70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 1: Ký ức của chiến sĩ giao liên ở 'cửa tử' Cò Nòi

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngã ba Cò Nòi (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) là “cửa ải mà tất cả người ra trận phải vượt qua”. Đây là “túi bom”, là “cửa tử” trước khi bước vào lòng chảo Điện Biên. Tại đây, chúng tôi may mắn tìm gặp được ông Lò Văn Pọm người trực tiếp làm giao liên năm xưa để được nghe chuyện quân và dân ta đã sống và chiến đấu để làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu”...
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 1: Ký ức của chiến sĩ giao liên ở 'cửa tử' Cò Nòi ảnh 1
Di tích Ngã ba Cò Nòi

Túi bom, bãi lầy nay thành di tích

Ngã ba Cò Nòi nằm ở vị trí chiến lược vì đây là giao điểm giữa đường 13 (từ Chiến khu Việt Bắc sang) và đường 41 (QL6 ngày nay, từ đồng bằng, Liên khu 3, Liên khu 4 lên). Có thể nói, các hướng đến Điện Biên Phủ lúc đó đều phải qua Cò Nòi.

Theo tài liệu tại di tích Cò Nòi, khi đó, thực dân Pháp xác định: Có cắt đứt được đường vận chuyển tại ngã ba Cò Nòi hay không sẽ quyết định thành bại ở Điện Biên Phủ. Vì vậy, chúng đã huy động tối đa tiềm lực không quân, sử dụng các loại bom có sức hủy diệt lớn để đánh phá trọng điểm này.

Những ngày này 70 năm về trước, tại ngã ba Cò Nòi, mỗi ngày có gần 70 tấn bom được ném xuống. Các loại bom phá, bom nổ chậm, bom Napan, bom bướm được thả xuống đây gấp nhiều lần các trọng điểm khác. Nơi đây trở thành “túi bom”, bãi lầy khổng lồ, thành chiến trường ác liệt.

Lúc đó, lực lượng của ta thường xuyên có mặt tại đây là thanh niên xung phong (TNXP) của các đơn vị C293, C300 Đội 34 và C403, C406, C408 Đội 40. Họ đã chiến đấu kiên cường, sáng tạo để mạch máu giao thông vận tải luôn thông suốt, kịp thời. Vượt qua những ngày chiến đấu ác liệt, gian khổ đó, hàng nghìn người đã mất đi một phần cơ thể, suy kiệt sức lực. Kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ, khoảng 100 TNXP thuộc Đội 34 và Đội 40 đã anh dũng hy sinh tại ngã ba Cò Nòi.

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 1: Ký ức của chiến sĩ giao liên ở 'cửa tử' Cò Nòi ảnh 2

Để tưởng nhớ những những cống hiến, hy sinh của lực lượng TNXP góp phần vào thắng lợi lẫy lừng của Chiến dịch Điện Biên Phủ, tỉnh Sơn La đã xây dựng tượng đài tưởng niệm tại ngã ba Cò Nòi. Ngày 22/10/2000, công trình được khởi công xây dựng, do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Sơn La làm chủ đầu tư. Sau gần 2 năm thi công, ngày 7/5/2002, công trình hoàn thành. Hai năm sau, ngày 29/4/2004, “Đài tưởng niệm TNXP” ngã ba Cò Nòi được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch) cấp Bằng xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia. Hiện nay, trên cung đường dẫn về Điện Biên, du khách thường dừng chân nơi đây để thắp hương, tưởng nhớ công lao của các cựu TNXP đã ngã xuống vì Tổ quốc.

Tượng đài được xây dựng với nhóm tượng 3 nam TNXP ở các tư thế khác nhau, hiên ngang chiến đấu dưới mưa bom bão đạn. Hai bên tượng đài có hai bức phù điêu khắc họa các hình ảnh thể hiện tinh thần “tất cả cho tiền tuyến”, “tất cả để chiến thắng” của quân và dân ta trước thực dân Pháp.

Tại đây còn có Nhà trưng bày, bảo quản 28 hiện vật, trong đó có 15 hiện vật và 13 tư liệu ảnh. Trong những hiện vật đó có lá “Thư gửi U” của một TNXP tái hiện những giây phút chiến đấu ác liệt, những lúc máy bay gào rít xé trời. Thư có đoạn viết: “Từ những ngày mở đường Tây Bắc, rồi chiến đấu gian khổ với bom đạn địch để đảm bảo giao thông cho Chiến dịch Điện Biên Phủ gay go, đơn vị con làm nhiệm vụ giữ đèo, khó khăn, gian khổ. Có những lần, con và anh em trong đơn vị rà, phá bom nổ chậm, trong lúc trên đầu máy bay địch đến bắn phá và thả hàng tấn bom hòng chặn đường tiếp tế của ta. Nhưng anh em trong đơn vị đã quyết tâm đảm bảo không để một đêm nào tắc cả…”.

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 1: Ký ức của chiến sĩ giao liên ở 'cửa tử' Cò Nòi ảnh 3
Thanh niên thắp hương tưởng nhớ những liệt sĩ tại Cò Nòi

Sống lại những tháng ngày quyết thắng

Tháng 2/1953 chàng thanh niên Lò Văn Pọm (SN 1931) ở bản Cò Nòi (huyện Mai Sơn) khi đó mới 22 tuổi đã xung phong vào đội du kích xã để tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Anh thanh niên Pọm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ với nhiệm vụ làm giao liên của tỉnh vì thông thuộc đường đi lối lại. Hằng đêm, anh dẫn bộ đội, dân công từ ngã ba Cò Nòi lên Thuận Châu (Sơn La). “Thanh niên lúc bấy giờ hăng say lắm. Cứ gọi “đi bộ đội nhé”, “đi dân công nhé” là chúng tôi lên đường thôi. Chúng tôi là lớp thanh niên tình nguyện đầu tiên của xã Cò Nòi. Cùng đi với tôi có ông San, ông Tám, ông Bum…, nhiều lắm!”, người giao liên đã ngoài 90, tóc bạc như cước bắt đầu câu chuyện.

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 1: Ký ức của chiến sĩ giao liên ở 'cửa tử' Cò Nòi ảnh 4
Ông Lò Văn Pọm

Sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Pọm trở về bán hàng cho Ty Thương nghiệp Sơn La, rồi được tỉnh chọn cho đi học các lớp nghiệp vụ. Sau đó, ông được cử về huyện Mai Châu làm cán bộ dân vận, rồi về xã Cò Nòi công tác đến khi nghỉ hưu.

Ông Pọm kể, những tháng bắt đầu chiến dịch Điện Biên Phủ, ngã ba Cò Nòi không một ngày nào vắng những trận bom oanh tạc. “Máy bay địch rải bom theo đợt, từ 6h đến 17h. Cứ vài tiếng lại có một tốp bay đến ném bom. Máy bay rải bom từ bản Cò Nòi lên đến quanh khu vực ngã ba đường. Rừng bao quanh ngã ba Cò Nòi trọc như nương vừa mới bị cày. Mỗi ngày có hàng trăm hố bom, lượt bom trước chưa kịp lấp thì lượt sau đã ập tới. Đêm xuống, dân công hỏa tuyến, TNXP lại nhanh chóng san lấp để xe vận tải kịp qua. Cứ thế, dòng thác người, xe chảy ngược lên Hát Lót, Nà Sản (địa danh thuộc huyện Mai Sơn, hướng lên phía Bắc, về phía Điện Biên - PV)… Lương thực, đạn dược của các đoàn vận tải từ Nam Hà, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An theo sông Mã lên Mộc Châu. Rồi các đoàn từ Yên Bái, Phú Thọ, Tuyên Quang (Chiến khu Việt Bắc) qua đèo Chẹn (đèo dài 11 km thuộc quốc lộ 37, địa phận xã Mường Khoa, huyện Bắc Yên, Sơn La), phà Tạ Khoa (qua sông Đà trên Quốc lộ 37 tại huyện Bắc Yên) đều phải qua Ngã ba Cò Nòi để chuyển lên các trạm tiền phương”, ông Pọm phân tích.

Nhiệm vụ của ông Pọm khi đó là dẫn đường cho bộ đội, thanh niên sơ tán vào các thung lũng để tránh bom vào ban ngày. Còn ban đêm, ông dẫn các đoàn đến các trạm hậu cần. Nhiều lần, ông dẫn đoàn vận lương lên tận khu vực Đèo Pha Đin (giáp ranh giữa Sơn La và Điện Biên ngày nay), rồi lại đón thương binh về. Dọc tuyến đường này, các đoàn phải thông qua hàng trăm trạm hậu cần. Cứ có rừng là có trạm hậu cần của ta, mỗi trạm cách nhau từ 20-30km.

“Lúc đó, bộ đội, dân công, TNXP… đông lắm, đi rầm rập suốt đêm, không lúc nào ngớt người. Mỗi đêm, mỗi đoàn chỉ đi được khoảng 20km vì đông người, hàng nặng, đường lên nhiều dốc. Cứ lên dốc cao, những xe thồ nặng 2-3 tạ phải có 2-3 người cùng nhau đẩy, hết xe này qua rồi lại tới xe khác. Người gánh thì gánh đạn, gánh lương thực nặng chừng 20-30kg. Qua các trạm, nếu mệt thì lại dừng chân nghỉ ở đó. Ở đây có cơm nắm. Đó là cơm nấu chín, cho vào vải xô bóp chặt. Mỗi người qua đều được chia 2 nắm, để ăn bữa sáng và chiều. Nước uống thì lấy ở dưới suối. Ngủ ở trạm thì lấy lá cây trải ra làm chiếu, rồi cứ để cả quần áo thế ngủ thôi. Muỗi, vắt cắn nhiều khiến nhiều người bị sốt rét…”. Nói đến đây, ông Pọm ngưng lại, rồi bảo: “Lúc đấy cũng sợ, cũng khổ lắm chứ. Nhưng thanh niên mà, quyết tâm là thắng!”.

Trong suốt hành trình giao liên ông đã vượt hàng nghìn cây số với vô số lượt dẫn bộ đội, dân công hỏa tuyến chi viện cho chiến trường.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG