Cùng Đàn Đó khám phá âm thanh

TP - Chuyện của đó - kết quả cả một thập kỷ nghiên cứu của nhóm Đàn Đó đang được trình diễn định kỳ hằng tháng tại khu xưởng nằm trong một nhà máy cũ cuối đường Trường Chinh, Hà Nội. Đến đây, bạn sẽ được du hành vào một thế giới âm thanh vừa thân thuộc vừa khác lạ, được thấy những nghệ sĩ xiếc chơi nhạc và nhạc sĩ làm xiếc với nhạc cụ…

“Chưng cất” nhạc từ thiên nhiên…

Tầm này mà chế ra được một nhạc cụ mới phát ra được thứ âm thanh chưa từng có là điều vô cùng khó. Nhưng có vẻ như Đàn Đó đã và đang làm được. Nhóm hiện có 4 thành viên. Xuất hiện trên sân khấu là các nhạc sĩ Nguyễn Đức Minh, Đinh Anh Tuấn, Nguyễn Quang Sự, họa sĩ Nguyễn Đức Phương phụ trách các phần việc liên quan đến thị giác, như bài trí Đàn Đó Lab - không gian biểu diễn của nhóm.

Chương trình dành khá nhiều thời gian cho khán giả giao lưu bao gồm tiệc nhẹ. Phần biểu diễn gồm 10 khúc nhạc sử dụng nhiều nhạc cụ lạ mắt lạ tai, một số được chính các nghệ sĩ chế ra từ những nguyên liệu tự nhiên, sẵn có trong đời sống. Nhưng âm nhạc mà chúng phát ra lại không giống với những gì chúng ta vẫn nghe chủ động hoặc bị động hằng ngày

Mỗi tiết mục trong Chuyện của đó đem lại một cảm xúc, một sự ngạc nhiên riêng. Nhưng khiến tôi ấn tượng nhất có lẽ vẫn là phần trình diễn sáo nước. Ba nghệ sĩ cùng lúc nhúng 3 thân tre nhìn rất bình thường vào một chum nước cũng chẳng có gì đặc biệt. Chỉ bằng những động tác đưa lên đưa xuống thanh tre trong cái chum đó mà một bản nhạc hoàn chỉnh phát ra. “Ở cách chơi nhạc cụ này, nước như piston, thay người đẩy hơi tạo ra âm thanh. Tuy chơi nhạc nhưng hình thức bên ngoài không khác gì người giã gạo hay đâm cá”, Trần Đức Minh mô tả.

Cùng Đàn Đó khám phá âm thanh ảnh 1

Nguyễn Đức Minh giới thiệu về các nhạc cụ được sử dụng trong chương trình Chuyện của đó. Ảnh: NSCC.

Đàn Đó sử dụng nhạc cụ truyền thống như kipah sừng trâu của người Ê-đê, sáo tam-lay (Thái), trống ghi-năng (Chăm), đàn goong (Gia-rai), sáo ôi (Mường)… Cũng có cả những nhạc cụ hoàn toàn mới do nhóm tự thiết kế, chế tác, bao gồm đàn đó, trống nước, sáo nước, trống chum, đàn niêu, trống lãng (làm từ đất và nung lại làng Phù Lãng)…

Trong nhóm nhạc cụ đất nung mà nhóm tìm ra phải kể đến trống chum, vừa là trống vừa có thể bổ sung phần bass vốn còn thiếu trong dàn nhạc dân tộc. Chỉ bằng cách chuyển dịch vài thanh tre căng mặt trống, nhạc công có thể điều chỉnh cao độ của trống. Sáng tạo này cũng là kết quả của việc họ cùng tham gia khóa học “Phương pháp sáng tạo tập thể” ở Pháp, trước khi bắt tay vào làm Xiếc Làng Tôi.

Chính Xiếc Làng Tôi đã đưa các thành viên Đàn Đó đến với nhau. Trước khi tham gia Xiếc Làng Tôi, hai diễn viên xiếc Nguyễn Quang Sự và Đinh Anh Tuấn chưa từng nghĩ mình sẽ chơi nhạc hay chế tác nhạc cụ. Hồi Xiếc Làng Tôi du diễn châu Âu, vì lẻ đôi (hai người chung một phòng mà nhóm xiếc có 9 người, nhóm nhạc công có 5) nên Nguyễn Đức Minh và Đinh Anh Tuấn có dịp chung phòng trong suốt 4 năm đó. Và những vốn liếng chuyên môn của mỗi người cũng có dịp “nhiễm” sang nhau.

Đinh Anh Tuấn gọi đó là số phận. Anh khẳng định mục đích ban đầu của nhóm Đàn Đó không phải để làm nhạc: “Khi thành lập nhóm bọn mình định xây dựng một chương trình khai thác các nhạc cụ như đạo cụ để trình diễn xiếc, múa hoặc kịch”. Nhưng trong quá trình xây dựng chương trình, họ không giới hạn chuyên môn cũng như khả năng đóng góp của mỗi người. Thành ra Tuấn và Sự thành nhạc sĩ lúc nào không hay…

Cùng Đàn Đó khám phá âm thanh ảnh 2

Ba nghệ sĩ Nguyễn Quang Sự, Nguyễn Đức Minh, Đinh Anh Tuấn đang chơi sáo nước

“Khi vào việc, chúng tôi như trẻ con chơi đùa với nhau”, Minh kể. “Khi chơi nghịch bọn trẻ không nghĩ nhiều. Còn mình có cả hai, vừa ý thức vừa nghịch. Từ đó tìm ra nhiều thứ thú vị”. Chẳng hạn ra sự hòa hợp giữa chum đất nung và săm xe máy do Nguyễn Quang Sự phát hiện ra. Anh cũng là ca sĩ chính của nhóm. Chính tôi sau khi xem Chuyện của đó, không nhớ ai có thể chơi nhạc cụ nào. Tất nhiên Minh chơi được nhiều thứ nhất, nhưng chương trình đem lại cảm giác không nhạc cụ nào có thể làm khó bộ ba. Họ đàn, hát với mọi thứ bày xung quanh, thỏa thích đúng như một đám trẻ đang chơi đồ chơi vậy.

“Âm nhạc phát triển theo hướng từ đơn giản đến phức tạp. Chúng tôi lại bắt đầu từ phức tạp hướng đến vẻ đẹp của sự tối giản. Nhạc cụ chúng tôi sử dụng hoặc tạo ra đều đơn giản gần như giữ nguyên chất liệu tự nhiên, không có cái gì gắn thêm vào. Từ đó chúng như phát ra âm thanh của chính chúng trong tự nhiên”.

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Minh

Theo đuổi sự khác biệt

Đàn Đó đang xóa nhòa ranh giới nhạc truyền thống và nhạc đương đại. Những thứ họ thừa hưởng từ những nền văn hóa bản địa của các dân tộc hòa trộn với những sáng tạo mới. Những nhạc cụ và cách thức chơi nhạc của họ có vẻ rất cổ xưa và thô sơ. Nhưng họ tạo ra thứ nhạc của riêng mình, thậm chí cả những âm thanh hoàn toàn mới.

Cùng Đàn Đó khám phá âm thanh ảnh 3

Một tiết mục sử dụng đàn môi, trống chum và trống ghi-năng

Nguyễn Đức Minh tâm sự trong quá trình họ cùng nhau đi diễn diễn vòng quanh châu Âu trong 4 năm, được va chạm nhiều nền tảng nghệ thuật, văn hóa đa dạng. Đủ để nhận thấy văn hóa không có phân biệt cao thấp, mà chỉ có sự khác biệt làm nên sự giàu có của mỗi vùng văn hóa. Từ đó Đàn Đó quyết tâm làm nên sự khác biệt trong sự khác biệt. Tức là họ không chỉ thừa hưởng sự khác biệt của văn hóa Việt mà còn tiếp tục tìm tòi theo cùng một nguyên lý giống “các cụ”. Có thể nói đây là một hướng phát huy văn hóa rất thú vị. Không theo kiểu “cải biên” như việc dùng nhạc cụ dân tộc để chơi nhạc Tây phương chẳng hạn.

“Có cơ hội được xem nhiều chương trình nghệ thuật của nước ngoài, hội mình bị chạnh lòng. Vì người nước ngoài làm chương trình dù chỉ rất bình thường cũng đều chỉn chu. Họ rất nghiêm túc, ứng xử nhân văn với công việc. Nhìn lại hội mình cũng là nghệ sĩ sao không làm với tinh thần đó?!”.

Nghệ sĩ Đinh Anh Tuấn

Đàn Đó bắt đầu từ việc làm đàn. Nhạc cụ nhận diện của nhóm nhìn hơi giống chiếc đó bắt cá nên thành tên “đàn đó”. Sau hơn một năm thử nghiệm và cùng thợ rừng bản địa tìm kiếm khắp Hòa Bình, Tuyên Quang, Quảng Nam… họ phát hiện ra chỉ tre mai mới đủ độ cứng và dai cần thiết. Để làm được đàn đó hay trống nước, tre phải có tuổi đời 15-20 năm và phải là gốc lõi nằm giữa bụi tre. Để cây tre giữ được nguyên dạng, họ phải lùa dao vào để chặt chứ không được dùng cưa.

“Thậm chí trong lúc làm đàn đã có hình dung nhất định về tác phẩm mình muốn xây dựng”, Nguyễn Đức Minh cho hay. Trong quá trình tập luyện, có thể Minh sẽ dùng văn bản giúp cả nhóm thống nhất sơ đồ tác phẩm nhưng khi biểu diễn họ hoàn toàn không dùng bản nhạc, mà đơn giản tái tạo cảm giác về âm thanh đã có khi tập luyện cùng nhau.

Chuyện của đó giống như hoạt động chia sẻ với cộng đồng. Tức là nhóm sẽ kiếm tiền từ việc lưu diễn cùng công việc kinh doanh riêng của mỗi người để nuôi chương trình cũng như trả tiền thuê địa điểm. Như Minh xác định: “Đã theo đuổi thì mình cứ đi đến cùng, dù công việc này chưa nuôi được mình”.

Dù được đón nhận đến đâu, thì Chuyện của đó vẫn sẽ tiếp tục được kể. Nhưng chắc chắn sẽ tốt hơn cho chính khán giả nếu được một lần lắng nghe câu chuyện của Đàn Đó. Để từ đó hình thành một lối tiếp cận mới mẻ, sống động hơn về âm nhạc và nghệ thuật.