Theo IB Times, Ryan Lee đang đi dạo trên bãi biển ở thị trấn Old Lyme, bang Connecticut, Mỹ, hôm 13/1 thì phát hiện xác một con vật đang thối rữa có hình dạng như chó sói. Anh chụp và đăng lên Eyewitness News, thu hút hơn 250.000 lượt xem chỉ sau 24 giờ. Ảnh: wfsb.com/Ryan Lee
Các chuyên gia tại Cơ quan Bảo vệ môi trường và Năng lượng Mỹ nhận định xác "quái vật" trên là một động vật có vú, không phải là sinh vật biển. Tuy nhiên, chính xác nó là sinh vật gì thì vẫn còn là một bí ẩn. Có người cho rằng nó là xác phân hủy của một con sói, chồn hôi hoặc là một con gấu nhỏ. Công ty công trình địa phương đã dọn sạch xác sinh vật để tránh làm ô nhiễm môi trường. Ảnh: wfsb.com/Ryan Lee
Hồi tháng 2/2014, một con sứa to bất thường có đường kính 1,5 m dạt vào bãi biển Tasmanian thuộc Australia. Các nhà khoa học chưa rõ đây là loài sứa gì và tạm gọi nó là whopper. Nó có thể là họ hàng với loài sứa bờm sư tử (Cyanea capillata) được biết đến là loài sứa lớn nhất thế giới có đường kính cơ thể lên tới ba mét. "Việc phát hiện sứa to bất thường này khiến chúng tôi cần phải tìm hiểu thêm nhiều về sự sống đại dương", nhà khoa học Lisa Gershwin, làm việc tại Tổ chức nghiên cứu khoa học và Công nghiệp liên bang Australia, nói. Ảnh: BBC
Hồi tháng 6/2015, một sinh vật thân mềm màu hồng giống như sứa lượn lờ gần một miệng phun thủy nhiệt thuộc vùng biển Galapsgos, Ecuador được tàu thăm dò EV Nautilus (Canada) ghi hình gây hiếu kỳ cho các nhà khoa học. Họ thật sự không biết nó là sinh vật gì nên tạm gọi là "Pink Blob" - vật màu hồng lượn lờ trong biển. Ảnh: EV Nautilus
Trong tháng 2/2014, ngư dân Aleks Korobov trong lúc đánh bắt cá tại sông Northern Dvina thuộc tây bắc nước Nga đã bắt được một con cá có hàm răng như răng người. Ảnh: NTV Television
Các nhà khoa học tại Viện nghiên cứu thủy sản và Hải dương học Nga vẫn chưa rõ đây là loài cá gì, phỏng đoán nó có họ hàng với loài cá ăn thịt piranha sống ở lưu vực sông Amazon. Ảnh: NTV Television
Năm 2013, sau khi phân tích mẫu băng được khoan từ độ sâu hơn ba km từ hồ băng Vostok ở Nam Cực, các nhà khoa học bất ngờ khi phát hiện có sự sống tồn tại bên trong. "Dạng sống vi khuẩn chúng tôi thu thập được sau khi loại tất cả các chất ô nhiễm trong quá trình khoan lấy mẫu băng và qua kết quả kiểm tra ADN cho thấy nó không giống với bất kỳ dạng sống vi khuẩn nào trong cơ sở dữ liệu nghiên cứu loài", nhà khoa học Sergei Bulat tại Viện Khoa học hạt nhân St Petersburg (Nga) cho biết. Mô hình khoan lấy mẫu băng ở hồ Vostok. Ảnh: Nature.