Đây là 3 trong số 19 tuyến đường, phố được đặt tên theo quyết định của UBND thành phố Hà Nội.
Tới dự chương trình có thân nhân, bạn bè thân hữu các gia đình ba danh nhân Đào Văn Tập, Nguyễn Lam, Mai Chí Thọ được đặt tên đường phố Hà Nội. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Bùi Trường Giang; Trợ lý Chủ tịch nước Trần Quang Thiệp ; PGS.TS Chu Đức Dũng - Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới.
Về phía T.Ư Đoàn có Bí thư thường trực Nguyễn Anh Tuấn. Đại biểu TP Hà Nội có Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Trương Minh Tiến; Phó Bí thư Quận uỷ, Chủ tịch UBND Quận Long Biên Vũ Thu Hà. Cùng đại diện của các bộ, ban, ngành.
Dịp này, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Đặng Thị Ngọc Thịnh - Uỷ viên BCH T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch nước; Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh; Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải đã gửi lẵng hoa chúc mừng.
Phát biểu tại buổi lễ, đại diện gia đình danh nhân Đào Văn Tập cho biết: "Hôm nay, chúng tôi đại diện cho thân nhân của ba gia đình hân hạnh, cảm động được ban tổ chức mời về gắn biển tên đường phố mới tại quận Long Biên Hà Nội - những con đường phố mới rất đẹp khang trang mang tên những người thân yêu của mỗi gia đinh là cố Đại tướng Mai Chí Thọ, cố Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Lam và cố Giáo sư Đào Văn Tập.
Xin trân trọng cám ơn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo và đại diện lãnh đạo TP Hà Nội, quận Long Biên và các bộ ban ngành, cơ quan đoàn thể cùng đông đảo các cụ, thân hữu đã tới dự lễ, gửi hoa chúc mừng. Đối với ba gia đình chúng tôi, đây là sự kiện rất quan trọng, là niềm vinh dự, tự hào được đón nhận phần thưởng cao quý, sự đánh giá to lớn của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền và nhân dân Thủ đô đối với những cống hiến của ba danh nhân trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Ngay sau lễ, diễn ra nghi thức gắn tên biển đường phố Đào Văn Tập, Nguyễn Lam, Mai Chí Thọ.
Ông Nguyễn Lam (1921-1990) tên thật Lê Hữu Vy sinh tại làng Đại Cầu, xã Tiên Tân, Duy Tiên, Hà Nam. Ông Nguyễn Lam từng bị địch bắt giam tại nhà tù Hỏa Lò, Sơn La. Năm 1950, tại Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Ðoàn TNCQ Việt Nam, Nguyễn Lam được bầu làm Bí thư Trung ương Ðoàn TNCQ Việt Nam. Trong các kỳ đại hội Ðoàn toàn quốc lần thứ Hai và Ba, Nguyễn Lam tiếp tục được bầu làm Bí thư thứ nhất Ðoàn Thanh niên Lao động Việt Nam (được đổi tên từ Ðoàn TNCQ Việt Nam, nay là Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh). Ông là người chỉ đạo, thành lập và là Tổng Biên tập đầu tiên của Báo Tiền Phong.
Năm 1962, ông được điều sang tham gia Thành ủy Hà Nội và không lâu sau được bầu là Bí thư Thành ủy Hà Nội… Sau đó, ông trải qua một số vị trí lãnh đạo cấp cao trong Chính phủ, như Bí thư T.Ư Ðảng, Phó Thủ tướng Chính phủ…
Phố Đào Văn Tập bắt đầu từ ngã ba giao cắt phố Đoàn Khuê tại Khu đô thị Vincom River side, đến ngã ba giao cắt phố Hội Xá. Phố Đào Văn Tập dài 848m, rộng 30m.
Giáo sư Đào Văn Tập (1927 - 1989), sinh tại thôn Tường Thụy, xã Trác Văn (Duy Tiên, Hà Nam), mất tại Hà Nội. Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cao quý cho công trình khoa học "Chiến tranh Việt Nam và kinh tế Mỹ", năm 2005. Ngoài công trình xuất sắc trên, ông còn viết, hay chủ biên, đồng tác giả nhiều công trình nghiên cứu có giá trị; nhiều tiểu luận của ông được đăng trên các tạp chí khoa học có uy tín ở trong nước và quốc tế.
Giáo sư Đào Văn Tập là một trong những người khai sinh ra Khoa Kinh tế chính trị, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1974) và trực tiếp đào tạo hàng ngàn sinh viên. Ông cũng là người được Hội đồng Chính phủ phong học hàm giáo sư đợt đầu tiên năm 1980. Giáo sư đặt nền móng cho ngành nghiên cứu kinh tế thế giới và quan hệ kinh tế thế giới ở Việt Nam, sau này ông sáng lập Viện Kinh tế thế giới (1983). Từ năm 1977 ông là Phó Chủ nhiệm Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam, kiêm Viện trưởng Viện Kinh tế học. Năm 1982-1985, ông giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam
Ông làm đại biểu Quốc hội các khóa V, VI, VII. Quốc hội đã cử ông làm Ủy viên dự khuyết, rồi Ủy viên chính thức Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thư ký rồi Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế, kế hoạch, ngân sách của Quốc hội. Ngoài ra, ông từng là Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Xô, Ủy viên Ủy ban đoàn kết nhân dân Á - Phi của Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam.
Phố Mai Chí Thọ bắt đầu từ ngã tư giao cắt các phố Hội Xá, Đào Văn Tập (Khu đô thị Việt Hưng) đến ngã ba giao cắt đường tiếp nối đường Ngô Gia Tự tại Trụ sở Toà án nhân dân quận Long Biên. Phố Mai Chí Thọ dài 1.552m, rộng 48m.
Đại tướng Mai Chí Thọ (SN 1922-2007) quê Địch Lễ, Nam Vân, TP Nam Định. Ông tên thật là Phan Đình Đống; còn có các bí danh khác Tám Cao, Năm Xuân. Thời trẻ, ông tham gia phong trào học sinh Huế và Hà Nội; phong trào Thanh niên phản đế, trở thành thủ lĩnh, bí thư đoàn thanh niên phản đế Nam Định. Tháng 9/1939, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ năm 1940-1945, ông bị thực dân Pháp bắt và giam giữ ở các nhà tù Nam Định, Hỏa Lò, Sơn La, khám lớn Sài Gòn, Côn Đảo.
Từ 1945-1954, ông giữ các vị trí trưởng ty công an, bí thư các tỉnh Cần Thơ, Mỹ Tho rồi là xứ ủy viên, bí thư Khu ủy miền Đông Nam bộ, chính ủy Quân khu miền Đông... Từ 1965-1975, ông từng giữ các chức vụ phó bí thư, bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định.
Sau 1975, ông đã giữ các chức vụ giám đốc Công an TPHCM, phó bí thư Thành ủy, chủ tịch UBND TPHCM. Năm 1986 ông nhận chức vụ thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) và sau đó là bộ trưởng. Ông cũng là vị bộ trưởng đầu tiên trong ngành này mang quân hàm đại tướng. Ông là ủy viên Bộ Chính trị khóa VI, là đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII. VIII.