2 ngày Hà Nội áp dụng Chỉ thị 16, một số mặt hàng chậm lên kệ vì 'tắc' lưu thông

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tại các siêu thị, lượng mua được thống kê tăng 20 - 30%, một số mặt hàng tăng giá cao đặc biệt là trứng gia cầm, một số chậm lên kệ do nhà cung cấp chưa đăng ký kịp "luồng xanh" để vào thành phố.

Sau 2 ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, tại chợ Đại Từ (quận Hoàng Mai), một số cửa hàng bán trứng gia cầm thông báo hết hàng.

Ghi nhận giá trứng tại một số chợ như Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng), chợ Thành Công (quận Ba Đình), giá trứng gà đỏ (gà công nghiệp) giá tăng lên 35.000 đồng/chục quả, trứng gà ta 60.000 đồng/chục quả, trứng vịt 55.000-60.000 đồng/chục quả tuỳ loại. Bà Thảo (người mua hàng ở chợ Thành Công) cho biết, bình thường trứng gà công nghiệp chỉ khoảng 20.000 đồng/chục quả nay tăng gấp 3.

Lý giải về việc này, một số tiểu thương cho biết, do gần dịp Trung thu các lò bánh đã thu gom chuẩn bị nguyên liệu để làm bánh. Bên cạnh đó, mấy ngày vừa rồi mặt hàng trứng được nhiều người mua tích trữ, có người mua đến cả trăm quả trong khi nguồn cung chưa kịp về nên tạo nên khan hàng tạm thời.

2 ngày Hà Nội áp dụng Chỉ thị 16, một số mặt hàng chậm lên kệ vì 'tắc' lưu thông ảnh 1

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra niêm yết giá tại quận Ba Đình

Các mặt hàng khác dao động không đáng kể, cụ thể: Bí xanh giá từ 20.000 đồng/kg, bí đỏ 18.000 - 22.000 đồng/kg, khoai tây 15.000 - 22.000 đồng/kg...

Tại siêu thị Big C Garden (Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội), giá trứng gà ta tăng 3.000 đồng lên mức 48.500 đồng/chục. Các mặt hàng khách hầu như không biến động. Đáng chú ý, tại đây, gian bán trứng gia cầm còn treo thông báo mỗi ngày khách hàng chỉ được mua 3 vỉ trứng các loại/khách hàng/ngày".

Đảm bảo đủ nguồn cung, bình ổn giá

Trong ngày 25/7, UBND quận Ba Đình cùng Đội Quản lý thị trường địa bàn đã lập tổ công tác kiểm tra hàng hóa tại các siêu thị HaproMart, Vinmart... Theo thông tin từ quận, các siêu thị đều đảm bảo hàng hóa và niêm yết giá quy định. Không có hiện tượng tăng giá bất thường.

Lãnh đạo Sở Công thương thông tin thêm: Hiện có 16 doanh nghiệp bán lẻ, sản xuất thực phẩm cam kết đảm bảo không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá. Cụ thể: Tổng công ty Thương mại Hà Nội; Công ty TNHH Bán lẻ BRG; Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam; Công ty TNHH TMQT và DVST BigC Thăng Long...

Đại diện Cty TNHH bán lẻ BRG (BRG Retail) cho biết, sau 2 ngày thực hiện Chỉ thị 16, lượng khách hàng mua bán tại chuỗi siêu thị tăng 30% so với ngày thường, phân bổ đều các khung giờ từ đầu giờ sáng. Không ùn ứ tại khung giờ cao điểm. Hàng hoá thiết yếu đã được bổ sung đầy đủ do đã có kế hoạch dự trữ theo chỉ đạo của Sở Công thương và theo kế hoạch chống dịch của đơn vị. Tuy nhiên, đại diện đơn vị cũng nhìn nhận trứng gia cầm đang cháy hàng do nhiều nguyên nhân. Ngoài ra, có một số hàng tươi sống giao hàng trễ do nhà cung cấp chưa làm kịp "thẻ xanh giao thông" trong ngày đầu triển khai.

2 ngày Hà Nội áp dụng Chỉ thị 16, một số mặt hàng chậm lên kệ vì 'tắc' lưu thông ảnh 2

Các siêu thị mini, siêu thị lớn ghi nhận lượng người mua tăng trung bình 20 - 30%

Bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, qua kiểm tra công tác đáp ứng hàng hoá tại các chợ và siêu thị, đối với các chợ dân sinh và siêu thị, sức mua tăng khoảng 10-15% ở chợ truyền thống, còn ở siêu thị sức mua tăng nhưng không đáng kể.

Theo bà Lan, một số mặt hàng như trứng gia cầm có tăng nhẹ, do nguồn cung sản xuất ở khu vực phía Bắc đang san sẻ hàng cho phía Nam. Tuy nhiên, tình hình không đáng lo ngại.

“Quan trọng nhất, ở Hà Nội đã chủ động, sẵn sàng nguồn cung của các hệ thống hệ thống phân phối từ nhiều tháng nay. Khi có biến động, Hà Nội vẫn đáp ứng được đầy đủ nhu cầu cho người dân. Để phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19, Hà Nội đã rà soát bố trí sẵn sàng 1.920 địa điểm tại các quận, huyện làm kho dự trữ hàng, mở thêm các điểm bán hàng cố định và các điểm bán hàng lưu động khi cần thiết. Sẵn sàng huy động hàng nghìn xe chở hàng hóa của các doanh nghiệp phân phối đưa hàng hóa kịp thời đến 7.500 điểm bán hàng hóa trên địa bàn”, bà Lan khẳng định.

MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.