Ngày 13/3, thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) cho biết, tại đây vừa tiếp nhận một trường hợp cấp cứu vì dị vật đường thở rất nguy hiểm.
Bệnh nhi là bé trai L.H.K (15 tháng tuổi, quê tỉnh Tây Ninh) được chuyển đến thăm khám trong tình trạng bỏ ăn, khó thở.
Chiếc móc chìa khóa lọt vào đường thở khiến bệnh nhi phải nhập viện |
Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ phía gia đình bệnh nhi ghi nhận, trước đó người nhà phát hiện bé ngậm móc khóa (loại dây kéo khóa) trong miệng. Lo ngại bé sẽ nuốt móc khóa nên người nhà đã cố gắng dùng ngón tay đưa vào miệng trẻ để lấy móc khóa ra ngoài.
Trong lúc bị người thân móc miệng, bé khóc và ho sặc sụa, sau đó thở khò khè. Tình trạng khó thở ngày càng diễn tiến nặng nên gia đình vội chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1.
Tại đây, qua thăm khám và chụp X-quang bác sĩ phát hiện dị vật nằm phía trước cột sống ngực lệch phải, ngang mức đốt sống T3-T5 của bé.
Bệnh nhi nhanh chóng được chuyển đến khoa Tai Mũi Họng và chỉ định nội soi gắp dị vật. Sau khi gây mê, bằng thiết bị nội soi chuyên dụng cho trẻ, BS Lý Phạm Hoàng Vinh cùng ê kíp đã gắp thành công móc khóa kéo trong phế quản bên phải của bệnh nhi ra ngoài.
Sau khi lấy được dị vật, sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định, không còn khó thở, ăn uống bình thường. Theo BS Hoàng Vinh, hóc dị vật là tai nạn rất nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong. Để tránh tai nạn trên, phụ huynh cần lưu ý, không cho trẻ chơi những món đồ chơi có thể bỏ lọt vào khoang miệng. Khi phát hiện trẻ ngậm dị vật trong miệng, tuyệt đối không được dùng tay móc dị vật vì phương pháp trên có thể đẩy dị vật đi sâu vào bên trong.
Ngoài ra, người nhà cần chủ động trang bị kiến thức sơ cứu hóc sặc dị vật ở trẻ. Khi phát hiện bé hóc dị vật, cần thực hiện thủ thuật vỗ lưng ấn ngực ở trẻ nhỏ hay thủ thuật Heimlich ở trẻ lớn; nhanh chóng khai thông đường thở sau đó đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.