Những ngày cuối tháng 7, chúng tôi về Vị Xuyên. Tình cờ gặp ông Hoàng Thế Cương (thị trấn Việt Lâm, Vị Xuyên) nguyên là Đại đội trưởng Đại đội 6, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 153, Sư đoàn 356 ngồi ôn lại kỷ niệm chiến trường với đồng đội Nguyễn Xuân Đệ, nguyên là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 5, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 149, Sư đoàn 356.
Kể về trận địa năm xưa và để những người trẻ chúng tôi hiểu thêm về cuộc chiến, ông Cương dùng bộ ấm chén uống trà mô phỏng lại những điểm cao 1509, 772, 685…
“Ngày đó, sư đoàn 356 chúng tôi được giao đánh cao điểm 772. Trung đoàn của đồng chí Đệ phòng ngự ở điểm 1.100 sẵn sàng đánh chi viện chặn địch…”, ông Cương nói.
Theo ông Cương, đây là các cao điểm, độ dốc rất lớn, thời tiết tháng 7 liên tục mưa và sương mù.
“Các quả đồi khi đó bị đạn pháo cày xới không còn cây cỏ, núi đá trắng như vôi. Sức nóng từ những quả pháo đốt cháy hết. Có những chỗ một mét vuông trúng tới 3 quả đạn pháo”, ông Cương tiếp lời.
Kể về những đồng đội đã ngã xuống trong ngày bi tráng 12/7/1984, giọng người cựu binh như trầm xuống nghẹn ngào: “Trận 12/7 tại điểm 772 có 592 anh em hy sinh. Trong đó, nhiều người còn rất trẻ, độ tuổi 18, chưa kể những người khai thêm tuổi để đi lính lúc hy sinh chỉ 16 - 17 tuổi…”.
Theo lời ông, sau ngày 12/7, cuộc chiến vẫn tiếp nối sự khốc liệt, đau thương, nhưng những người lính vẫn kiên cường bám giữ các chốt điểm và phản kích quân địch.
Cũng từng tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc với nhiệm vụ nghiên cứu chiến trường, thăm dò chiến lược, chiến thuật của địch, ông Đỗ Chí Hiến (tổ 11, thị trấn Vị Xuyên) chia sẻ từng là lính đặc công vùng Đông Nam bộ, sau khi kết thúc kháng chiến chống Mỹ, ông đi học và công tác tại phòng 2 Cục II, Bộ quốc phòng.
“Năm 1979, xảy ra chiến tranh biên giới, tôi cùng một số cán bộ của Cục II được phân công đi nghiên cứu tình hình chiến trường. Chúng tôi có nhiệm vụ thăm dò, tìm hiểu chiến lược, chiến thuật của địch để có phương án đối phó và cách đánh cho các đơn vị tác chiến”, ông Hiến chia sẻ.
Từng trèo đèo, lội suối lên các cao điểm, thậm chí 2 tháng trên 1509 để thăm dò cách đánh, vũ khí và hướng tấn công của địch, ông Hiến kể, chiến thuật chủ yếu của địch là dùng sức mạnh của pháo binh với số lượng nhiều để tấn công.
“Pháo địch bắn như ngô rang. Ác liệt nhất có Hang Dơi, cao điểm 1509. Để bảo vệ các điểm cao và chống lại sự tấn công của địch, các trung đội của ta kiên cường giữ vững trận địa. Có những người cả tháng nằm trong hang, không được tắm, chỉ ăn lương khô”, ông Hiến cho hay.
Những ngày giao tranh ác liệt đó, cách Thanh Thủy 30 cây số, những người dân ở xã Đạo Đức (Vị Xuyên) vẫn nghe âm thanh chát chúa của những trận đấu pháo. Ông Nguyễn Quang Thùy, ngày đó là lãnh đạo xã cho hay, từ năm 1979- 1984, các hộ gia đình ở Đạo Đức là nơi đóng quân bộ đội. Mỗi nhà nhận vài người, rồi đăng ký tạm trú. Có những người ở hàng năm, sau đó mới làm lán trại ra ngoài ở riêng.
Thời kỳ đó, xã Đạo Đức cũng là nơi đặt ban hậu phương, điểm trung chuyển hàng hóa lên mặt trận. Người dân địa phương trong độ tuổi dân công từ 18 đến 45 đều tham gia vận chuyển thực phẩm, thức ăn đến gần mặt trận.
Hồi sinh chiến địa xưa
Chiến tranh lùi xa, không ít những người lính đã chọn Vị Xuyên làm quê hương thứ hai xây dựng gia đình và lập nghiệp, làm hồi sinh lại mảnh đất từng nung trong đạn pháo. Quê gốc ở Phú Thọ, sau khi hòa bình lập lại, ông Cương lập gia đình ngay tại Vị Xuyên và an cư đến tận hôm nay.
Ông Cương cho hay, riêng ở Vị Xuyên, có đến gần 30 người cùng sư đoàn 356 lấy vợ là người địa phương và lập nghiệp tại đây, chưa kể những nơi khác…
Ông Đệ, quê Nghệ An cũng chọn Vị Xuyên làm nơi định cư và lập gia đình, cho hay: “Tôi và vợ tôi quen và tìm hiểu nhau từ năm 1985. Khi đó, vợ tôi đang làm công nhân xây dựng công trường thủy điện. Đến tháng 7/1987, khi không có chiến tranh nữa, biết chắc là không chết, tôi mới quyết định lấy vợ. Nếu còn chiến tranh thì chắc chưa cưới vì biết sống chết thế nào, chỉ sợ khổ cho cô ấy”.
Giờ đây, sau 30 năm chiến trận, những người lính năm xưa cũng phải ngạc nhiên về sự thay da đổi thịt của Vị Xuyên. Lên thăm chiến trường xưa nhiều lần, ông Cương bảo, cuộc sống của người dân thay đổi nhiều.
“Trước đây đâu có đường sá gì, toàn đường mòn, chúng tôi hành quân còn phải chui, vạch lá. Bây giờ đường ô tô gần đến nơi rồi, nhiều chỗ là đường nhựa. Sau chiến tranh, người dân trở về làm ăn, canh tác ổn định, phát triển cửa khẩu… Quán xá, hàng hóa và xe máy nhiều không khác gì dưới thị trấn. Chỉ có riêng Nậm Ngặt là chưa có điện và đường ô tô vào”, ông Cương nói.
Chia sẻ về sự đổi thay của Vị Xuyên, ông Hiến trầm trồ “So với trước, Vị Xuyên bây giờ thay đổi phải gấp mấy trăm lần. Toàn bộ khu phố tôi ở trước là đồi chè. Giờ dân cư tập trung đông, có nhiều nhà cao tầng khang trang. Trình độ dân trí và chất lượng cuộc sống cũng thay đổi theo từng ngày”.
Ông Thùy cho hay, riêng xã Đạo Đức, cách đây 30 năm chỉ có 79 hộ dân, đến nay đã 190 hộ. Đường, điện, trường, trạm đầy đủ hết.
Đau đáu nghĩa tình tri ân
Hằng năm, cứ đến dịp 12/7, ngày mà ông Cương, ông Đệ gọi là Ngày giỗ trận, những người may mắn trở về lại quần tụ lên thăm chiến trường xưa và thắp hương, tưởng nhớ các đồng đội đã hy sinh.
“Bây giờ con cái trưởng thành, cuộc sống thay đổi có điều kiện hơn, anh em chúng tôi vận động nhau thành lập hội cựu quân nhân của sư đoàn để gặp nhau, ôn lại kỷ niệm chiến trường và giúp đỡ nhau trong cuộc sống”, ông Cương nói.
Ông Cương cho hay có những đồng đội trở về mang theo những vết thương của chiến tranh, nhưng đã thành công trong phát triển kinh tế và quay trở lại giúp đỡ đồng đội. “Hằng năm, mỗi dịp đồng đội gặp gỡ, nhiều anh ở TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu và có người ở nước ngoài đều gửi quà, hỗ trợ mọi người, cũng như các hoạt động tri ân”, ông Cương nói.
Giúp đỡ người còn sống, những người lính năm xưa vẫn đau đáu những nghĩa cử với đồng đội đã khuất. Ông Cương, ông Đệ cho biết, năm 2013, tại cao điểm 468, các cựu binh đã vận động quyên góp xây dựng đền thờ cho các liệt sỹ của Sư đoàn 356.
Ông Đệ cho hay: “Vị trí này trước đây là điểm xuất phát tiến công sang 772. Điểm 468 là điểm tập kết, là bàn đạp để triển khai tiến công. Tại đây, nhiều đồng đội của chúng tôi đã ngã xuống, trong đó có nhiều người tới tận bây giờ vẫn chưa tìm thấy hài cốt”.
Ông Cương tiếp lời: “Từ năm ngoái đến năm nay, có chỗ thờ cúng để thắp nhang cho anh em vào ngày giỗ chung 12/7, 27/7. Còn ngày rằm hằng tháng, chúng tôi nhờ người dân ở thôn Nậm Ngặt thắp hương”.
Trong mạch cảm xúc kể về những trận đánh năm xưa và tưởng nhớ đồng đội đã khuất, những cựu binh như ông Hiến và những cựu binh thuộc Sư đoàn 356 vẫn đau đáu mong muốn đầu tư xây dựng nghĩa trang Vị Xuyên khang trang hơn để xứng đáng với xương máu của những người đã ngã xuống.
Từ đó để thế hệ thanh niên cảm nhận được công lao của cha anh, hiểu hơn về truyền thống đấu tranh của dân tộc và sẵn sàng hy sinh bảo vệ Tổ quốc.
Sự khốc liệt của cuộc chiến vẫn không ngăn được sự lãng mạn và niềm tin vào ngày mai của những người lính. Từ những thứ hủy diệt như đạn cối, đạn pháo, những người lính đã tạo nên những vật dụng sinh hoạt, quà lưu niệm cho gia đình, người thân. Ông Đệ kể, trong những căn hầm, hang đá không lúc nào ngớt những âm thanh của cuộc sống từ tiếng chẻ củi, nấu cơm cho đến tiếng mài giũa các vỏ đạn làm nhẫn, lược, lọ hoa, vòng tay… Bản thân ông Cương cũng giũa hai vỏ đạn 37 ly thành 2 cái lọ hoa và giữ lại được đến tận ngày nay.