Thị My (20 tuổi, quê Hà Tĩnh) chia sẻ. Vào TPHCM mới 2 năm, đúng ngay bắt đầu có dịch COVID-19, My xin được chân công nhân tại Công ty Pouyuen (quận Bình Tân) với mức lương tầm 6 triệu đồng/tháng. My dành gửi về quê 2 triệu đồng phụ mẹ nuôi các em, phần còn lại vừa đủ để trả tiền phòng trọ, ăn uống. “Có thời điểm công ty phải đóng cửa khá lâu để phòng dịch, dù có nhận lương hỗ trợ nhưng rất ít. Do đó, em nhận thêm nhiều việc như phụ bán rau, nhận may khẩu trang gia công…Nhờ vậy, em vẫn có đủ tiền để gửi về quê và sống sót qua dịch” - My nói. Hiện công ty có nhiều đơn hàng, công nhân tăng ca nhiều nên My không làm thêm nữa, nhưng cô nhận thêm găng tay, khẩu trang vải bán online. Ước mong của cô là nếu có thêm chút tiền, sẽ đăng ký học thêm lớp bổ túc cấp 3 để có tấm bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.

Ấm áp những tấm lòng

Ông Lê Tuấn Giảng (78 tuổi, thường được gọi là ông Tư), chủ nhà trọ trong hẻm 147 đường Lê Đình Cẩn (phường Tân Tạo, quận Bình Tân) tâm sự: “Đa số người dân thuê trọ đều từ khắp nơi đến thành phố mưu sinh. Nghèo khổ họ mới tha phương nên khi dịch bệnh, cuộc sống vốn đã khó khăn lại càng thêm túng thiếu. Sắp Tết rồi, tôi đang chuẩn bị ít quà để gửi bà con như gạo, đường, dầu ăn… tặng từng phòng trọ”.

Khu trọ của ông Tư có 15 phòng. Hồi tháng 7, khi thành phố áp dụng Chỉ thị 16, ông giảm 50% tiền phòng. Đến tháng 8 và tháng 9 ông miễn phí toàn bộ tiền nhà. Thấy nhiều người vẫn chưa thể đi làm lại sau 4 tháng giãn cách, ông lấy tiền của mình và nhờ con gái góp thêm để tặng mỗi gia đình 200.000 đồng tiền mặt, kèm thêm quà. Không chỉ giúp hết những người trong khu trọ của mình, ông Tư còn lên danh sách hỗ trợ các hộ khó khăn trong các dãy nhà trọ cùng hẻm. Những nhà có trẻ con, người lớn tuổi, người thất nghiệp nhiều tháng qua đều được ông giúp đỡ.

Ông Phạm Chí Tâm, Phó chủ tịch Liên đoàn lao động (LĐLĐ) TPHCM cho biết, thành phố dành 700 tỷ đồng chăm lo người lao động đón Tết. Theo đó, sẽ có khoảng 10 chương trình, hoạt động chăm lo Tết cho công nhân, người lao động. Ngoài ra, LĐLĐ TPHCM còn tổ chức họp mặt, tặng quà cho 1.000 đoàn viên nghiệp đoàn có hoàn cảnh khó khăn (mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người); hỗ trợ 2 triệu đồng/nghiệp đoàn; chăm lo 600 người lao động khó khăn trong các ngành, lĩnh vực có môi trường làm việc khó khăn như y tế, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, vùng sâu, vùng xa; chăm lo cho con người lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19, chăm lo nữ đoàn viên mang thai, mới sinh con bị ảnh hưởng dịch COVID-19, trao sổ tiết kiệm cho trẻ mồ côi là con công đoàn viên tử vong do dịch COVID-19.

Ông Tư tâm sự, đã từng rất vất vả để kiếm từng đồng nuôi 6 người con ăn học nên rất thấu hiểu cái khổ của những người ở đây. Ông luôn coi những người thuê trọ như người nhà, và cả xóm trọ là “đại gia đình” của mình. Những ngày dịch bệnh khó khăn, ông vui mừng khi thấy mọi người đoàn kết, san sẻ với nhau nhiều hơn.

Năm nào bà Bùi Thị Bên (phường Tăng Nhơn Phú A, TP Thủ Đức) cũng tổ chức gói bánh tét để tặng công nhân thuê trọ. Bên cạnh đó, bà còn tặng gạo, mì cho công nhân ở lại, không có điều kiện về quê ăn tết. “Tết 2022 này, nhiều công nhân tâm sự sẽ không về quê do dịch bệnh phức tạp, nhiều địa phương còn cách ly người từ các tỉnh khác về. Do đó, tôi muốn dành thêm chút quà tặng gửi đến tất cả công nhân nơi đây, giúp họ cảm thấy ấm lòng dù không được về quê” - bà Bên nói. Theo đó, sẽ có khoảng 40 phần quà, gồm 10 kg gạo, bánh, dầu ăn, bột nêm, nước bí đao… trị giá 300.000 đồng, cùng bao lì xì 200.000 đồng cho mỗi phòng.

Ông Hồ Ngọc Dinh, chủ nhà trọ ở xã Xuân Thới Sơn (huyện Hóc Môn) lại đang tất bật sơn sửa, nâng cấp lại các phòng trọ, sắm thêm chậu cúc, cành mai… trang trí để công nhân ở lại vui Tết. “Năm nay số lượng công nhân ở lại khá đông, chiếm gần 70%. Tôi trang trí lại các phòng cho thêm sắc xuân để công nhân thêm hứng khởi dịp Tết” - ông Dinh nói.

MỚI - NÓNG