Ác quỷ dị hợm nhận tràng pháo tay dài 4 phút

TPO - "Beetlejuice" là siêu phẩm ra mắt năm 1988 làm nên tên tuổi của đạo diễn Tim Burton. Từ nhiều năm nay, người hâm mộ luôn mong chờ phần tiếp theo. Phần 2 của phim đang ở rạp, từng nhận được tràng pháo tay 4 phút tại LHP Venice và những lời tán dương của giới phê bình.

Cốt truyện phức tạp hơn

Đúng là không còn sự bất ngờ về ý tưởng và tươi mới trong kịch bản của phần đầu (phần 2 do người khác biên kịch), nhưng Tim Burton vẫn có cách để khán giả không phải thất vọng.

Thế giới kỳ ảo, đen tối nhưng không thiếu sự hài hước của Tim luôn là một cái gì đó khiến khán giả đã một lần bước vào thể nào cũng sẽ quay lại. Phong cách kinh dị của Tim bao giờ cũng pha trộn với thần tiên và ảo mộng. Ở đó giống như ma quỷ chỉ giả vờ độc ác cốt để dạy con người những bài học, hoặc đơn giản hai bên bày trận giả cho vui.

Ác quỷ dị hợm nhận tràng pháo tay dài 4 phút ảnh 1

Cảnh trong Beetlejuice 1988

Câu chuyện ở phần 2 có nhiều tuyến nhưng cốt truyện lỏng lẻo hơn. Quỷ Beetljuce (Michael Keaton) hóa ra từng có hôn nhân phức tạp chết người. Vợ cũ Delores (Monica Belluci) cuối cùng đã sống lại và đi khắp cõi Afterlife (Thế giới bên kia) để tìm chồng. Trong khi hắn sau 36 năm vẫn ôm hy vọng lấy được Lydia Deetz (Winona Ryder).

Trở lại phần trước, Lydia Deetz là thành viên duy nhất trong gia đình Deetz nhìn thấy hồn ma. Khi cùng bố mẹ chuyển đến nhà mới thị trấn Winter River, Lydia được tiếp xúc với hai người chủ cũ vẫn hiện diện ở đó, là cặp vợ chồng ma Barbara và Adam Maitland.

Sau khi trải qua những cuộc phiêu lưu ly kỳ rùng rợn có liên quan đến con quỷ Beetlejuice, cặp Mailland và Lydia trở thành bạn tốt. Theo định mệnh sắp đặt, Barbara và Adam còn phải tiếp tục ám căn nhà đó trong 125 năm nữa. Song ở phần 2, vợ chồng Maitland hoàn toàn vắng bóng.

Ác quỷ dị hợm nhận tràng pháo tay dài 4 phút ảnh 2

Một tạo hình của cặp vợ chồng ma Barbara và Adam Maitland trong phim gốc.

Tuy nhiên giao kèo giữa Lydia và Beetlejuice còn hiệu lực. Và một lần nữa hắn trở lại để đòi quyền lợi. Lydia lúc này đã trở thành người dẫn chương trình. Loạt talkshow siêu nhiên trong đó Lydia giao lưu với hồn ma khiến cô trở nên nổi tiếng. Rory - bạn trai của Lydia - cũng là người sản xuất chương trình này. Một lần khi đang dẫn tại trường quay, Lydia bỗng thoáng thấy Beetlejuice tại hàng ghế khán giả. Ảo giác này tiếp tục theo đuổi cô ở nhiều nơi.

Nếu ở phần trước Lydia là đứa trẻ cứng đầu thì lúc này cô đang nếm trải cảm giác có một đứa con cứng đầu là Astrid (Jenna Ortega). Astrid cho rằng mẹ mình lừa đảo, vì hồn ma cần phải thấy nhất là bố của Astrid (đã mất trong một chuyến thám hiểm một mình sau khi ly dị Lydia) thì mẹ cô lại chịu chết.

Đám tang của ông ngoại Charles Deetz đưa Astrid về căn biệt thự của gia đình. Cô bé phát hiện ra mô hình của thị trấn trên gác xép. Đây chính là cánh cửa để Beeltejuice có thể dễ dàng đột nhập thế giới loài người.

Ác quỷ dị hợm nhận tràng pháo tay dài 4 phút ảnh 3

Dàn diễn viên trong Beetlejuice Beetlejuice.

Do chán nản với sự phức tạp của gia đình, Astrid đi lang thang trong vùng và gặp Jeremy (Arthur Conti) tuy không được đẹp trai nhưng lại có chiều sâu tâm hồn với vẻ chân thành rất đáng tin. Jeremy rủ cô đi chơi vào đêm Halloween. Astrid thấy đây là cách tốt để khỏi phải dự đám cưới ngẫu hứng của mẹ… Nhưng mọi việc đều đảo lộn vì Jeremy không phải người như Astrid kỳ vọng.

Mọi việc rối tung lên và Lydia lại không còn cách nào khác phải nhờ vả Beetlejuice. Phần thưởng cho tên quỷ vẫn là Lydia sẽ cưới hắn.

Những con ma ngộ nghĩnh

Vì sao Beetlejuice chỉ xuất hiện chừng 17 phút rưỡi trong tổng thời lượng 92 phút của phần đầu nhưng đã trở thành một biểu tượng. Có lẽ chính vì sự vô tư và ngây thơ của gã. Và quan trọng là gã không đáng sợ, không làm hại ai mà chẳng qua vì là quỷ, lại còn xấu nên bị kỳ thị.

Ác quỷ dị hợm nhận tràng pháo tay dài 4 phút ảnh 4

Michael Keaton vẫn rất phong độ trong Beetlejuice Beetlejuice.

Phim gốc có thể coi là một dạng “phim cult” - khái niệm chỉ những bộ phim khác thường có cộng đồng cuồng mộ (dạng tín đồ) lâu bền và thường gây tranh cãi cũng như bị đánh giá thấp lúc mới xuất hiện...

Beeltlejuice lại được yêu thích ngay từ khi ra mắt. Là một phim tiêu biểu cho thể loại kinh dị hài, Beetlejuice không chỉ gây cười một cách thú vị mà còn đem lại một cách nhìn khác, đầy châm biếm về thế giới bên kia - trạm trung chuyển. Ở đó những người chết vẫn tiếp tục phải lấy số, xếp hàng để làm các thủ tục hành chính trước khi đến những nơi dành cho mình.

Cõi âm cũng đầy rẫy sự quan liêu và những âm mưu lừa gạt. Những ai vừa chết cũng được cấp ngay một cuốn cẩm nang dành cho người vừa qua đời. Nếu chịu khó nghiên cứu, nó có thể… cứu sống bạn (dù bạn đã chết hay chưa).

Ác quỷ dị hợm nhận tràng pháo tay dài 4 phút ảnh 5

Monica Belluci có phần xuất hiện khá ấn tượng trong Beetlejuice Beetlejuice.

Một giải Oscar về hóa trang đã được trao cho Beetlejuice 1988. Phim là một bước đột phá về tạo hình cho ma quỷ, nhìn chúng dị hợm và cực kỳ sáng tạo với đủ kiểu dáng phong phú. Vì ai chết thế nào thì sẽ được giữ nguyên trạng ở cõi bên kia. Nhưng họ không máu me mà giống những tác phẩm điêu khắc hơn.

Ở phần 2, khán giả được gặp lại kha khá những gương mặt thân quen bao gồm Michael Keaton, Winona Ryder hay Catherine O'Hara. Riêng nhân vật Charles Deetz - bố của Lydia - bị chết một phần chắc cũng do diễn viên đóng vai này Jeffrey Jones (ở phim trước) bị cáo buộc tội lạm dụng trẻ em từ 2002. Phim bèn dùng hoạt hình để quay cảnh nhân vật bị chết, thêm hiệu ứng hóa trang đặc biệt để Charles tiếp tục hiện diện ở cõi âm.

Tin liên quan