1. Việt Nam nhất toàn đoàn SEA Games 32
Kết thúc đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 32 tại Campuchia, Việt Nam giành vị trí nhất toàn đoàn với 136 HCV, 105 HCB, 114 HC, vượt chỉ tiêu đề ra. Đây là lần thứ 2 liên tiếp Việt Nam dẫn đầu khu vực, và là lần đầu tiên đứng ngôi số 1 ở kỳ SEA Games không phải chủ nhà. Hai lần về nhất trước đó của Việt Nam đều diễn ra trên sân nhà gồm SEA Games năm 2021 và 2003.
Dù đội tuyển bóng đá nam U22 Việt Nam không bảo vệ được tấm HCV SEA Games 32 nhưng đội tuyển nữ vẫn duy trì được sức mạnh, giữ được ngôi hậu trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, đây cũng là kỳ đại hội một số nội dung thế mạnh thuộc chương trình thi đấu Asiad và Olympic của Việt Nam có dấu hiệu sa sút như điền kinh, bơi lội.
Điểm nhấn trong bảng thành tích của đoàn TTVN là 3 tấm HCV của VĐV điền kinh Nguyễn Thị Oanh, tạo nên nguồn cảm hứng lớn với cộng đồng.
2. Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam dự FIFA World Cup 2023
Đây là sự kiện mang tính lịch sử với bóng đá Việt Nam khi lần đầu tiên đội tuyển bóng đá nữ giành quyền tham dự một kỳ World Cup. Dưới sự dẫn dắt của HLV Mai Đức Chung, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đã trải qua hành trình vượt khó ấn tượng, qua đó giành vé tới FIFA World Cup 2023, diễn ra tại New Zealand và Úc.
Kết quả bốc thăm đưa đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam vào bảng đấu “tử thần” với sự hiện diện của đương kim vô địch Mỹ và Á quân Hà Lan và đội còn lại là Bồ Đào Nha. Trước các đối thủ trên tầm, đội tuyển nữ Việt Nam thua cả 3 trận, không ghi được bàn nào và thủng lưới 12 bàn. Bất chấp điều đó, màn trình diễn của thầy trò HLV Mai Đức Chung vẫn nhận được sự tưởng thưởng, đánh giá cao của người hâm mộ.
Việc tham dự FIFA World Cup cũng tạo hiệu ứng tích cực đối với bóng đá Việt Nam. Nhiều hãng truyền thông lớn trên thế giới đã đưa tin về bóng đá Việt Nam với các gương mặt điểm nhấn như HLV Mai Đức Chung, Thanh Nhã, Huỳnh Như…, qua đó góp phần quảng bá hình ảnh đất nước.
3. Hoàn thành chỉ tiêu Asiad 19 nhưng không vui
Tại Asiad 19 ở Hàng Châu (Trung Quốc), đoàn TTVN đoạt 3 HCV, hoàn thành chỉ tiêu đặt ra. Tuy nhiên, kết quả này vẫn bị đánh giá là thất bại khi các môn trọng điểm đầu tư cho Olympic là bơi lội, điền kinh không giành kết quả tốt. Đặc biệt, điền kinh gây thất vọng khi những gương mặt kỳ vọng đều thi đấu không thành công. Kết quả đặt ra yêu cầu một cuộc cách mạng về tuyển chọn, đào tạo và nâng cấp cơ sở vật chất phát triển môn điền kinh khi những VĐV tốt nhất đều ở giai đoạn bên kia sườn dốc.
Tấm HCV nội dung 10m súng ngắn hơi nam của xạ thủ Phạm Quang Huy là một bất ngờ và niềm vui lớn. Bên cạnh đó, kình ngư Huy Hoàng cũng giúp vơi bớt nỗi buồn khi giành HCĐ cự ly 400m tự do. Đây là những điểm sáng hiếm hoi của đoàn thể thao Việt Nam ở Asiad 19.
Thành tích tại Asiad 19 được đánh giá là hồi chuông báo động với thể thao Việt Nam khi bước ra đấu trường châu lục. Dù giành kết quả tích cực các kỳ SEA Games gần đây nhưng ở những đấu trường lớn hơn như Asiad và Olympic, Việt Nam lại thua sút so với nước bạn. Ngành thể thao vừa qua tổ chức hội nghị nhằm đánh giá thực trạng, xây dựng chiến lược phát triển thể thao thành tích cao.
4. HLV Philippe Troussier khởi đầu khó khăn với các ĐTQG
Sau khi chia tay HLV Park Hang-seo, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) ký hợp đồng thời hạn 3,5 năm với HLV Philippe Troussier. Bản hợp đồng được chờ đợi sẽ giúp bóng đá Việt Nam nâng tầm, với tham vọng giành suất tham dự World Cup 2026.
HLV Troussier có bản lý lịch “khủng” nhất trong các đời HLV ngoại đội tuyển Việt Nam, từng ghi dấu ấn ở nhiều ĐTQG và có thời gian dài làm việc tại Việt Nam. Đây là cơ sở để VFF chờ đợi vị HLV người Pháp sẽ đem lại thành công mới.
Tuy nhiên, những thay đổi ở đội tuyển Việt Nam của ông Troussier tạo nên khá nhiều tranh cãi. Ông Troussier đã gạt ra ngoài kế hoạch khá nhiều gương mặt trụ cột của đội tuyển Việt Nam, sử dụng nhiều cầu thủ trẻ, xây dựng lối chơi mới với ưu tiên kiểm soát bóng, tấn công nhiều hơn. Dù vậy, kết quả các trận đấu đầu tiên của đội tuyển Việt Nam dưới thời ông Troussier hiện chưa thực sự tích cực.
5. V-League đổi lịch thi đấu như các giải châu Âu
Mùa giải 2023 sẽ kết thúc sớm để mùa giải 2023/2024 của giải bóng đá VĐQG bắt đầu vào tháng 11/2023, kết thúc vào tháng 6/2024. Như vậy thay vì diễn ra trong 1 năm, từ năm 2024 giải VĐQG sẽ kéo dài qua 2 năm, tương tự các giải bóng đá VĐQG châu Âu.
Quyết định được BCH Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) thông qua theo khuyến cáo của AFC, giúp tối ưu hoá lịch thi đấu các giải, đồng bộ thị trường chuyển nhượng châu Á và châu Âu.
Một thay đổi khác có tính bước ngoặt từ mùa giải này là VPF bắt đầu áp dụng công nghệ hỗ trợ trọng tài video (VAR) ở V-League. Kế hoạch nhằm giảm áp lực lên các trọng tài, tăng độ chính xác và chuyên nghiệp của giải đấu. Với sự hỗ trợ và cấp phép từ FIFA, V-League 2023/2024 đang triển khai áp dụng VAR hướng đến cho toàn bộ các trận đấu.