Theo Bộ Công Thương, Tổ công tác đã làm việc với Sở Công Thương TPHCM và các tỉnh phía Nam và các doanh nghiệp phân phối để nắm bắt thông tin về nguồn cung, nhu cầu hàng hóa thiết yếu của từng địa phương, từ đó xây dựng kế hoạch kết nối cung cầu hàng hóa nhằm đáp ứng đủ nhu cầu người dân.
Sau các buổi làm việc, Bộ Công Thương nhận thấy có 4 vấn đề chính cần sự phối hợp với Bộ NN&PTNT để tháo gỡ. Cụ thể, hiện mạng lưới phân phối hàng hóa của thành phố đang bị xáo trộn, các chợ đầu mối, chợ truyền thống phải đóng cửa phòng dịch nên dẫn tới hàng nông sản địa phương về thành phố khó khăn. Vì thế Bộ Công Thương mong Bộ NN&PTNT cung cấp thông tin những địa phương muốn đưa hàng về TPHCM đang mắc ở đâu và muốn tập kết về những khu vực nào. Từ đó, kiến nghị với UBND TPHCM và các tỉnh giáp ranh bố trí kho tập kết dã chiến.
Một vấn đề cần gỡ hiện nay chính là các nhà phân phối lớn ở TPHCM đang thiếu kho trữ và phân phối hàng. Bộ Công Thương hy vọng ngành nông nghiệp, nếu có kho, thì giới thiệu cho ngành Công Thương để sử dụng cấp bách trong thời điểm hiện nay.
Điểm mấu chốt thứ ba liên quan đến cung ứng hàng hóa, theo Bộ Công Thương, chính là phương tiện để vận tải, vận chuyển hàng hóa cũng bị thiếu hụt. Việc cấp giấy cho các xe tiêu thụ cũng chưa đáp ứng được thực tiễn nên cần sự phối hợp để hỗ trợ các địa phương giải quyết.
“Sở Công Thương TPHCM có đề xuất Tổ công tác báo cáo các bộ, ngành để có phương án bảo vệ vùng sản xuất hàng hóa thiết yếu phục vụ cho thành phố. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho nông dân các khâu từ thu hoạch, vận chuyển, đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt, bố trí các kho bãi tập kết hàng hóa tại các tỉnh thành, tạo điều kiện cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu lưu thông để cung ứng hàng hóa”, Bộ Công Thương cho hay.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, hai Bộ Công Thương – NN&PTNT có trách nhiệm từ khâu sản xuất, vùng trồng cho đến việc cung ứng hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu đến người dân.
Theo ông Hải, việc thiếu hay tăng giá cục bộ ở một vài khu vực của TPHCM thời gian qua là có. Do đó, ngành Công Thương và các cơ quan chức năng liên quan của thành phố cần nhận diện chính xác nhu cầu của địa phương, chủng loại, số lượng... Bên cạnh đó, ngành Công Thương cũng cần xác định được các điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng, từ đó đưa ra được các giải pháp và sự phối hợp với các ngành liên quan như nông nghiệp, y tế, giao thông vận tải để giải quyết, xử lý. Ngoài ra, các địa phương đều cho biết đang gặp khó trong khâu vận chuyển và đề xuất các bộ, ngành sớm có giải pháp khắc phục.