Cơ quan quản lý bất lực, nhà mạng ngó lơ. Người sử dụng đành phải “sống chung với lũ”, coi loại tin nhắn rác, quảng cáo trá hình không mời mà đến này là thành phần “tất yếu của cuộc sống”.
Điều đáng nói, chỉ một bộ phận rất nhỏ trong xã hội ưa sử dụng “thủ đoạn” kém văn minh (và chắc chắn là không hiệu quả) này để tiếp thị sản phẩm, dịch vụ của họ, song lại gây ra sự phiền toái cho một bộ phận lớn người dùng. Tệ hơn, không chỉ dừng lại ở tin nhắn rác, các cuộc điện thoại rác để quảng cáo cũng tấn công người dùng không thương tiếc.
Cách đây 3 năm, các chuyên gia an ninh mạng Bkav đã đưa ra con số 9,8 triệu tin nhắn rác mỗi ngày ứng với doanh thu khoảng 3 tỷ đồng chảy về túi các nhà mạng. Năm nay, con số này cũng do Bkav đưa ra đã vọt lên tới 13,9 triệu tin nhắn rác ứng với hơn 4 tỷ đồng doanh thu. Chắc không có nước nào nhiều tin nhắn rác như Việt Nam? Bằng chứng là khi đi công tác nước ngoài nhiều ngày, chiếc điện thoại roaming của tôi vẫn bị “nã” tin nhắn rác rào rào bất kể ngày đêm, trong khi chiếc điện thoại thứ hai dùng sim nước sở tại im re không có một tin nhắn rác, ngoại trừ thông báo của nhà mạng ngay sau khi tôi lắp sim vào máy.
Để mua một chiếc sim điện thoại trả trước của Vodafone tại Đức, tôi phải trả gần 20 euro kèm xuất trình hộ chiếu. Tại Trung Quốc, giá một chiếc sim trả trước cũng cỡ 150 tệ và cũng phải xuất trình hộ chiếu. Như vậy giá sim trả trước tại Việt Nam là quá rẻ và bất kỳ ai cũng mua được một cách dễ dàng, thậm chí không cần giấy tờ gì vì sim đã được người bán kích hoạt sẵn.
Chừng đó thôi đủ lý giải vì sao tin nhắn rác tại Việt Nam vẫn hoành hành mãi không thôi. Việc quản lý sim trả trước lỏng lẻo đồng nghĩa với việc không thể biết ai là chủ sở hữu chiếc sim đó, tin nhắn rác cũng từ đấy mà ra.
Nhà mạng đua nhau bán sim trả trước với đủ kiểu khuyến mại, tin nhắn rác cũng thi nhau “khủng bố” người dùng. Nguyên nhân đã rõ ! Để chấm dứt vấn nạn này, không còn cách nào khác, các cơ quan quản lý nhà nước phải ra tay. Chỉ bằng những quy định pháp luật chặt chẽ, thực thi nghiêm minh vì quyền lợi của người dùng mới có thể chặn đứng nỗi khổ này.
Cái giá phải trả của 13,9 triệu tin nhắn rác lớn hơn gấp ngàn lần con số 4 tỷ đồng mà các nhà mạng thu về mỗi ngày.