SAS nói gì khi bị tố nợ lương giáo viên, thu tiền học viên mà không dạy?

0:00 / 0:00
0:00
Hệ thống ngoại ngữ Thế hệ mới SAS
Hệ thống ngoại ngữ Thế hệ mới SAS
TPO - Hệ thống ngoại ngữ Thế hệ mới SAS (SAS) đang có hơn 60 cơ sở ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Tuy nhiên, các cơ sở này đang ngưng hoạt động; nhiều giáo viên, nhân viên đang bị nợ lương.

Ngày 22/9, báo Tiền Phong đã có bài phản ánh việc hàng trăm học viên ở TPHCM tố Trung tâm ngoại ngữ SAS thu tiền nhưng không dạy; các giáo viên, nhân viên thì bị nợ lương…

Sau khi bài báo đăng, phóng viên tiếp tục nhận được thông tin từ các học viên, giáo viên của SAS ở nhiều địa phương khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.

T.M học viên của SAS ở Tiền Giang đã đóng học phí gần 5 triệu đồng nhưng chỉ học được một thời gian thì dịch bệnh bùng phát và phải nghỉ học từ đó đến nay. “Từ khi nghỉ dịch, trung tâm không có động thái gì và học viên cũng không liên lạc được với trung tâm. Có nhiều tin đồn về việc trung tâm đã trả mặt bằng nên chúng tôi rất lo lắng”, T. M nói.

Trong khi đó, T.T.T, giáo viên SAS cơ sở Biên Hòa (Đồng Nai) phản ánh đang bị SAS nợ gần 20 triệu đồng tiền lương. T cho biết, cô đã nhiều lần liên lạc với trung tâm để hỏi về lương nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin gì…

Tương tự, rất nhiều học viên, giáo viên, nhân viên khác của SAS ở các địa phương như Biên Hòa, Tây Ninh, Bà Rịa- Vũng Tàu, Nha Trang, Quảng Ninh, Hải Phòng… cũng đang rơi tình cảnh tương tự.

SAS nói gì khi bị tố nợ lương giáo viên, thu tiền học viên mà không dạy? ảnh 1

Thông tin học viên cung cấp về SAS

Trong số này, có nhiều giáo viên là người nước ngoài hiện đang bị SAS nợ lương từ 40- 50 triệu đồng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, SAS hiện có hơn 60 cơ sở ở hơn 20 tỉnh thành trên cả nước. Từ đợt dịch COVID-19 thứ tư bùng phát nhiều cơ sở bắt đầu ngưng hoạt động để phòng dịch và đến nay thì xảy ra tình trạng trên…

"Chúng tôi đang nợ lương, chưa thể mở lại lớp"

Liên quan đến sự việc này, phóng viên đã trao đổi với ông Đỗ Văn Quản, CEO của SAS.

Ông Quản xác nhận, SAS đang nợ lương giáo viên, nhân viên và chưa thể mở lại lớp học do dịch bệnh. Ông Quản xin lỗi tất cả mọi người vì tình hình kéo dài nên chưa giải đáp hết.

Theo ông Quản, SAS hiện có khoảng 60 cơ sở ở hơn 20 tỉnh, thành phố trên cả nước. Việc SAS tạm ngưng dạy học là do dịch bệnh COVID-19 và thực hiện theo các Chỉ thị, thông báo của UBND TPHCM và các địa phương.

Khi phóng viên đặt câu hỏi về việc học viên, nhân viên không liên lạc được với SAS, ông Quản cho rằng, việc này là do đứt gãy thông tin của các cơ sở. “Hệ thống hotline đặt ở hệ thống chi nhánh; khi giãn cách, nhân viên không làm việc; vì vậy không liên lạc được”, ông Quản giải thích.

Theo ông Quản, do tin tưởng vào hệ thống kiểm soát dịch thành công như năm 2020, SAS lên kế hoạch cho việc hoạt động lại sau 1 đến 2 tháng. Nhưng diễn biến phức tạp dịch kéo dài nên SAS hoàn toàn bị động trong kế hoạch giảng dạy lại. Trung tâm phải hoàn toàn tuân thủ Chỉ thị của Chính phủ, UBND các tỉnh trong phòng, chống dịch…

“Do việc giãn cách quá lâu, cùng với đó là vẫn tốn các chi phí cố định và phát sinh dẫn đến trung tâm bị hụt nghiêm trọng tài chính nên chưa thể trả lương đầy đủ cho nhân viên, giáo viên”, ông Quản nêu lý do và cho biết, trong thời gian này, có một số lãnh đạo quản lý cấp vùng đã chung tay cùng SAS không nhận lương.

Người đứng đầu SAS cho biết, ngoại trừ một số cơ sở ở Hạ Long, Thanh Hóa, Tiền Giang và 4 chi nhánh ở TPHCM chấm dứt hoạt động từ đầu năm và trung tâm có cam kết trả học phí cho học viên thì các cơ sở còn lại vẫn hoạt động.

“Nguyên do là chi phí vận hành lớn với tiền nhà cũng cần phải trả theo lịch nên SAS quyết định cắt giảm một số vị trí để giúp SAS bớt chi phí và phục hồi. Riêng 4 cơ sở ở TPHCM là hết hạn 5 năm theo giấy phép nhưng cơ sở vật chất đã không phù hợp nên không gia hạn mà chuyển học viên về địa điểm mới hơn”, ông Quan giải thích thêm.

Trước tình thế khó khăn này, ông Quản cho biết, SAS đã và đang đàm phán với quỹ đầu tư của Singapore cũng như quỹ trong nước để lấy nguồn kinh phí vận hành sau dịch và hiện đang chờ giải ngân…

“Đối với các khiếu nại của học viên, trung tâm sẽ nghiêm chỉnh chấp hành Chỉ thị của Chính phủ. Dựa vào tình hình cũng như chỉ đạo của UBND TP và Sở GD&ĐT TP, trung tâm sẽ có các hình thức chuyển đổi dạy học phù hợp như giảng dạy trực tuyến hoặc trực tiếp tại trung tâm theo đúng hướng dẫn phòng dịch…

Riêng đối với giáo viên, nhân viên SAS đã có những văn bản xin gia hạn trả lương và tính % lãi suất trong thời gian nợ lương”, ông Quản nói và mong muốn được nhân viên, giáo viên, học viên chung tay đẩy lùi dịch bệnh, tiếp tục học tập và đóng góp cho hệ thống giáo dục tư thục.

Theo thông tin của PV, sau khi Tiền Phong phản ánh SAS nợ lương giáo viên, nhân viên và việc học viên nộp tiền nhưng không liên lạc được với Trung tâm, Sở GD&ĐT TPHCM đã yêu cầu SAS giải trình. Phía SAS cũng đã có giải trình với Sở GD&ĐT đồng thời cam kết thực hiện nghĩa vụ trong thời gian tới.

MỚI - NÓNG