70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 4: Vừa tải hàng vừa đánh biệt kích tại Tuần Giáo

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ngã ba Tuần Giáo là một điểm trung chuyển then chốt trên con đường tiếp tế cho chiến trường Điện Biên Phủ. Biết rõ điều đó, địch đã dùng nhiều hỏa lực, biệt kích và cả thổ phỉ để phá hoại…

Những đoàn người rầm rập trong đêm

Qua đèo Pha Đin, sang huyện Tuần Giáo (Điện Biên), chúng tôi tìm đến địa điểm quan trọng trong công tác vận chuyển, tiếp tế lương thực và đạn dược cho chiến trường Điện Biên Phủ. Đó là ngã ba Tuần Giáo (khối Tân Thuỷ, thị trấn Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên). Tại đây, chúng tôi được giới thiệu đến gặp ông Lò Văn Inh, 94 tuổi, nguyên là Bí thư Huyện ủy Tuần Giáo. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Inh từng là chiến sĩ công an làm nhiệm vụ bảo vệ, củng cố hậu phương trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 4: Vừa tải hàng vừa đánh biệt kích tại Tuần Giáo  ảnh 1

Ngã ba Tuần Giáo hiện nay ở khối Tân Thuỷ, thị trấn Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên

Ông Inh kể lại, bộ đội, pháo binh, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến… đi qua tuyến đường này rất đông. Bắt đầu từ khoảng 5 giờ rưỡi chiều, những đoàn người bắt đầu túa ra từ trong rừng, mang theo lương thực, thuốc men, vũ khí, đạn dược rồi băng qua đèo Pha Đin tới ngã ba Tuần Giáo là điểm trung chuyển. Từ đây, hàng tiếp tế tiếp tục được vận chuyển tới chiến trường Điện Biên Phủ. Người già, trung niên, thanh niên…, họ cứ rầm rập đi như vậy đến tờ mờ sáng rồi lại rút hết vào rừng ẩn náu, nghỉ ngơi, đợi đến khi mặt trời xuống núi lại hành quân tiếp.

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 4: Vừa tải hàng vừa đánh biệt kích tại Tuần Giáo  ảnh 2

Ông Lò Văn Inh

Lương thực, thuốc men, vũ khí, đạn dược được tiếp tế qua ngã ba Tuần Giáo đến từ các tỉnh miền Bắc và miền Trung như Hoà Bình, Nghệ An, Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Huế… và từ cả Trung Quốc viện trợ sang. Ai có gạo thì mang gạo, ai có trâu, có lợn thì dắt theo… Theo ông Inh, những người ủng hộ đều sẽ nhận được biên lai, sau khi chiến dịch kết thúc, Đảng và Nhà nước sẽ trả công cho họ bằng muối. Thời ấy, muối ở Điện Biên rất hiếm, phải đi vài trăm cây số sang Yên Bái mới mua được.

“Phương tiện vận chuyển phổ biến và hiệu quả nhất bấy giờ là xe đạp thồ. Chúng không cần nhiên liệu, dễ điều khiển, sửa chữa và nguỵ trang, phù hợp với nhiều địa hình từ đường lớn bằng phẳng tới những cung đường mòn nhỏ hẹp khúc khuỷu. Một chiếc xe đạp có thể chở từ 2 - 3 tạ hàng. Để giúp xe chở thêm hàng, người ta tháo yên xe và lắp thêm giá bằng sắt, gỗ hoặc tre ở phía sau. Phần ghi - đông được gắn thêm một que gỗ hoặc sào tre để điều khiển dễ dàng hơn; phần trục đứng của yên xe được cắm một cây gậy để đẩy xe về phía trước hoặc hãm xe lại khi xuống dốc. Phần khung xe được gia cố bằng cách hàn thêm sắt, buộc thêm gỗ; còn phần lốp được bọc thêm săm cũ và quấn thêm vải, quần áo cũ… ”, ông Inh nói.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có hơn hai vạn chiếc xe đạp thồ được sử dụng. Lực lượng xe đạp thồ được biên chế từng đoàn, mỗi đoàn có nhiều trung đội, mỗi trung đội từ 30 - 40 xe và có 1 xe chuyên chở phụ tùng thay thế, sửa chữa dọc đường. “Đội quân” xe đạp thồ đã vận chuyển được tổng cộng 20.125 tấn hàng tiếp tế cho chiến trường Điện Biên Phủ, trong đó có 14.950 tấn gạo, 3.000 tấn vũ khí, đạn và dầu, 268 tấn muối, 577 tấn thịt, 565 tấn thực phẩm và 177 tấn hàng khác.

Sự xuất hiện của đội quân xe đạp thồ là điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử chiến tranh của cả Việt Nam lẫn thế giới thời ấy. Nhiều năm sau, khi nhìn lại cuộc chiến Điện Biên Phủ khốc liệt năm nào, cả những tướng lĩnh của quân đội viễn chinh Pháp và những chuyên gia quân sự hàng đầu thế giới đã phải công nhận rằng người Việt Nam đã tiến hành một chiến dịch hậu cần tuyệt hảo mà họ cho là hoàn toàn không thể.

Ở ngã ba Tuần Giáo hiện nay vẫn còn một bức phù điêu làm bằng gốm, thể hiện cảnh nhân dân Tuần Giáo hăng hái vận chuyển hàng hoá tiếp tế cho tiền tuyến. Ở bên trái bức phù điêu khắc một dòng chữ: “Nhân dân Tuần Giáo đóng góp 130 tấn lương thực, 61 tấn thịt, 6.692 tấn rau xanh, 71.474 ngày công, 21.000 cây gỗ lát đường”.

Chống biệt kích và thổ phỉ

Biết ngã ba Tuần Giáo là điểm trung chuyển hàng tiếp tế quan trọng của ta, thực dân Pháp đã liên tục thả bom đạn xuống hòng cày nát nơi này. Gần như ngày nào cũng thấy máy bay ném bom của chúng bay qua, mỗi lần chúng thả tới vài chục quả bom. Không chỉ vậy, chúng còn sử dụng đội quân gián điệp biệt kích (GĐBK) gồm cả người Pháp lẫn người Việt để gây bạo loạn, phá hoại hậu phương của ta và cài người vào nội bộ, thu thập thông tin nhằm chỉ điểm tọa độ cho chúng bắn phá và ném bom.

Đó là lúc những chiến sĩ công an như ông Inh thực hiện nhiệm vụ của mình. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng Công an được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ bằng mọi giá phải bảo vệ an toàn tuyệt đối cho các lực lượng vũ trang, hậu cần tham gia chiến dịch cùng các lãnh đạo Trung ương Đảng, cơ quan đầu não kháng chiến và Bộ Chỉ huy chiến dịch. “Thứ Bộ Công an” (tên gọi của Bộ Công an lúc đó) đã xác định rõ: “Công tác bảo vệ chiến dịch Điện Biên Phủ là nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng Công an nhân dân trong giai đoạn này”.

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 4: Vừa tải hàng vừa đánh biệt kích tại Tuần Giáo  ảnh 3

Bức phù điêu lớn tại ngã ba Tuần Giáo

Ông Inh kể, thời ấy, khu vực Tây Bắc gồm các tỉnh Lai Châu cũ (sau này tách ra thành hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu), Lào Cai, Sơn La, Nghĩa Lộ (nay thuộc Yên Bái) và Hà Giang là nơi GĐBK hoạt động mạnh nhất. Chúng tập hợp thành những cụm phỉ lớn, thường xuyên gây bạo loạn ở các khu vực Tuần Giáo, Mường Lay (Điện Biên), Quỳnh Hồ (Sìn Hồ - Quỳnh Nhai), Mường Tè, Phong Thổ (Lai Châu). Chúng thu nạp thổ ty (quan lại cha truyền con nối thời xưa ở các miền dân tộc thiểu số - PV) và lính ngụy cũ, bắt ép thanh niên trai tráng trong làng phải theo phỉ. Có thời điểm, các toán phỉ đã chiếm gần hết các xã thuộc huyện Mường Tè rồi xây dựng hệ thống đồn bốt, công sự khống chế cả một vùng rộng hơn 8.000km2. Chúng đã giết hại nhiều người dân và cán bộ kháng chiến ở địa phương và cướp bóc nhiều chuyến hàng tiếp tế cho chiến trường Điện Biên Phủ.

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 4: Vừa tải hàng vừa đánh biệt kích tại Tuần Giáo  ảnh 4

Một số hình ảnh nhân dân Tuần Giáo tham gia vận chuyển hàng tiếp tế cho chiến trường Điện Biên Phủ được khắc trên bức phù điêu

Để ngăn chặn điều này, ông Inh cùng những chiến sĩ công an khác đã tổ chức nhiều cuộc truy bắt và tiêu diệt các toán GĐBK và toán phỉ lớn. Chẳng hạn, lực lượng công an Tây Bắc đã phá tan 5 tổ chức gián điệp do Pháp và Tưởng Giới Thạch gài lại; tiêu diệt 6 toán gián điệp biệt kích; bắt 70 tên gián điệp và hàng trăm tên do thám, chỉ điểm trên các tuyến đường hành quân và vận chuyển của bộ đội, dân công phục vụ chiến dịch. Hay năm 1953, lực lượng công an đã phá một toán GĐBK gồm 4 tên (đều là nữ) làm nhiệm vụ điều tra các hoạt động quân sự, các cơ quan đầu não và hoạt động chuyển quân từ Việt Bắc đến Tây Bắc. Sau khi bắt giữ chúng, các chiến sĩ công an đã khống chế và sử dụng toán gián điệp này để cung cấp thông tin giả nhằm đánh lạc hướng địch.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG