VND tăng giá
“VND tiếp tục hồi phục, tính chung từ đầu năm VND tăng giá +0.11% so với USD “ đó là diễn biến của USD trên thị trường tiền tệ tuần qua.
Theo nhóm phân tích, diễn biến đồng USD phụ thuộc vào hành động của FED nên khi niềm tin giảm lãi suất được củng cố, đồng USD đã quay đầu giảm sau khi phục hồi tuần trước đó nhờ thông tin tích cực từ báo cáo việc làm. Chỉ số DXY giảm 0.5 điểm xuống 96.8, trong tuần, EUR và GBP cùng lên giá 0.4%, JPY lên giá 0.5%, CHF lên giá 0.8%.
Mỹ và Trung Quốc chưa có tiến triển đáng kể ngoài cuộc điện đàm đầu tiên của đại diện 2 bên từ sau khi đình chiến vào cuối tháng 6. Đồng CNY được hỗ trợ từ sự yếu đi của USD, tỷ giá hiện ở mức 6.8808 CNY/USD – giảm 0.2% so với cuối tuần trước, về sát mức 6.8785 tại cuối năm 2018.
VND tiếp tục lên giá so với USD trong tuần qua, tỷ giá giao dịch USD/VND giảm 50đ/USD, về 23.140/23.260 trên ngân hàng và giảm 30đ/USD, về 23.200/23.220 trên thị trường tự do.
Như vậy, sau 5 tuần, VND lấy lại toàn bộ phần mất giá so với USD trong đợt sóng trước đó, mức tỷ giá hiện tại thậm chí đã thấp hơn tỷ giá tại cuối năm 2018 là 0.11%. Tỷ giá trung tâm giảm 2đ/USD so với tuần trước, ở mức 23.059đ/USD, cao hơn 234đ/USD – tương đương 1.03% so với thời điểm cuối năm 2018. Tỷ giá mua vào của NHNN giữ nguyên ở mức 23.200đ/USD – hiện đã cao hơn tỷ giá mua vào của NHTM tới 60đ/USD và đã ghi nhận các giao dịch bán ngoại tệ về NHNN.
Trong bối cảnh quốc tế chưa có nhiều biến động, chênh lệch lãi suất VND-USD trên liên ngân hàng vẫn được duy trì ở mức 0.8%, cung cầu ngoại tệ ổn định, tỷ giá USD/VND sẽ duy trì ổn định, dao động quanh 23.200đ/USD.
Lãi suất ổn nhưng vẫn có xu hướng tăng
Tuần qua, NHNN hút ròng tổng cộng 14 nghìn tỷ qua kênh tín phiếu, kênh OMO không phát sinh giao dịch và hiện có số dư bằng 0. Lãi suất trên liên ngân hàng hiện ở mức 3.2% với kỳ hạn qua đêm và 3.3% với kỳ hạn 1 tuần, chênh lệch lãi suất VND-USD trên liên ngân hàng duy trì ở mức 0.7-0.9%/năm.
Ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2019 thặng dư 79.3 nghìn tỷ đồng (theo Bộ Tài chính) là một yếu tố gián tiếp khiến cho nguồn cung VND dồi dào, góp phần giữ mặt bằng lãi suất ổn định ở 3.2-3.6%/năm từ đầu tháng 5.
Theo NHNN, tỷ trọng tín dụng/huy động của toàn hệ thống 5 tháng đầu năm 2019 dao động ở mức 89-90.3%, cao hơn mức bình quân 88% của năm 2018 do chỉ số này tăng mạnh ở khối các NHTM cổ phần (từ 82.5% bình quân năm 2018 lên 84.5%-86.2%trong 5 tháng đầu năm 2019) và duy trì ở mức rất cao tại các NHTM nhà nước (93.4-95.3%).
Qua đó có thể thấy, nhu cầu huy động vốn của hệ thống ngân hàng vẫn rất lớn, đặc biệt là ở khối các NHTM cổ phần. Lãi suất huy động thị trường 1 vì vậy vẫn duy trì trạng thái đi ngang, 4.1%-5.5% với kỳ hạn dưới 6 tháng; 5.5-7.45% với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng; 6.4-7.9%/năm với kỳ hạn 12,13 tháng.
Phiên điều trần ngày 10/7 của JeromePowell đã củng cố niềm tin FED chắc chắn (100%) sẽ giảm lãi suất vào cuối tháng này, trong đó 30% tin rằng FED sẽ giảm tới 0.5%. Không chỉ FED, NHTW Nhật Bản, NHTW Anh, NHTW Châu Âu cũng đều đưa ra tín hiệu về phương án giảm lãi suất. Một số NHTW thực tế đã giảm lãi suất như Úc, Ấn Độ, Nga, Chi-le… để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Mặt bằng lãi suất toàn cầu giảm xuống sẽ giảm áp lực với lãi suất huy động và cho vay trong nước.