Chất và lượng Thể thao Việt Nam nhìn từ Asiad 19

TPO - Xét về thành tích, đoàn thể thao Việt Nam có thể nói đã hoàn thành chỉ tiêu ở Asiad 19 với tấm HCV thứ 2 đến trong ngày hôm qua, nhưng vì sao kết quả này lại khiến nhiều người lo hơn là vui?
Chất và lượng Thể thao Việt Nam nhìn từ Asiad 19 ảnh 1

Đến chiều qua đoàn Việt Nam đã giành tổng cộng 20 huy chương, gồm 2 HCV, 3 HCB và 15 HCĐ. Hai HCV thuộc về bắn súng của xạ thủ Phạm Quang Huy (10m súng ngắn hơi) và đội tuyển cầu mây nữ. Nếu chiểu theo mục tiêu công bố trước khi tham dự Asiad 19 là đoạt 2-5 HCV thì đoàn thể thao Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên nhìn kết quả này lại khiến nhiều người trong giới không vui mà lại lo lắng, vì sao?

Đầu tiên cần thấy nếu so với Asiad 18 tại Indonesia cách đây 5 năm, kết quả trên của Việt Nam đã tụt lùi. Tại Asiad 18 Việt Nam đã đoạt tới 5 HCV, trong đó đáng kể nhất là HCV nhảy xa của Bùi Thị Thu Thảo. Đây là kỳ đại hội thành công nhất của Việt Nam.

Về tổng thể nếu so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, thành tích tại Asiad 19 của Việt Nam cũng kém nhóm đầu. Đơn cử Thái Lan đứng thứ 7, đoạt tới 49 huy chương các loại, gồm 10 HCV. Trong khi đó chỉ cách đây vài tháng tại SEA Games 32, Việt Nam còn xếp trên Thái Lan ở bảng thành tích. Tương tự, Indonesia xếp thứ nhì khu vực Đông Nam Á với 6 HCV, Malaysia 4 HCV, Singapore 3 HCV, đều đứng trên Việt Nam. Chúng ta chỉ ngang số HCV so với Philippines.

Điều này cho thấy dù phát đi thông điệp mạnh mẽ đặt trọng tâm vào các nội dung Asiad và Olympic nhưng sự chuyển biến của Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực có dấu hiệu hụt hơi.

Chất và lượng Thể thao Việt Nam nhìn từ Asiad 19 ảnh 2

Việt Nam trở nên nhỏ bé khi bước ra đấu trường châu lục, dù 2 kỳ SEA Games liên tiếp dẫn đầu Đông Nam Á (ảnh Lượng Bùi)

Sự sa sút của Việt Nam tại Asiad 19 có thể nhìn qua môn điền kinh khi không nội dung nào chúng ta gặt hái được huy chương. Các nội dung được chờ đợi như 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật của Nguyễn Thị Oanh, 4x400m của tổ tiếp sức Nguyễn Thị Huyền hay nhảy xa của Bùi Thu Thảo đều thất bại. Đành rằng kết quả này không quá bất ngờ bởi các đối thủ ở Asiad 19 đều quá mạnh, đặc biệt là Bahrain với dàn VĐV nhập tịch gốc châu Phi, nhưng thành tích cá nhân các VĐV đầu tụt lùi là tín hiệu xấu.

Điểm sáng của Việt Nam có lẽ là 2 tấm HCĐ của Nguyễn Huy Hoàng ở môn bơi lội và tấm HCV 10m súng ngắn hơi của Phạm Quang Huy. Nhưng chừng đó là quá ít và nó cũng cho thấy sự thiếu bền vững của thể thao Việt Nam. Cơ hội tranh đoạt huy chương ở hầu hết môn đều chỉ 50-50. Trên thực tế ngành thể thao cũng phải nâng lên đặt xuống khi đưa ra chỉ tiêu 2-5 HCV.

Một quốc gia mạnh thì người dân phải phát triển đầy đủ cả trí và lực, thể chất cũng như tâm hồn. Nâng cao thể trạng người Việt là mục tiêu chiến lược lâu dài, nhưng nhìn vào sự phát triển của thể thao Việt Nam, mức độ được đầu tư hiện tại thì có quá nhiều vấn đề gây lo lắng. Kết quả tại Asiad 19 liệu có là tiếng chuông cảnh tỉnh đủ mạnh với ngành thể thao nói riêng cũng như Việt Nam ở góc độ phát triển quốc gia?

MỚI - NÓNG