Phận nghèo 'cày Tết'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Thay vì chuẩn bị về quê, năm nay nhiều người lao động nghèo nhập cư lại chuẩn bị tâm thế ở lại TPHCM đón Tết để tiết kiệm chi phí, đồng thời ra sức "cày" để kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Kỳ 1: Tha phương nuôi ước mơ

Dịch dã hoành hành khiến những người lao động nhập cư lao đao. Không ít người trong số đó phải trở về quê nương nhờ gia đình, song đa phần vẫn tìm cách bám trụ Sài Gòn để kiếm kế sinh nhai nuôi bản thân, gia đình và nuôi cả ước mơ đổi đời.

Bố ơi, sao không về?

“Bố ơi, sao lâu rồi bố chưa về thăm con? Con nhớ bố lắm!” - giọng đứa con trai bé bỏng của anh Võ Tài (34 tuổi, quê Gia Lai) nói qua Zalo. Lau vội giọt nước mắt, anh Tài nghẹn ngào dặn dò: “Mai mốt bố về, các con ở nhà nhớ vâng lời mẹ nhé. Bố về sẽ có quà cho con… Hôn chào bố nào!”. Những nụ hôn xa cứ thế đã trở nên quen thuộc mỗi ngày với Tài khi anh về nhà trọ.

Phận nghèo 'cày Tết' ảnh 1

Dịch bệnh, nhiều nữ công nhân thất nghiệp khiến cuộc sống thêm khó khăn

Tài kể, vì mưu sinh, anh rời quê vào Sài Gòn rồi đăng ký chạy xe công nghệ giao thức ăn. Cuối tháng 6/2021, anh bị mắc COVID-19. Sau thời gian cách ly tập trung và điều trị bệnh gần 2 tháng, anh trở về xóm trọ nhưng chủ không cho ở vì anh không còn tiền. May mắn, anh được một người tốt bụng cho ở tại ATM nhà trọ không đồng (quận 12) đến khi hết giãn cách. Để có tiền, anh Tài làm “thợ đụng”, tức ai thuê gì anh làm nấy. “Sáng tôi chở hàng cho một doanh nghiệp thực phẩm đi giao theo đơn. Hết hàng, tôi bật app để chạy xe công nghệ, làm miệt mài đến khi nào không còn sức nữa mới ngưng” - anh Tài nói.

Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TPHCM cho biết, đơn vị này sẽ tổ chức chương trình “Chuyến xe thanh niên công nhân, chuyến xe sum vầy” vào dịp Tết Nhâm Dần 2022, để hỗ trợ những thanh niên công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Chương trình sẽ tổ chức các chuyến xe đưa 1.000 thanh niên công nhân, người lao động và con công nhân từ TPHCM về Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thanh Hóa, Cà Mau và Hà Nội từ ngày 24/1 (nhằm 22 tháng chạp âm lịch). Chương trình cũng tặng 1.000 phần quà Tết cho người về quê trên chuyến xe sum vầy.

Chỉ vào chiếc xe máy được lắp thêm khung sắt để chở được nhiều hàng hơn, Tài bảo, phải ráng để có thu nhập tầm chục triệu đồng/tháng gửi về cho vợ nuôi con, nhà còn ông bà lớn tuổi hay đau yếu. “Khổ mấy cũng chịu được, chỉ mong có sức khỏe để làm việc mà thôi. Trước đây, vài ba tháng tôi về thăm con một lần, nhưng hai năm qua dịch nhiều, đi lại khó khăn lại sợ lây bệnh cho vợ con nên mỗi ngày đều gặp các con qua điện thoại. Nhớ vợ con nhiều lắm nhưng Tết này tôi sẽ không về, ở lại ráng cày để có thêm chút tiền mua cho con tấm áo mới, món đồ chơi yêu thích. Tôi còn ba mẹ già phải chăm. Sang năm, các con đi học rồi, sẽ tăng thêm nhiều khoản chi phí…” - Tài mỉm cười, chất hàng lên xe chuẩn bị giao cho khách ở Bình Dương.

Trụ lại Sài Gòn

Thời điểm dịch dã căng thẳng, công ty đóng cửa, chị Thanh Hiền (25 tuổi, công nhân khu chế xuất Linh Trung 1) đã phải về quê Quảng Ngãi tránh dịch và giảm chi phí sinh hoạt. Khi thành phố hết giãn cách, chị liền khăn gói trở lại Sài Gòn. “Ở đâu cũng phải làm việc, trong khi thành phố đang kêu gọi lao động quay lại, nhà máy cần công nhân. Em trở lại liền được tiêm vắc xin ngừa COVID-19, công ty tăng lương, tăng phúc lợi; thành phố còn có nhiều chương trình đãi ngộ, nhiều hoạt động chăm lo cho người lao động quay về... Tết này có lẽ em sẽ không về, ở lại để kiếm thêm ít tiền gửi biếu cha mẹ. Nhiều đồng nghiệp của em cũng đón Tết xa quê. Chỉ khi nào hết dịch, lúc đó mới có Tết thực sự ” - Hiền cho hay.

Phận nghèo 'cày Tết' ảnh 2

Tết này, anh Võ Tài ở lại thành phố kiếm tiền. Nhớ con, anh chỉ có thể gặp gọi điện thoại

Ngay ngày 1 Tết Dương lịch 2022, chúng tôi đến phòng trọ của chị Châu Thị Lan (37 tuổi, quê An Giang) nằm sâu trong con hẻm 538 Hồ Học Lãm (Q.Bình Tân). Chị đang nấu bữa trưa chỉ với mấy bìa đậu hũ, bó rau muống. “Hôm nay có đồ ăn là may rồi, mọi hôm chỉ có vài gói mì, 4 mẹ con chia nhau ăn cho qua bữa” - chị Lan trần tình. Vợ chồng chị Lan có 3 con trai, đứa lớn 9 tuổi, đứa nhỏ mới 15 tháng. Anh Phong, chồng chị Lan làm phụ hồ, lương chỉ 5,2 triệu đồng/tháng. Số tiền này vừa trả tiền nhà trọ, điện nước ngót nghét 2 triệu đồng, còn lại 3 triệu đồng để lo học cho cả gia đình 5 người. Gia đình chị Lan mới lên thành phố từ đầu năm 2021. “Dưới quê không có việc làm nên gia đình dắt díu nhau lên đây mưu sinh. Ảnh vừa có việc làm được vài tháng thì dịch bùng lên, vậy là thất nghiệp hơn nửa năm trời. May mà lúc dịch, nhiều nhà hảo tâm cho gạo, cho rau…nếu không chẳng biết sống ra sao” - chị Lan nói. Chị cũng cho hay, đợt này về sẽ gửi 3 đứa con dưới đó cho ông bà, hai vợ chồng trở lại thành phố cày cuốc. “Giờ về luôn thì khó khăn lắm. Trên này các doanh nghiệp đang thiếu lao động, chắc sẽ dễ tìm việc hơn” - chị Lan hy vọng.

Gác lại giấc mơ

Có không ít người đã phải gác lại giấc mơ để trở về quê sinh sống. Len lỏi trong con hẻm nhỏ trên đường Tô Ngọc Vân (quận 12), chị Đinh Thị Thảo (30 tuổi, ngụ quận 12) dẫn chúng tôi đến dãy phòng trọ nơi chị đang sinh sống. Đứa con gái nhỏ mới hơn 1 tuổi thấy mẹ liền khóc ré, lẩy khỏi tay cô hàng xóm đòi mẹ ẵm bồng. “Con còn nhỏ, lại hay đau ốm nên rất khó chăm. Đó là lý do tôi không gửi trẻ được để đi làm. Chồng chạy xe cuốc cho công trình xây dựng, lương tầm 8 triệu đồng một tháng vừa nuôi 3 miệng ăn, vừa chi tiêu đủ các khoản nhà trọ, tã, sữa… Tháng nào cũng vay mượn khắp nơi mà vẫn thiếu trước hụt sau” - chị giãi bày.

Năm 2016, Thảo lúc ấy 24 tuổi đã theo chồng từ Thanh Hóa vào TPHCM với ước mơ về một công việc ổn định, có tiền gửi về quê phụ giúp gia đình. Hai vợ chồng đều xin làm công nhân, tổng thu nhập gần chục triệu đồng/tháng. Sau khi chi phí tiền nhà trọ, ăn uống… Thảo còn dành dụm được phân nửa. Được 2 năm suôn sẻ, đùng một cái, chồng thất nghiệp hơn cả năm trời, mọi khoản chi tiêu đổ lên vai Thảo. Chồng vừa tìm được việc mới thì dịch bệnh bùng phát, Thảo lại có con nhỏ nên xin nghỉ việc ở nhà chăm con. “Tết này vợ chồng đưa con về quê và không vào lại thành phố nữa. Trước mình còn mơ mộng chỉ cần có sức khỏe, chăm chỉ thì kiểu gì cũng sống được nhưng giờ thì không còn lạc quan vậy được nữa. Ngày nào cũng “cơm, áo, gạo, tiền” bao vây, nợ nần lãi mẹ đẻ lãi con đến lúc không thể gắng gượng được nữa. Chồng mình ráng chờ tiền thưởng Tết, trả hết nợ rồi đèo nhau về thôi” - người phụ nữ rớm nước mắt, nói.

(Còn tiếp)

MỚI - NÓNG