Ðắk Lắk hướng tới mục tiêu 'giàu đẹp, văn minh, bản sắc'

Đồng chí Bùi Văn Cường (đứng giữa), Bí thư Tỉnh ủy thăm vùng thiệt hại do mưa lũ
Đồng chí Bùi Văn Cường (đứng giữa), Bí thư Tỉnh ủy thăm vùng thiệt hại do mưa lũ
TP - Trong giai đoạn 2020 – 2025, Ðắk Lắk đặt mục tiêu giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn đạt trên 300.000 tỷ đồng, tăng trưởng kinh tế bình quân trên 7%/ năm và GRDP bình quân đầu người năm 2025 đạt 70,69 triệu đồng. Qua đó, xây dựng tỉnh Ðắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc, từng bước xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên.

Quy mô nền kinh tế cao gấp 1,52 lần 

Trong năm 2020, đại dịch COVID-19 tác động trực tiếp đến tình hình kinh tế xã hội thế giới và trong nước, song nhờ sự nỗ lực, quyết tâm vượt khó của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, kinh tế Đắk Lắk tiếp tục có sự tăng trưởng ổn định. Tổng sản phẩm xã hội ước thực hiện hơn 61.800 tỷ đồng, bằng 98,88% kế hoạch, mức tăng trưởng kinh tế đạt 9,86%. Trong đó, ngành nông - lâm nghiệp, thủy sản, với con số ước đạt 25.363 tỷ đồng, tăng 19,41%; lĩnh vực công nghiệp - xây dựng ước đạt 9.650 tỷ đồng, tăng 5%; dịch vụ 24.462 tỷ đồng, tăng 0,38%; thuế sản phẩm 2.325 tỷ đồng, tăng 60,34%. Thu nhập bình quân ước đạt 53,98 triệu đồng/người.

Trong bức tranh kinh tế của tỉnh, lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục phát triển ổn định, phát triển khá và giữ vai trò quan trọng trong ổn định kinh tế, đời sống nông thôn. Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được triển khai quyết liệt, thường xuyên. Sản xuất công nghiệp - xây dựng có mức tăng trưởng thấp hơn so với năm trước nhưng vẫn đạt được những kết quả tích cực; thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển ổn định...

Mặc dù luôn phải đối mặt với những khó khăn thách thức trong 5 năm qua, nhưng nền kinh tế của tỉnh Đắk Lắk vẫn tăng trưởng khá, với quy mô nền kinh tế năm 2020 cao gấp 1,52 lần năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, công nghiệp - dịch vụ chiếm tỷ trọng cao. Tổng mức huy động vốn toàn xã hội tăng bình quân 16,86%/năm. GRDP bình quân đầu người năm 2020 gấp 1,67 lần so với năm 2015. Trong các ngành kinh tế, ngành nông nghiệp phát triển khá ổn định, làm nền tảng cho phát triển kinh tế công nghiệp và dịch vụ.

Cùng với đó, các tổ chức, doanh nghiệp chiếm 44% vốn đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước, góp phần tạo thêm việc làm, thu nhập cho người lao động. Thu ngân sách có bước phát triển vượt bậc, tăng bình quân 19%/năm. Hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư; diện mạo nông thôn, đô thị thay đổi nhanh chóng, tương đối hiện đại. Xây dựng nông thôn mới có nhiều chuyển biến tích cực, năm 2020 hoàn thành chỉ tiêu số xã được công nhận là nông thôn mới (61/152 xã); 1 đơn vị cấp huyện đã được công nhận hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.

Ðắk Lắk hướng tới mục tiêu 'giàu đẹp, văn minh, bản sắc' ảnh 1 Trung tâm ngã sáu Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk
Trên cơ sở những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua, Đắk Lắk đặt mục tiêu đến năm 2025 đẩy mạnh cải cách, nâng cao hiệu quả nền hành chính công, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc, từng bước xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên; bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân đạt mức trung bình của cả nước vào năm 2025…

Trong giai đoạn 2020 - 2025, Đắk Lắk đề ra chỉ tiêu giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn đạt trên 300.000 tỷ đồng; tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 7%/ năm. GRDP bình quân đầu người năm 2025 đạt 70,69 triệu đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 179 nghìn tỷ đồng. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2025 đạt trên 12.500 tỷ đồng, trong 5 năm đạt 53.000 tỷ đồng, tăng bình quân 8%/năm.

Ðắk Lắk hướng tới mục tiêu 'giàu đẹp, văn minh, bản sắc' ảnh 2

Tinh luyện thép ở khu công nghiệp Hòa Phú

Xác định các “hạt nhân phát triển”

Để đạt được các mục tiêu trên, tỉnh đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp, trước tiên là tiếp tục tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Trong đó sẽ tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch; quy hoạch tỉnh phù hợp với quy hoạch của Quốc gia. Đồng thời tận dụng tối đa các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại và thực hiện chuyển sang mô hình tăng trưởng xanh.

Cùng với đó, Đắk Lắk cũng tiến hành rà soát, điều chỉnh, ban hành mới các chính sách của địa phương để tạo cơ chế huy động, thu hút mạnh mẽ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư cho phát triển. Bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh, đầu tư các dự án có tính lưỡng dụng, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời bình và sẵn sàng chuyển sang phục vụ nhu cầu quốc phòng khi có tình trạng khẩn cấp.

Về giao thông, tỉnh sẽ ưu tiên đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối hệ thống giao thông với các tỉnh lân cận, khu vực và quốc tế bằng đường bộ, đường sắt và đường hàng không. Tỉnh xác định thành phố Buôn Ma Thuột; thị xã Buôn Hồ; các thị trấn; các tuyến hành lang Quốc lộ 14, Quốc lộ 26, Quốc lộ 27, Quốc lộ 29, đường Trường Sơn Đông, các huyện phía Tây đường Hồ Chí Minh là các hạt nhân phát triển, vùng kinh tế động lực của tỉnh.

Đồng thời tỉnh sẽ sớm xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để ưu tiên nguồn lực đầu tư để thành phố Buôn Ma Thuột sớm trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, trung tâm dịch vụ, tài chính, công nghệ cao của tỉnh. Cùng với đó, xây dựng, nâng cấp thị xã Buôn Hồ trở thành đô thị loại III vào năm 2025, là đô thị trung tâm tiểu vùng phía Bắc của tỉnh. Triển khai xây dựng, từng bước hoàn thiện, đảm bảo điều kiện để huyện Ea Kar trở thành thị xã Ea Kar với chức năng là đô thị trung tâm tiểu vùng phía Đông của tỉnh.

Trong lĩnh vực xuất khẩu, cà phê được xác định là ngành hàng mang lại giá trị kinh tế cao; chú trọng xây dựng thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, phát triển cà phê đặc sản hướng đến mục tiêu “Đắk Lắk là điểm đến của cà phê thế giới”. Từng bước chuyển đổi cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo hướng tăng tỷ trọng hàng chế biến sâu, giảm tỷ lệ sơ chế và xuất thô.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng thực hiện có hiệu quả các chiến lược trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh; xây dựng, điều chỉnh, bổ sung các nội dung “Đề án bảo đảm quốc phòng” phù hợp, sát với điều kiện thực tế của từng địa phương. Đầu tư nguồn lực hợp lý xây dựng khu vực phòng thủ cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng cơ bản, liên hoàn, vững chắc, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đáng lưu ý, công tác tổ chức, xây dựng Đảng được Đắk Lắk tập trung đổi mới mạnh mẽ, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của từng tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự tiên phong, gương mẫu. Trong đó, tỉnh sẽ quan tâm làm tốt công tác tạo nguồn, kết nạp đảng viên mới bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng và chỉ tiêu đề ra. 

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đặt mục tiêu đến năm 2025: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị toàn tỉnh trong sạch, vững mạnh; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát huy và tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc, từng bước xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên; bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân đạt mức trung bình của cả nước vào năm 2025…

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.