5 điều thú vị từ 'Hồi ký Tiến sĩ Lê Thẩm Dương'

5 điều thú vị từ 'Hồi ký Tiến sĩ Lê Thẩm Dương'
TPO - Cuốn sách được dự đoán gây chú ý nhất năm 2019 “Hồi ký Tiến sĩ Lê Thẩm Dương” đã ra mắt bạn đọc đúng ngày 8/3/2019. Đây là cuốn sách thứ ba của TS Lê Thẩm Dương, hai cuốn sách trước của ông là “Cảm xúc là kẻ thù số một của thành công” và “Người truyền cảm hứng” đã lọt vào nhóm sách bán chạy nhất Việt Nam trong năm 2018.

1.Sách được viết theo yêu cầu của bạn đọc. Theo TS Lê Thẩm Dương, cuốn sách đã được chỉnh sửa nhiều lần theo yêu cầu của bạn đọc. Có những nội dung có vẻ như không phù hợp với thể loại hồi ký, nhưng vì nhiều người hâm mộ yêu cầu quá nên ông vẫn quyết định đưa vào sách (Thế nào là một phụ nữ đẹp?).

Hiện tại số lượng người hâm mộ TS Lê Thẩm Dương trên các kênh mạng xã hội do báo Sinh Viên Việt Nam – Hoa Học Trò và Tổ chức giáo dục Langmaster quản lý đã lên tới gần 10 triệu người. Tâm sự với các phóng viên trong buổi họp báo ra mắt sách tại Hà Nội, TS Lê Thẩm Dương cho biết thực chất ông chưa muốn viết sách nhưng đôi khi không thích vẫn phải làm nếu việc đó là cần thiết cho bạn đọc, đặc biệt là những người hâm mộ ông. TS Lê Thẩm Dương khẳng định ông không viết sách để nổi tiếng hay để kiếm tiền.

2.Hồi ký toàn nói về thất bại. Không ít độc giả dự đoán TS Lê Thẩm Dương sẽ nói về con đường dẫn đến thành công của ông, nhưng thực tế trong cuốn hồi ký ông toàn nói về các thất bại: Chủ quan khi làm bài thi đại học nên thiếu 0,5 điểm để đi học nước ngoài; đi buôn lậu bị công an bắt; suýt bị người yêu bỏ vì định vị sai bản thân; ngông nghênh khi đi nhận việc suýt bị đuổi; ...

TS Lê Thẩm Dương cho biết ngày xưa ông không may mắn được đọc hồi ký của những người thành công đi trước, ông mong muốn những người hâm mộ ông, đặc biệt là những người trẻ, sớm được tiếp cận những bài học thất bại của ông để không mắc phải những sai lầm như ông đã mắc phải trong quá khứ.

Từ những trải nghiệm của bản thân, TS Lê Thẩm Dương cho rằng thành công tạo ra đam mê, có thành công thì mới có đam mê, càng thành công thì lại càng đam mê, ai nói đam mê tạo thành công là không chính xác.

3.Với tình yêu thật, vợ chồng sẽ cùng nhau vượt qua tất cả. Nội dung được bạn đọc chờ đợi nhất trong hồi ký là phần TS Lê Thẩm Dương nói về tuổi trẻ và tình yêu của mình. Người yêu đầu tiên cũng là vợ của ông xuất thân trong một gia đình gia giáo và rất xinh gái. Học cùng nhau từ bé tại trường Thái Thịnh (Hà Nội), lên đại học thì mỗi người một trường.

TS Lê Thẩm Dương học trường Đại học Kinh tế Quốc dân còn vợ ông học trường Đại học Ngoại thương. Trong một lần sang trường Đại học Ngoại thương thi đấu bóng đá, ông gặp lại vợ ông trong đội hình cổ vũ của trường Đại học Ngoại thương với nhan sắc nổi bật.

TS Lê Thẩm Dương kể lại rằng thời ông yêu vợ ông, nói chuyện phải nói ở phòng khách với sự chứng kiến của bố vợ tương lai (để tránh tiêu cực). Khi vừa tốt nghiệp đại học, công ăn việc làm chưa ổn định, bố mẹ hai bên đã muốn tổ chức đám cưới. Năm đó ông và vợ mới 22 tuổi. Hai vợ chồng ở cùng bố mẹ và cậu em trai trong căn hộ 16m2. Năm trước lấy vợ thì năm sau có con đầu lòng. Kinh nghiệm sống thiếu, tài chính thiếu, thiếu thốn trăm bề nhưng bằng tình yêu thật, tình cảm thật, vợ chồng ông đã vượt qua tất cả.

4.Cách dạy con hiệu quả nhất là làm gương cho con. Sách “Hồi ký Tiến sĩ Lê Thẩm Dương” có 8 phần thì phần 4 có tên “Dạy con chưa bao giờ dễ” chắc chắn sẽ đem lại cho các bậc phụ huynh nhiều kinh nghiệm quý giá trong việc dạy con. TS Lê Thẩm Dương đưa ra ba nguyên tắc dạy con.

Thứ nhất luôn phải nhớ câu: Cha mẹ sinh con trời sinh tính. Thứ hai là xoáy vào lao động. Thứ ba là tuyệt đối không đánh con. Ông cho rằng giáo dục nói chung, giáo dục con cái nói riêng có nhiều cách, nhưng cách tốt nhất là không giáo dục gì cả. Hãy là tấm gương cho con. Đơn giản mà lại không hề đơn giản.

Vấn đề nằm cả ở chỗ “tấm gương”. Qua câu chuyện của các con mình, TS Lê Thẩm Dương cũng khẳng định không phải cứ cho con đi du học là tốt, cha mẹ chỉ nên chia sẻ phân tích tình hình cùng con và hãy để các con quyết định, kể cả trong việc chọn nghề cũng vậy.

5.Nghệ thuật đỉnh cao của marketing là không marketing. Trong khi hầu hết các giảng viên chỉ tập trung đi dạy học thì TS Lê Thẩm Dương đã đi làm diễn giả. Khi giảng viên đi làm diễn giả thì TS Lê Thẩm Dương đã nổi như cồn trên mạng xã hội với biệt danh “Thầy giáo quốc dân”.

Khi mọi người biết tận dụng mạng xã hội để làm hình ảnh thì TS Lê Thẩm Dương đã lên các chương trình truyền hình chính luận. Khi mọi người lên các chương trình truyền hình chính luận thì TS Lê Thẩm Dương lại xuất hiện trên các chương trình truyền hình giải trí thu hút rất đông người xem...

Có vẻ như các bước làm thương hiệu của TS Lê Thẩm Dương rất bài bản, chuyên nghiệp: Luôn là người đầu tiên (theo đúng nguyên lý của marketing). Tuy vậy, trong cuốn hồi ký, TS Lê Thẩm Dương tâm sự ông đến với báo đài với mục đích đầu tiên là để đóng góp một chút gì đó cho cộng đồng, chứ không phải để làm thương hiệu cá nhân. Dù là một chuyên gia về marketing, nhưng ông chưa cần dùng đến bất cứ chiêu thức marketing nào cho bản thân mình.

Sách “Hồi ký Tiến sĩ Lê Thẩm Dương” được nhà báo Nguyễn Tuấn Anh – Thư ký toà soạn báo Sinh Viên Việt Nam - chấp bút, gồm 8 phần: Tại sao tên tôi là Thẩm Dương; Bước ngoặt vào Nam; Định vị bản thân; Dạy con chưa bao giờ dễ; Thế nào là một phụ nữ đẹp; Những câu hỏi ai cũng muốn hỏi; Những cuộc phỏng vấn truyền cảm hứng; Phụ lục. Sách có bìa cứng, bìa áo, 300 trang ruột màu, giá bìa 280.000 đồng. Sách do báo Sinh Viên Việt Nam- Hoa Học Trò và Tổ chức giáo dục Langmaster phát hành.

MỚI - NÓNG