70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 5: Chuyện thật… khó tin

0:00 / 0:00
0:00
TP - Việc ngăn chặn những âm mưu bắt cóc, ám sát các yếu nhân của ta góp phần rất quan trọng vào sự thành công của chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhiệm vụ đó được thực hiện bởi những người cảnh vệ có những kỹ năng chiến đấu, sinh tồn thiện nghệ, sự gan dạ hơn người và lòng trung thành tuyệt đối…

Bảo vệ lãnh đạo thời chiến

Chúng tôi tới một ngôi nhà sàn đơn sơ tại phường Noong Bua (Thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) để gặp cụ Cà Văn An - một cựu cảnh vệ từng công tác tại Ty Công an Lai Châu trong những năm chiến dịch Điện Biên Phủ nổ ra. Tóc cụ đã bạc trắng nhưng mắt còn sáng, miệng luôn cười, bước đi nhanh và chắc chắn. Tuy nhiên, cả nhóm chúng tôi giật mình, nghĩ cụ trêu đùa khi cụ nói mình vừa bước sang tuổi 103. Chỉ đến khi nhìn thấy thiếp mừng thọ 100 tuổi năm 2021 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng treo trên tường, chúng tôi tin là thật. Có lẽ, cụ An là chiến sĩ Điện Biên lớn tuổi nhất hiện nay.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, cụ An là tiểu đội trưởng trong tiểu đội cảnh vệ gồm 4 người, được giao trọng trách bảo vệ những lãnh đạo cốt cán của tỉnh Lai Châu (Lai Châu từ năm 2004 về trước bao gồm cả tỉnh Điện Biên) là Bí thư Hoàng Bá Dũng, Chủ tịch Lò Văn Hặc và Tỉnh ủy viên Lê San. Trong đó, ông Lò Văn Hặc, người được coi là thủ lĩnh dân tộc Thái - Mèo tại Tây Bắc luôn là mục tiêu ám sát hàng đầu của địch.

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 5: Chuyện thật… khó tin ảnh 1

Cụ Cà Văn An chia sẻ những câu chuyện thời còn làm chiến sĩ cảnh vệ trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Trụ sở Tỉnh ủy Lai Châu lúc đó nằm ở xã Chiềng Sinh (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên ngày nay), nhưng khi chiến dịch Điện Biên Phủ nổ ra, các lãnh đạo phải chuyển công tác tới xã Mường Phăng và xã Nà Tấu (thành phố Điện Biên Phủ ngày nay) để họp bàn với Bộ chỉ huy chiến dịch về các phương án tác chiến và hậu cần, tiếp tế. Tiểu đội của cụ An được giao nhiệm vụ hộ tống lãnh đạo đến căn cứ an toàn.

Các chiến sĩ công an luôn phải đi trước một quãng để quan sát địa hình, thám thính khu vực xung quanh xem có gián điệp biệt kích (GĐBK), phỉ hay bom mìn không. Mỗi người đều khoác theo một khẩu súng trường Trung Chính. Nếu phát hiện địch, họ sẽ nổ súng cảnh cáo trước rồi rút êm, tránh đấu súng dai dẳng với địch vì đạn lạc sẽ rất nguy hiểm cho các lãnh đạo.

Khi đã đưa lãnh đạo tới căn cứ an toàn, cụ An cùng đồng đội lại đi sâu vào rừng và đi xuống các bản để tìm thức ăn, nước uống cho lãnh đạo. Tìm xong, họ chẻ các ống tre, nứa, cho cơm và thịt vào bên trong rồi nấu. “Ban ngày, chúng tôi đi tuần tra khoảng 4-5 lần. Ban đêm, tôi thường phải gác đến 3 giờ đêm mới được ngủ. Nhưng ngủ đến 4 rưỡi sáng là phải dậy chuẩn bị đồ ăn cho các lãnh đạo rồi”, cụ An kể.

Chuyện tên biệt kích khóc thét khi bị buộc tay vào bó củi

Các toán GĐBK và phỉ tại địa phương cũng là một vấn đề nhức nhối của ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Chúng thu nạp thổ ty (quan lại cha truyền con nối thời xưa ở các vùng dân tộc thiểu số - PV) và lính ngụy cũ, bắt ép thanh niên trai tráng trong làng phải theo phỉ, rồi tập hợp thành những cụm phỉ lớn. Lúc đó, chúng thường xuyên gây bạo loạn ở các khu vực Tuần Giáo, Mường Lay (Điện Biên), Mường Tè, Phong Thổ (Lai Châu), Quỳnh Nhai (Sơn La)... Chúng giết hại nhiều người dân và cán bộ kháng chiến ở địa phương, cướp bóc nhiều chuyến hàng tiếp tế cho chiến trường Điện Biên Phủ và chỉ điểm cho Pháp ném bom tại nhiều vị trí quan trọng, gây tổn thất lớn cho quân ta. Có thời điểm, chúng còn làm chủ một khu vực rộng 8.000 km vuông ở huyện Mường Tè. Vì vậy, công tác “phản gián, phá tề, trừ gian, tiễu phỉ” (gồm các công tác phát hiện, triệt phá các vùng địch chiếm đóng, loại trừ kẻ gian, thổ phỉ… - PV) lúc đó rất quan trọng.

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 5: Chuyện thật… khó tin ảnh 2

Căn nhà sàn nơi cụ Cà Văn An sinh sống

Đến giờ, cụ An vẫn không thể nào quên lần bắt được một tên GĐBK là người Việt, dân tộc Thái, sống ở Sơn La. Hắn bị bắt sống khi vừa mới nhảy dù từ máy bay xuống huyện Mường Ảng (Điện Biên) để đi tìm toạ độ ném bom cho Pháp. Tên này lúc đầu rất ngoan cố, hỏi gì đều không nói. Khi trói hai tay, hắn giằng một lúc là tự cởi ra được rồi cứ ngồi vậy nhìn chằm chằm vào các chiến sĩ công an như muốn thách thức.

Lúc đó, đồng chí Trưởng ty Công an Lai Châu mới quay sang hỏi cụ An xem có cách nào để trị hắn không? Cụ liền vào rừng chặt mấy khúc củi, mang về cột vào người hắn rồi trói sao cho hai cánh tay dang rộng ra, không cử động được. “Lực bất tòng tâm, bỗng nhiên hắn oà khóc rất to, không còn ngoan cố nữa. Khi ấy chúng tôi hỏi gì hắn đều khai hết, từ kế hoạch đổ bộ của GĐBK Pháp tới vị trí chúng đang đóng quân ở Chiềng Sinh (Tuần Giáo, Điện Biên), số xe bọc thép chúng mang theo… Sau đó, tôi bảo mấy đồng chí khác yên tâm đi ngủ được rồi. Đồng chí Trưởng ty còn hỏi đùa tôi: “Chắc chưa? Để hắn thoát là cậu vào tù thay hắn đấy!”, cụ An cười.

Một mình cõng số tiền lớn của Nhà nước băng rừng, vượt núi

Ngoài trọng trách bảo vệ cho các lãnh đạo đứng đầu tỉnh Lai Châu, cụ An còn được giao một nhiệm vụ đặc biệt khác: đó là cầm tiền của nhà nước đi mua gạo, trâu, bò, lợn… để tiếp tế cho tiền tuyến. Cụ thể, cụ sẽ đi từ Nà Tấu về Chiềng Sinh để lấy tiền tại Ngân hàng Tuần Giáo, sau đó mang tiền quay về Nà Tấu báo cáo lãnh đạo, rồi mới bắt đầu đi mua gạo, trâu, bò, lợn ở các vùng lân cận. “Khi ấy, tôi là người duy nhất được lãnh đạo tỉnh Lai Châu giao nhiệm vụ này”, cụ An nói.

Cụ An thường khởi hành lúc 6 giờ chiều khi trời sẩm tối, đi suốt đêm tới sáng hôm sau mới đến Chiềng Sinh, rồi lại mất thêm một đêm nữa để trở về Nà Tấu. Cả đường đi lẫn đường về khoảng một trăm cây số. Nhưng có hề gì, cụ An vẫn khoác trên vai khẩu súng trường, đeo trên lưng tấm chăn chiên cuộn tròn được buộc chắc chắn bằng dây dù và dây leo rừng, bên trong chứa hơn 60 cân tiền xu rồi cứ thế băng rừng, vượt núi đi cùng khối tài sản lớn của quốc gia.

Từ tháng 1/1953 đến tháng 5/1954, lực lượng Công an Điện Biên cùng với Công an khu vực Tây Bắc đã phá tan 11 tổ chức GĐBK của Pháp và Tưởng Giới Thạch ở huyện Điện Biên, Mường Lay, Tuần Giáo và các xã dọc tuyến biên giới Việt - Trung, Việt - Lào; bắt giữ và tiêu diệt 70 tên GĐBK. Riêng cụ Cà Văn An đã bắt sống được 5 tên GĐBK.

“Nguy hiểm nhất là một lần khi chỉ còn 2 cây số nữa là về tới Nà Tấu thì tôi bị trực thăng của địch phát hiện, truy đuổi. Tôi phải trốn vào một bụi cây chó đẻ trong rừng. Tôi đã hai, ba lần giương súng lên định bắn nhưng cuối cùng lại thôi. Vì nếu bắn trúng thì địch chết, mình lập được chiến công, nhưng nếu không trúng thì mình lộ vị trí, kiểu gì địch cũng bắn chết hoặc bắt sống mình. Mà bắt được tôi thì khác gì chuột sa chĩnh gạo? Vậy nên tôi đành kiên nhẫn ẩn náu, chờ địch bay đi rồi tiếp tục về căn cứ”, cụ An nói.

Có lẽ, vì luôn hăng say hết mình trong mọi nhiệm vụ được giao, nên cụ An chiếm được lòng tin tuyệt đối của các lãnh đạo tỉnh Lai Châu. Cụ kể, mỗi lần cụ mang tiền từ ngân hàng về hay đi mua đồ tiếp tế về, các lãnh đạo không bao giờ phải đếm hay kiểm kê lại tiền, chỉ yêu cầu đưa cho họ biên lai là được…

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG