Trong số đó, riêng bếp ăn tập thể có 33 vụ, làm 2.302 người mắc, 2.268 người đi viện. Trong đó, có 70% vụ ngộ độc do cơ sở cung cấp thức ăn sẵn (đặt dịch vụ) không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình vận chuyển, bảo quản thức ăn và 30% do bếp ăn tại chỗ.
Chỉ tính riêng từ ngày 25/9 đến 25/10, cả nước liên tiếp xảy ra 13 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 813 người mắc và đi viện, không có ca nào tử vong. Trong đó có 7 vụ ngộ độc do vi sinh vật (điều kiện bảo quản thực phẩm không đảm bảo…), 3 vụ do độc tố tự nhiên (như ăn cóc, nấm độc…) và 3 vụ chưa xác định nguyên nhân.
Theo lãnh đạo Cục ATTP, số vụ và ca mắc trên tuy giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn gây hoang mang trong dư luận. Đặc biệt, giai đoạn chuyển mùa hiện nay là điều kiện thuận lợi để nhiều vi sinh vật phát triển, nếu không đảm bảo vệ sinh thực phẩm thì nguy cơ ngộ độc rất cao.
Riêng tại các khu công nghiệp, ngộ độc tập thể có xu hướng gia tăng. Bà Trần Việt Nga cho biết thêm, hiện khẩu phần ăn của người lao động tại các khu công nghiệp còn quá thấp chỉ khoảng 11.000 đồng, chưa kể lợi nhuận của bếp ăn, chi phí thuế.
“Với mức giá đó sau khi trừ đi các khoản chi phí khác, giá trị thật của bữa ăn công nhân chỉ còn khoảng 8.000 đồng. Như vậy khẩu phần dinh dưỡng của công nhân không bảo đảm, do sản phẩm thực phẩm kém chất lượng”, bà Nga nói.
Bên cạnh đó, bản thân công nhân tại các khu công nghiệp chủ yếu là lao động nữ, trong độ tuổi sinh đẻ, bữa ăn như vậy sẽ ảnh hưởng tới khả năng làm việc và tác động xấu tới sức khỏe sinh sản, duy trì nòi giống.
Theo khuyến cáo của tổ chức WHO, nếu một lao động ăn đủ khẩu phần ăn thì năng suất lao động sẽ tăng 20%.
Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe của công nhân cũng như góp phần nâng cao năng suất lao động, Cục ATTP sẽ tiếp tục tập trung tuyên truyền và đề nghị các doanh nghiệp đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho công nhân thông qua chế độ giám sát của các tổ chức công đoàn, đồng thời các cơ quan quản lý và chuyên môn tăng cường thanh kiểm tra các cơ sở không có giấy phép về an toàn thực phẩm.