26 năm sau ghép thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân vẫn sống khỏe

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tình trạng suy thận mạn giai đoạn cuối có thể khiến người bệnh tử vong, tuy nhiên sau khi thực hiện cuộc ghép, nhiều bệnh nhân đến nay đang có cuộc sống khỏe mạnh, trường hợp sống lâu nhất đã được 26 năm.

Đó là nội dung được GS.TS Trần Ngọc Sinh, nguyên trưởng khoa Tiết niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ tại buổi lễ kỷ niệm 30 năm ghép thận tại bệnh viện vào sáng 16/3. Bác sĩ Sinh cho biết bệnh nhân được Bệnh viện Chợ Rẫy ghép thận sống lâu nhất đến nay đã 26 năm là ông Lê Đức H.

 26 năm sau ghép thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân vẫn sống khỏe ảnh 1

Ghép thận đã trở thành kỹ thuật thường quy được thực hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Năm 1997, ông H. bị suy thận giai đoạn cuối được Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện cuộc ghép thành công nhờ nguồn thận hiến từ người thân của bệnh nhân. Hiện nay, ông H. sống và làm bác sĩ tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng với sức khỏe ổn định. Sau cuộc ghép thận, vợ chồng ông H. đã có thêm một người con, điều đó cho thấy chức năng của thận ghép hoạt động rất tốt.

Trường hợp thứ hai có thời gian sống đã 25 năm sau ghép là bà Huỳnh Thị N (65 tuổi, ngụ tại TPHCM). Năm 1998 bà bị suy thận giai đoạn cuối và nhận được thận hiến từ người em trai. Từ sau khi thực hiện cuộc ghép đến nay, sức khỏe của bà luôn ổn định, bà đang sống và gắn bó với nghề nha khoa.

Trao đổi với phóng viên, bà N. cho biết: “Thời điểm bị suy thận giai đoạn cuối ai gặp cũng né tránh vì nghĩ tôi bị HIV bởi làn da xám xịt, cơ thể suy kiệt. Khi đó tôi nghĩ mình chắc khó qua khỏi, sống được ngày nào hay ngày ấy. Tôi may mắn đã được em trai hiến thận và là một trong số những người được thực hiện cuộc ghép tại Bệnh viện Chợ Rẫy trong những năm đầu triển khai kỹ thuật này. Đến nay, sức khỏe của tôi hoàn toàn bình thường, thận ghép của em trai hiến tặng tương thích gần như tuyệt đối với cơ thể của tôi”.

 26 năm sau ghép thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân vẫn sống khỏe ảnh 2

Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện hơn 1.100 ca ghép thận trong 30 năm qua.

Một trong số những người “trở về từ cõi chết” là Nghệ sĩ Nhân dân Minh Vương. Từ tình trạng thoi thóp, ông đã may mắn nhận được thận hiến từ một nam thanh niên 34 tuổi bị chết não. Sau 12 năm được ghép thận, đến nay ông sống khỏe mạnh, lạc quan và tiếp tục mang lời ca tiếng hát của mình làm đẹp cho đời.

Thông tin từ TS. BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết từ ca ghép đầu tiên được thực hiện vào năm 1992, đến nay bệnh viện đã thực hiện thành công 1.127 ca ghép thận. Bệnh viện đang tiên phong triển khai các biện pháp để mở rộng kỹ thuật ghép thận từ người cho sống, người cho chết não, người cho tim ngừng đập, ghép đổi chéo người cho, đặc biệt là kỹ thuật ghép thận không tương thích nhóm máu.

Các kỹ thuật ghép thận – tạng hiện đã đạt được thành công rất lớn, số lượng người suy thận – tạng trong cộng đồng cần ghép cũng ngày càng nhiều. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn tạng hiến quá hạn chế. Để nối dài sự sống cho người bệnh, ngành y tế kêu gọi cộng đồng tích cực đăng ký hiến mô tạng sau khi qua đời để xây dựng đất nước Việt Nam với dân số khỏe mạnh và hưng thịnh.

Tại buổi lễ kỷ niệm 30 năm ghép thận của Bệnh viện Chợ Rẫy, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết năm 1954 ca phẫu thuật ghép thận đầu tiên trên thế giới được thực hiện thành công tại Mỹ. Từ đó đến nay, y học thế giới và Việt Nam đã tiến những bước rất dài trong lĩnh vực ghép thận nói riêng và ghép tạng nói chung.

Mỗi năm toàn cầu có khoảng 40.000 ca ghép, khoảng 460.000 người đang sống nhờ một hoặc nhiều bộ phận cơ thể của người khác. Ghép thận và ghép tạng đang trở thành kỹ thuật thường quy tại nhiều bệnh viện trên cả nước, đặc biệt là Bệnh viện Chợ Rẫy đã góp phần hồi sinh sự sống cho những người suy thận – tạng.

MỚI - NÓNG