Ám ảnh thủy điện xả lũ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Mưa bão, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất… xảy ra hằng năm ở hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh... gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Mưa lớn kéo dài gây lũ lụt, nhưng nước lên nhanh còn có thể do các nhà máy thủy điện xả lũ.

Bài học

Nhà máy thuỷ điện Hố Hô thuộc Công ty Thuỷ điện Hồ Bốn hoạt động từ năm 2010. Nhà máy nằm ở huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình nhưng nguồn nước xả phục vụ sản xuất cũng như xả lũ lại chảy về Hà Tĩnh. Từ khi công trình thuỷ điện này vận hành, không chỉ người dân mà chính quyền huyện Hương Khê như “ngồi trên đống lửa” mỗi khi mùa lũ về.

“Thuỷ điện Hố Hô như “bom nước” nằm trên đỉnh núi, người dân đến mùa mưa lũ ai cũng lo sợ. Dù mấy năm gần đây, việc điều tiết luôn thông báo từng giờ, nhưng nhìn lại những sự cố đã xảy ra, người dân vùng dưới hạ du hồ vẫn thấp thỏm”, ông Nguyễn Văn Tiến (trú xã Lộc Yên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) nói.

Trước đây, nhà máy thuỷ điện Hố Hô từng hứng chịu những sự cố lớn. Tháng 10/2010, cửa tràn xả lũ thủy điện Hố Hô bị tê liệt do sự cố mất điện, khiến nước đổ về nhanh tràn cả thân đập. Toàn bộ trạm nâng áp, thiết bị điện, kè hạ lưu của nhà máy bị hư hỏng hoàn toàn, hai vai đập bị xói lở...

Phải mất hai năm khắc phục, nhà máy mới có thể hoạt động trở lại. Hay trận lũ lụt giữa tháng 10/2016 khiến huyện Hương Khê bị thiệt hại nặng nề khi có hơn 5.000 nhà dân bị nước ngập sâu, có nơi ngập sâu tới 4m. Thời điểm đó, người dân, lãnh đạo Hà Tĩnh cho rằng, thuỷ điện Hố Hô chính là “thủ phạm” vì xả lũ bất thình lình, không thông báo trước. Việc xả lũ lại diễn ra ban đêm khiến nhiều người dân không kịp trở tay, mất trắng tài sản.

Ám ảnh thủy điện xả lũ ảnh 1

Nhà máy thủy điện Hố Hô xả lũ

Những năm gần đây, thuỷ điện Hố Hô chủ động thông báo điều tiết xả lũ qua tràn xuống hạ du. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Bí thư Đảng ủy xã Hương Đô, huyện Hương Khê, cho hay: “Mưa lớn cùng với thuỷ điện Hố Hô xả lũ đã khiến nước lũ dâng nhanh, nhưng do được chủ động từ trước nên không gây ảnh hưởng gì.

Do mưa lớn, nước thượng nguồn đổ về hồ nhanh nên có những thời điểm nhà máy thông báo xả qua tràn với lưu lượng 1.742m3/s. Trong đêm nước lên nhanh, nhưng đến sáng 31/10, địa bàn ngớt mưa nên thuỷ điện cũng thông báo giảm lưu lượng xả lại”.

Trực tiếp đi kiểm tra diễn biến mưa lũ tại huyện Hương Khê, ông Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu Nhà máy thủy điện Hố Hô tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định vận hành hồ chứa; đảm bảo an toàn hồ đập, có các phương án bảo vệ đập, hành lang đập, quy trình vận hành liên hồ chứa theo quy định, đảm bảo an toàn tối đa cho công trình và người dân các vùng hạ du của huyện Hương Khê.

Theo báo cáo của UBND huyện Hương Khê, đợt mưa lũ vừa qua đã làm ít nhất 2 người tử vong do đuối nước, 1 người mất tích. Hơn 5.400 hộ dân bị nước vào vườn, trong đó 860 hộ bị nước vào nhà, sâu nhất hơn 1m. Mưa lũ cũng khiến 8 trường học, nhiều hội quán thôn, bưu điện ngập nước; một số công trình hồ đập, bờ sông bị sạt lở.

Đến sáng 31/10, tổng lưu lượng nước xả tràn hồ chứa tại Nhà máy thủy điện Hố Hô xuống hạ du khoảng 253m3/s. Đơn vị đã huy động tối đa cán bộ, nhân viên trực, thực hiện vận hành, điều tiết nước đảm bảo an toàn.

Âm thầm tăng lưu lượng xả lũ trong đêm

Mùa mưa bão năm 2018, các huyện miền núi Nghệ An dọc Quốc lộ 7A phải hứng chịu thiệt hại sau khi các nhà máy thủy điện xả lũ. Nhiều thôn, bản bị ngập sâu trong nước, hàng loạt công trình cầu, cống… bị phá hủy. Khi đó, Nhà máy thủy điện Bản Vẽ xả mức nước kỷ lục cùng lúc với các thủy điện khác khiến lũ chồng lũ. Nhà cửa, tài sản, cây cối, hoa màu, công trình phúc lợi bị lũ tàn phá. Lũ rút, người dân phải đối mặt cảnh thiếu đói, bệnh tật…

Tháng 5/2019, Nhà máy thủy điện Nậm Nơn bất ngờ xả lũ, không thông báo. Anh Vi Văn May (34 tuổi, trú xã Xá Lượng, huyện Tương Dương) đang đánh cá phía dưới vùng hạ du bị lật thuyền, mất mạng. Công an huyện Tương Dương sau đó khởi tố vụ án “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính”. Phía nhà máy và các cá nhân liên quan đã hỗ trợ gia đình nạn nhân số tiền gần 700 triệu đồng.

Mới đây nhất, trận lũ lịch sử rạng sáng 27/9 ở huyện Quỳ Châu khiến 1 người chết, gần 1.400 nhà/30 khối, bản ngập lụt; hơn 5.000 người phải đi sơ tán. Các công trình giao thông, thủy lợi, điện lực cũng như cơ sở giáo dục, y tế, sản xuất nông nghiệp bị hư hỏng. Ước tính thiệt hại hơn

177 tỷ đồng. Đối với một huyện miền núi nghèo có hơn 60.000 dân, thu ngân sách năm 2022 chỉ có 27 tỷ đồng, thiệt hại như vậy là quá lớn. Điều người dân băn khoăn là thủy điện thông báo xả lũ lúc 2 - 3 giờ sáng, sau đó lại vận hành xả lũ trước thời gian quy định, dân làm sao trở tay kịp.

Thượng nguồn sông Hiếu có 3 thủy điện gồm: Nhạn Hạc, Châu Thắng và Nậm Pông. Dữ liệu từ Chi cục Thủy lợi Nghệ An cho biết, lúc 23 giờ 42 phút ngày 26/9, chủ đầu tư thủy điện Châu Thắng thông báo sẽ xả lũ lúc 4 giờ ngày 27/9 với lưu lượng xả từ 76 - 450 m3/s.

Thế nhưng, đến 2 giờ 38 phút ngày 27/9, thủy điện này lại phát thông báo do thủy điện Nhạn Hạc ở phía trên xả khẩn cấp nên thực hiện xả lũ lúc 2 giờ 35 phút với lưu lượng xả lên đến 1.200 m3/s. Đến 6 giờ 56 phút cùng ngày, thủy điện Châu Thắng tiếp tục phát thông báo dự kiến đến 8 giờ 30 phút sẽ tăng mức xả lên 2.500 m3/s. Ngày 27/9, thủy điện Nhạn Hạc cũng thông báo xả lũ với lưu lượng tăng cường từ 500 - 1.100 m3/s.

Lượng nước khổng lồ trút xuống vùng hạ du có dòng chảy thoát lũ hẹp đã tạo thành cơn lũ lớn. Trong khi đó, theo quy định, thông báo vận hành xả lũ phải được ban hành trước khi thực hiện xả lũ ít nhất 4 giờ.

Cuối năm 2022, trong phiên chất vấn lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An về quy trình xả lũ, ông Thái Thanh Quý, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An, cho rằng, dù xả lũ đúng quy trình, nhưng thông báo xả lúc 2 giờ sáng thì người dân làm sao kịp trở tay. Việc tính toán được lưu lượng nước về hồ chứa để điều tiết xả lũ phù hợp là trách nhiệm của các chủ thủy điện, để đảm bảo an toàn cho hạ tầng, tính mạng và tài sản của người dân vùng hạ du.

MỚI - NÓNG