Hàng chục cán bộ, nhân viên y tế của Bệnh viện Đa khoa Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam bị nợ lương suốt 4 tháng nay.
Chị H., một bác sĩ của bệnh viện, chia sẻ, suốt 4 tháng nay đi làm không lương, mọi chi phí cho gia đình đều phải trông cậy vào chồng hoặc vay mượn. Gia đình có con nhỏ nên chi phí phát sinh nhiều, chị H. đành cho con ở nhà, nhờ người thân trông giữ. Bản thân chị vẫn đều đặn đi làm tại bệnh viện dù không nhận được lương và khoản trợ cấp nào.
Cuộc sống thực sự rất chật vật, chị giảm thiểu các khoản chi nhưng vẫn phải vay mượn của nhiều người. “Mình còn có con nhỏ nữa, chi phí gia đình, con cái học hành mà chỉ chăm chăm đồng lương của chồng thật sự rất khó khăn. Nhiều lần kiến nghị mong lãnh đạo giải quyết chỉ nhận được cái lắc đầu, chị H. nói.
Y bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam bị nợ lương suốt 4 tháng khiến cuộc sống chật vật, không dám nghĩ tới Tết Ảnh H. Văn |
Theo chị H., tháng 10/ 2021, chị nhận được nửa lương của tháng 9, từ đó đến nay không nhận được đồng lương nào. Chưa tính chế độ phụ cấp (40%) và các khoản hỗ trợ khác, số tiền lương cơ quan đang nợ của chị là 24 triệu đồng. Tại bệnh viện có hơn 40 người rơi vào cảnh bị nợ lương như chị, số tiền bị nợ đều trên 20 triệu đồng. Trước tình trạng bị nợ lương kéo dài, nhiều nhân viên tính đường chuyển công tác, hoặc nghỉ việc.
“Biết là tình hình năm nay rất khó khăn, cán bộ, nhân viên như mình cũng chia sẻ và vẫn tiếp tục làm việc, chờ đợi 4 tháng qua nhưng đến bây giờ vẫn không có cách để tháo gỡ, thực sự rất buồn và hoang mang. Tết đang đến gần, biết bao khoản chi phí, con cái cũng trông có tấm áo mới…”, chị H. tâm sự.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Huỳnh Tấn Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam, xác nhận tình trạng nhân viên bị nợ lương nhiều tháng. Bệnh viện được giao tự chủ hoàn toàn, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch COVID-19, số bệnh nhân tới khám giảm mạnh khiến đơn vị không thể cân đối thu chi.
“Năm nay thật sự là một năm rất khó khăn. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động khám chữa bệnh bị giảm sút, thu không đủ chi. Chúng tôi đang làm tờ trình xin cấp trên hỗ trợ, đồng thời đề xuất phương án tháo gỡ, có hướng lâu dài, ông Tuấn nói.Trong khi đó, các nhân viên, y bác sĩ thuộc bộ phận bệnh viện của Trung tâm Y tế huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) cũng phản ánh việc bị chậm lương tháng 12/2021 và tháng 1/2022. Theo phản ánh, y bác sĩ, nhân viên vừa làm việc chuyên môn vừa tham gia phòng chống dịch COVID-19, tiêm vắc xin phòng COVID-19, lấy mẫu xét nghiệm; điều trị F0; khám tuyển nghĩa vụ quân sự… Công việc vất vả nhưng đến nay lương tháng 12/2021 vẫn chưa được chi trả.
Ông Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam, cho biết, hiện nay một số trung tâm y tế của tỉnh có tình trạng hụt thu ở cơ sở khám chữa bệnh. Do tình hình dịch bệnh COVID-19, việc thu dung điều trị bệnh nhân ít, thanh toán bảo hiểm y tế quyết toán chậm. Sở đã tổng hợp các cơ sở khám chữa bệnh có thu dung điều trị gửi Sở Tài chính và UBND tỉnh để xin hỗ trợ kịp thời để trả lương cho cán bộ.