Phận nghèo 'cày Tết': Nhọc nhằn mưu sinh

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ở những xóm trọ công nhân và lao động tự do nghèo, khái niệm “ vui Tết, sắm Tết” trở nên rất xa xỉ. Điều họ quan tâm nhất là tìm việc để kiếm ăn từng bữa.

Cái cống nước đen ngòm, bốc mùi trước mặt là “kết quả” còn sót lại trong đợt triều cường đạt đỉnh vừa qua. Cạnh đó, 5-6 căn phòng trọ lụp xụp, xiêu vẹo là nơi cư ngụ của hơn hai chục lao động tự do ở con hẻm 5C Hồ Học Lãm (quận Bình Tân) từ nhiều năm nay. Nhiều lần triều cường lên cao lúc nửa đêm, nước tràn vào nhà lênh láng, cả xóm trọ đành phải ngủ ngồi chờ nước rút đã trở thành “đặc sản” của cả xóm.

Kiếm ăn từng bữa

Vừa đưa chiếc ghế nhựa bám đầy bụi tỏi để trước hiên mời khách ngồi, bà Lê Thị Lê Thoa (66 tuổi, ngụ P.An Lạc, Q.Bình Tân) vừa chỉ vào những bao tỏi, nói: “Tôi mới được người ta giao lựa tỏi, một bao 10 kg sau khi lựa sẽ được trả công 30.000 đồng. Tôi còn nhận may áo gối, bao nệm… Ai thuê gì mình làm nấy”. Trong căn phòng trọ chưa tới 5m2, chỉ vừa đặt được tấm nệm nhỏ, chiếc máy may là hết chỗ có giá thuê gần 2 triệu đồng/tháng, bà Thoa làm hết sức để trả tiền thuê, lo cho người con đau ốm. Bà kể, trước đó còn được nhận vào phụ việc ở quán ăn, giờ không ai thuê nữa vì lớn tuổi, làm việc chậm chạp.

Phận nghèo 'cày Tết': Nhọc nhằn mưu sinh ảnh 1

Với bà Lê Thoa, Tết là điều gì đó rất xa xôi

Cùng xóm trọ với bà Thoa, bà Nguyễn Thị Thanh Hồng (56 tuổi, quê Rạch Giá) cũng miệt mài cột từng bó kẹp tăm (3.000 đồng/kg). Bà Hồng bảo, có bệnh khớp đau nhức quanh năm, bác sĩ yêu cầu mổ vì rất nặng nhưng không có tiền nên bà đành chịu. Trong nhà bà Hồng, có lẽ chiếc tủ lạnh cũ được một người tốt bụng cho là đáng giá nhất. Mẹ bà Hồng lớn tuổi, lãng tai chỉ ngồi một chỗ. “Tôi còn mẹ hơn 90 tuổi phải chăm sóc, chồng làm bảo vệ cho siêu thị gần nhà, lương chỉ vài triệu đồng. Mình nhận làm việc thêm ở nhà, cả ngày cũng có thêm 50.000 đồng đủ tiền cơm nước. Làm được bao nhiêu thì làm, đỡ phần nào cho con cái” - bà Hồng tâm sự.

Xóm trọ này đa số là dân tứ xứ đến làm thuê làm mướn từ nhiều năm nay, tất cả đều chung hoàn cảnh nghèo khó. Nghèo nhưng được cái ai cũng giàu tấm lòng, luôn giúp nhau khi khó khăn. Với tập vé số trên tay, bà Tư (quê Cà Mau) chống gậy nhích từng bước một cách khó nhọc. Không có con cái ở cùng, tất cả bà Tư đều nhờ vào sự giúp đỡ của mọi người trong xóm trọ. “Có hôm không đi bán, cô chủ tạp hóa trong xóm bán nợ cho gói mì, ký gạo… lúc nào có thì trả sau. Nửa đêm trái gió trở trời cũng chỉ biết nhờ láng giềng. Tôi muốn về quê lắm nhưng không đi được vì mình có bệnh, bác sĩ không cho tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Nếu không có hàng xóm thì tôi cũng không biết làm sao vượt qua được mùa dịch” - bà Tư tâm sự.

Sợ Tết

Bà Võ Thị Nhàn (46 tuổi, quê Kiên Giang) khó nhọc lê bước chân ra khỏi căn phòng trọ, hớt chút ánh nắng hiếm hoi, le lói rọi xuống trước bệ cửa. “Đầu năm 2021, tôi bị đột quỵ rồi liệt nửa người. Từ chỗ là trụ cột của gia đình, nay thành tàn phế, đi đứng khó khăn, mọi chuyện đều nhờ tới chồng con” - bà Nhàn nghẹn ngào nói. Hỏi chuyện sắm sửa dịp tết nhất, bà Nhàn lắc đầu cho hay, có cơm ăn no mỗi ngày là mừng rồi, làm gì có tiền bạc sắm Tết. Gia đình bà Nhàn có gần 15 người, trong đó có 5 cháu nhỏ. Các con có gia đình riêng nhưng làm ăn khó khăn, dịch thất nghiệp hết nên gom nhau về đây. Ban ngày, nhà bà Nhàn chỉ còn người già và con nít, còn các con đều bán cá dạo gần khu chợ tự phát bên phà Phú Định (phường 16, quận 8) hoặc theo công trình phụ hồ, lương trả theo ngày. Ngày nào đi làm thì có tiền, đau bệnh nghỉ ở nhà coi như đói…

“Từ khi dịch, mọi người đều thất nghiệp. Có bao nhiêu tiền dành dụm lấy ra ăn uống, thuốc thang cho mẹ. Hai tháng nay, mọi chuyện có ổn hơn đôi chút nhưng cũng chỉ đủ ăn. Mừng là chúng tôi đều được tiêm vắc xin, cha mẹ, anh chị em khỏe mạnh là hạnh phúc lắm rồi” - chị Nguyễn Thị Thu Trúc (27 tuổi), con dâu bà Nhàn tiếp lời. Chị Trúc kể, hồi tháng 7, tháng 8, do quá khó khăn, gia đình bà Nhàn chất hết đồ đạc lên chiếc xe máy cà tàng tính đường về quê. Đi được nửa đường thì quay về vì Long An không cho qua. Trở về xóm trọ, cả nhà lại tiếp tục động viên nhau ráng; co kéo mãi mà cũng sắp hết năm.

Năm năm làm việc ở Sài Gòn cũng là ngần ấy thời gian chị Thúy Liễu (35 tuổi, ngụ huyện Nhà Bè) chẳng dám sắm thêm cho mình tấm áo mới hay mua chậu hoa cho đẹp phòng trọ vào ngày Tết. “Tôi và chồng đều làm công nhân, mình ca ngày, ông xã ca tối, lệch nhau nên việc ngồi ăn bữa cơm chung cũng khó. Hàng năm, khi công ty được nghỉ mấy ngày Tết mình nhận hàng về nhà may thêm, còn chồng chạy xe ôm để kiếm thêm ít đồng lo cho con ăn học. Nói thật, nhà mình sợ Tết lắm vì nhiều thứ phải chi tiêu, mua sắm. Năm nay thu nhập giảm nhiều do có tới 4 tháng công ty không làm việc, lương hỗ trợ chỉ 2 triệu đồng/tháng nên chắc Tết này sẽ khó khăn hơn” - chị Liễu cho biết.

Vào thời điểm cận Tết, những tưởng công việc cũng sẽ nhiều hơn, nhưng thực tế những người lao động, đặc biệt là lao động lớn tuổi vẫn phải mong ngóng việc từng ngày. Với nhiều người, Tết đã đến gần, nhưng với họ, không có việc đồng nghĩa với không có tiền và cái Tết vẫn sẽ còn ở xa lắm.

Chúng tôi rời xóm trọ khi trời đã sụp tối, con kênh nước đen bên cạnh xóm trọ đang dâng cao, những búi rác dập dềnh theo sóng nước. Những người lao động tạm dừng việc, ra vội khu chợ tự phát gần đó mua con cá, miếng thịt có giá “sổ hàng”. Với họ, bữa cơm có rau cá là mừng rồi, dù đó là ngày thường hay ngày Tết.(Còn nữa)

Nhặt nhạnh mớ chai lọ trên đường đi làm về, ông Trần Văn Mạnh (50 tuổi, thuê trọ trên đường Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp) để dành vào một góc phòng, cuối tuần đem bán kiếm thêm ít đồng mua thức ăn. Từ ngày mất việc ở công ty may, ông nhận thêm chân bảo vệ, giữ xe cho một siêu thị với thu nhập chưa tới 3 triệu đồng/tháng. “Dịch đã cướp đi của tôi nhiều thứ, người vợ tảo tần, công việc mưu sinh. Tôi còn đứa con tật nguyền nên gắng gượng sống để lo cho con được bữa nào hay bữa nấy...” - ông Mạnh bỏ lửng câu nói, mắt đỏ hoe.

MỚI - NÓNG