Ông Bùi Hữu Phong, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh Bình Dương, cho biết, đã gửi thông báo đến công nhân đang làm việc tại các công ty bị thiệt hại trong các vụ gây rối ở tỉnh này.
Theo đó, ngày 24/5, công nhân đến các cơ quan có trách nhiệm để nhận lại sổ bảo hiểm xã hội. Theo ông Phong, các công ty đóng chân ở địa bàn huyện, thị nào thì bảo hiểm xã hội địa phương đó có trách nhiệm dán thông báo và thông tin cho công nhân đến nhận lại sổ.
Riêng đối với trường hợp nghỉ thai sản, ốm đau chưa giải quyết trong tháng 3-4 thì mang theo hồ sơ gồm giấy chứng nhận nghỉ ốm, bản sao giấy khai sinh đối với công nhân nghỉ thai sản… để làm thủ tục hưởng các chế độ.
Ngày 22/5, ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đến các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bị thiệt hại tại tỉnh Bình Dương và Đồng Nai để thăm hỏi các chủ doanh nghiệp, đồng thời thông báo hàng loạt giải pháp hỗ trợ của Chính phủ.
Theo ông Phong, đến nay, Bảo hiểm Xã hội đã thu gom được 100 nghìn sổ bảo hiểm ở các doanh nghiệp bị thiệt hại, đồng thời đang phân loại để giải quyết chế độ.
“Chúng tôi đang phối hợp với các sở ngành để kiểm tra số lượng sổ bảo hiểm bị thiệt hại. Nếu cháy hoàn toàn, bảo hiểm xã hội sẽ cấp sổ lần hai cho họ”, ông Phong nói.
Theo thông báo từ UBND tỉnh Bình Dương, từ ngày 26 đến 31/5, lao động ở các đơn vị bị cháy hoàn toàn được cấp lại sổ lần hai và được bảo lưu để đăng ký bảo hiểm thất nghiệp.
“Các doanh nghiệp bị thiệt hại mà chủ đã về nước chưa giải quyết chế độ ốm đau, thai sản cho công nhân trong tháng 3-4 thì Bảo hiểm Xã hội tỉnh sẽ chi trả”, thông báo nêu rõ.
Theo ông Phong, số tiền phải chi đợt này là hơn 650 tỷ đồng, trong đó khoảng 150 tỷ đồng giải quyết chế độ thai sản và ốm đau. “Số tiền này đã được lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đồng ý cho tạm ứng từ quỹ của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam”, ông Phong cho hay.
Nhiều người chung tay
Nhiều ngày nay tại chợ Dĩ An (thị xã Dĩ An, Bình Dương), nhiều tiểu thương đã bán hàng giảm giá cho công nhân. Chị Nguyễn Thị Lan, 34 tuổi, công nhân Cty Beateue ở Khu công nghiệp Sóng Thần, cho biết, nhiều tiểu thương bán thực phẩm ở chợ đã giảm giá 20-30% cho công nhân.
Chị Hoàng Thị Trinh, bán hàng rau quả ở chợ Dĩ An, nói: “Thấy công nhân thất nghiệp cũng tội, vì vậy, khi họ ra mua đồ ở quầy tôi biết nên giảm giá. Người quen tôi cho họ nợ tiền đến khi nào có việc làm lại thì trả”. Bà Trần Thị Mười, chủ 5 phòng trọ ở khu công nghiệp Nam Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, cho biết, nhiều công nhân nợ tiền phòng trọ tháng 4 được giảm 50% tiền phòng.
“Tôi hứa khi nào họ nhận được tiền trợ cấp mới lấy”, bà Mười nói. Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, hưởng ứng lời kêu gọi chia sẻ khó khăn với công nhân, nhiều chủ phòng trọ ở gần các khu công nghiệp Đồng An, Sóng Thần, Việt Hương… cũng hoãn thu tiền trọ, thậm chí không lấy tiền phòng trong tháng 5 đối với công nhân thất nghiệp.
Ông Trần Văn Hoạt, chủ khu trọ ở khu phố Đồng An II, cho biết đã chính thức thông báo cho 50 công nhân ở đây là sẽ không lấy tiền điện, nước trong tháng 5, đồng thời sẽ hoãn thu tiền trọ đến hết tháng 6.
Những ngày qua, Liên đoàn Lao động tỉnh cũng yêu cầu các công đoàn cơ sở rà soát những lao động có hoàn cảnh khó khăn, cả vợ chồng mất việc hoặc đang có con nhỏ, ốm đau để hỗ trợ với định mức 300-500 ngàn đồng/người. Theo bà Trương Thị Bích Hạnh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Bình Dương, đơn vị này sẽ tích cực liên hệ với các doanh nghiệp cần lao động để sớm giải quyết việc làm cho số lao động thất nghiệp.Hà Nội: DN Trung Quốc, Đài Loan hoạt động ổn định
Chiều qua, ông Nguyễn Xuân Chính, Trưởng ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp Trung Quốc, Đài Loan, trên địa bàn vẫn hoạt động ổn định.
“Trước diễn biến tại các khu công nghiệp, khu kinh tế của tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh, một số doanh nghiệp có người lao động Trung Quốc, Đài Loan có tâm lý lo lắng, dao động”, ông Chính cho hay.
Hiện nay, Hà Nội có 35 doanh nghiệp có chủ đầu tư hoặc người đại diện theo pháp luật là người Trung Quốc, Đài Loan. Dự kiến ngay trong tháng 5/2014, lãnh đạo thành phố sẽ có buổi đối thoại với công nhân, nhà đầu tư đang làm việc tại các khu công nghiệp của thành phố, để chia sẻ khó khăn, lắng nghe tâm tư.
Minh Tuấn