Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ngày 15/7, 44 quốc gia đã đệ trình thư chung và bốn quốc gia trình thư riêng lên Tổng Giám đốc WHO - Tedros Adhanom Ghebreyesus để bày tỏ quan điểm về vấn đề nguồn gốc COVID-19.
Trong thư, các quốc gia nhấn mạnh virus là kẻ thù chung mà nhân loại đang phải đối mặt, và dịch bệnh chỉ có thể bị khống chế bằng nỗ lực chung của toàn cầu.
Bức thư chỉ ra rằng báo cáo chung của WHO – Trung Quốc về nguồn gốc COVID-19 phải là nền tảng và cẩm nang cho việc truy tìm nguồn gốc virus trên thế giới.
Thư cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế không chính trị hóa cuộc điều tra, và thúc đẩy các nước thành viên WHO hợp tác theo tinh thần nghị quyết của Đại hội đồng Y tế Thế giới.
“Ngay từ khi bắt đầu bùng phát dịch, Trung Quốc đã có thái độ làm việc khoa học, chuyên nghiệp, nghiêm túc và có trách nhiệm. Tuy nhiên trong một thời gian dài, nhiều quốc gia, dẫn đầu là Mỹ, đã kì thị dịch bệnh, gắn yếu tố địa lý cho virus và chính trị hóa việc nghiên cứu nguồn gốc. Trong thư chung, các nước đã lên tiếng ủng hộ công lý. Điều này hoàn toàn trái ngược với động thái của Mỹ và một số nước khác bị Mỹ lôi kéo”, trích tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Cùng ngày, người đứng đầu WHO cho biết cuộc điều tra về nguồn gốc đại dịch COVID-19 ở Trung Quốc đang bị cản trở do thiếu dữ liệu ban đầu về những ngày đầu tiên virus lây lan.
“Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc minh bạch, cởi mở và hợp tác”, ông Tedros nhấn mạnh. “Chúng tôi nợ mọi người – những người bị ảnh hưởng và đã qua đời vì dịch bệnh – một câu trả lời.”
Đáp trả lời kêu gọi của WHO, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng “một số dữ liệu không thể được sao chép hoặc mang ra khỏi Trung Quốc vì liên quan đến thông tin cá nhân”.
Trước đó, nhóm nghiên cứu do WHO dẫn đầu đã dành bốn tuần khảo sát ở Vũ Hán và nhiều khu vực khác để tìm hiểu về nguồn gốc virus SARS-CoV-2. Sau cuộc khảo sát, WHO và Trung Quốc công bố báo cáo chung, cho biết khả năng virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm “là cực kì khó xảy ra”. Nhưng nhiều quốc gia, bao gồm Mỹ, không hài lòng với kết luận này.
Trung Quốc đã nhiều lần gọi giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán là “cáo buộc vô lý”. Bắc Kinh khẳng định việc chính trị hóa vấn đề này sẽ cản trở cuộc điều tra.