TQ ngang ngược “cấm biển”: Ngư dân Việt không chùn bước

TQ ngang ngược “cấm biển”: Ngư dân Việt không chùn bước
TP - Ngoài lệnh “cấm” đánh bắt cá biển Đông (từ 16/5- 1/8/2013, Việt Nam đã phản đối và coi là vô giá trị), từ đầu năm tới nay, tàu cá Trung Quốc xuất hiện dày đặc ở Hoàng Sa. Ngư dân mình gặp rất nhiều khó khăn, thường xuyên bị chèn ép, uy hiếp. Thuyền trưởng Hồ Văn Trường (Đà Nẵng) kể với PV Tiền Phong.

> Thủ đoạn mới của tàu tuần tra Trung Quốc
> Quấn cờ Tổ quốc vào ngực, bám biển, giữ chủ quyền

Mùa vàng

Thuyền trưởng tàu cá QNg 94734TS Phạm Lệ (Đức Phổ, Quảng Ngãi) đang chỉ huy hơn chục bạn tàu tất bật chuẩn bị ra lại ngư trường Hoàng Sa. Tàu anh vừa cập cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng) sau gần 20 ngày bám biển. Xả hết hàng, anh Lệ tranh thủ nhập nhiên liệu, đá lạnh, lương thực để tiếp tục ra khơi. Hai chuyến gần đây, mỗi chuyến trừ chi phí, mỗi bạn tàu được chia lời cả chục triệu đồng.

Theo Chủ tịch Hội Nghề cá TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Chước, toàn thành phố có gần 200 tàu cá công suất lớn, chủ yếu đánh bắt các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. “Chúng tôi rất khuyến khích ngư dân đóng mới tàu lớn. Đó là tín hiệu khởi sắc ngành thủy sản, vừa là sự lớn mạnh của ngư dân, khẳng định ngư trường Hoàng Sa của ta” – ông Nguyễn Đỗ Tám - Chi cục trưởng Chi cục thủy sản TP Đà Nẵng, khẳng định.

Theo anh Lệ, từ trung tuần tháng 4 kéo dài đến vài ba tháng sau, Hoàng Sa là “mùa vàng” đánh bắt. Thời điểm này, cá ngừ, các loại hải sản kéo nhau về rạn san hô ven đảo, các bãi ngầm để đẻ. Chủ tàu cá QNg 98948 TS Nguyễn Quang Vinh (43 tuổi, quê ở Đức Phổ), kể chuyến biển cuối tháng 4, tàu đánh bắt cách Hoàng Sa hơn 120 hải lý, bất ngờ gặp luồng cá. Lúc kéo lên được vài tạ cá thu, hải sản, sản lượng đem về bờ đến hàng chục tấn.

Ông Trương Văn Hay (Thanh Khê, Đà Nẵng), chủ tàu cá ĐNa 90235 TS, cho biết hơn 30 năm theo nghề câu cá ngừ đại dương, thích nhất vẫn là đánh bắt mùa tháng 5-6 này. Cá ngừ về Hoàng Sa nhiều, kéo thành từng đàn núp dưới khúc gỗ, vật nổi, các rạn san hô. Chuyến biển đầu tháng 5, tàu anh Hay đem về gần 30 tấn các loại.

Theo chị Nguyễn Thị Hải Vy, tư thương thu gom hải sản chợ đầu mối Thọ Quang, mấy tháng trước, tàu nào về cũng nhăn mặt kêu lỗ. Cánh tư thương phải bỏ tiền túi, giúp họ vươn khơi. Giờ, tàu nào về cũng trúng.

Nếu sợ đã không ra biển

Tàu ĐNa 90082 của thuyền trưởng Hồ Văn Trường (Xuân Hà, Đà Nẵng) đang có mặt ở Hoàng Sa từ 10 ngày nay.

Ngư dân miền Trung tất bật chuẩn bị vươn khơi
Ngư dân miền Trung tất bật chuẩn bị vươn khơi.

Chiều thư 7, phóng viên nói chuyện với thuyền trưởng Trường qua máy ICOM. Anh Trường kể về cảm giác ngột ngạt khi đánh bắt trên ngư trường của mình, đặc biệt là những tàu công suất lớn của Đà Nẵng và Quảng Ngãi.

Tàu của anh ra tới cửa ngõ Hoàng Sa đụng ngay 5 tàu cá của Trung Quốc, bị mấy tàu này giở trò khiêu khích. Ba ngày đêm liền bị bao vây, anh Trường vẫn bình tĩnh cho tàu thong thả tìm luồng cá, không manh động. Cùng đi với anh Trường chuyến này là tàu ĐNa 90307 của Nguyễn Phú Hùng, một thuyền trưởng nổi tiếng “gan lỳ” của Đà Nẵng.

Anh Trường kể: “Hải giám, ngư dân Trung Quốc ở đây cũng phải chờn mặt “Tí heo” (tên thân mật của Hùng). Mấy lần đụng độ nhau, thằng Tý hô hào anh em cùng tiến ra chứ không quay đầu lại. Tụi tui cũng được tiếp thêm dũng khí”.

Thuyền trưởng Hồ Văn Trường

Theo các chủ tàu cá, như mọi năm, lần này, lệnh đánh bắt cá của Trung Quốc kéo dài một vệt từ vĩ tuyến 12 lên ranh giới biển giữa tỉnh Quảng Đông và Phúc Kiến (Trung Quốc), bao trùm cả Hoàng Sa, vịnh Bắc Bộ chủ quyền Việt Nam.

Bình thường, tàu cá Việt Nam đánh bắt vị trí cách Hoàng Sa 60 hải lý. Nhưng với lệnh cấm đánh bắt cá, ngư dân trong nước bị “bịt đường” ra Hoàng Sa.

 Hải giám, ngư dân Trung Quốc ở đây cũng phải chờn mặt “Tí heo” (tên thân mật của Hùng). Mấy lần đụng độ nhau, thằng Tý hô hào anh em cùng tiến ra chứ không quay đầu lại. Tụi tui cũng được tiếp thêm dũng khí.

Thuyền trưởng
Hồ Văn Trường

“Nếu là biển Trung Quốc họ cấm đánh bắt thì mình không nói chi. Đằng này, họ cấm cả trên vùng biển truyền thống Hoàng Sa của nước mình, rất phi lý”, thuyền trưởng Phạm Lệ bức xúc.

Tròn 3 năm trước, tàu anh Lệ đánh bắt cách Hoàng Sa khoảng 300 hải lý thì bị tàu chiến Trung Quốc tấn công, lấy hết cá, đập phá máy móc trên tàu và hành hung thuyền viên để uy hiếp.

Theo ông Trương Văn Tài, chủ tàu cá ĐNa 90204TS, Trung Quốc gây khó thì mình phải linh hoạt đánh bắt, đi thành các tổ đội liên kết với nhau. Ngày 19/5 này, gần chục tàu công suất lớn của “đại gia đình” ngư dân Trương Văn Tài, Trương Văn Hay cùng nhổ neo ra ngư trường Hoàng Sa.

Đóng tàu sắt ra Hoàng Sa

Lê Văn Sang, thuyền trưởng tàu hậu cần nghề cá ĐNa 90444 công suất tới 1.200 CV, cho biết sắp tới sẽ đóng tàu công suất trên 2 ngàn mã lực (lớn nhất Việt Nam), và đặc biệt vỏ tàu sẽ bằng sắt.

Nhiều tàu lớn lên đà nâng cấp để tiếp tục vươn khơi
Nhiều tàu lớn lên đà nâng cấp để tiếp tục vươn khơi .

Anh Sang đang tích cực làm việc với Cty đóng tàu Sông Thu (Đà Nẵng) chốt giá cả, hình thức, phác thảo… để khởi công đóng tàu sắt nhằm hiện đại hóa tối đa dịch vụ hậu cần bám biển Hoàng Sa. Sau khi xong tàu sắt, tàu ĐNa 90444 sẽ được sử dụng cho Trường Sa, còn tàu sắt để dành cho ngư trường Hoàng Sa. Nếu đóng tàu gỗ, kinh phí không dưới 5 tỉ, nhưng tàu sắt, giá có thể đội lên 6–8 tỉ đồng.

Tàu ĐNa 90521 vừa đóng mới của bà Huệ chuẩn bị ra Hoàng Sa
Tàu ĐNa 90521 vừa đóng mới của bà Huệ chuẩn bị ra Hoàng Sa.

Với sự hỗ trợ của TP Đà Nẵng, từ đầu năm tới nay, ngư dân liên tiếp đóng mới, hạ thủy tàu công suất lớn. Tàu ĐNa 90521 công suất 880 CV của bà Lê Thị Huệ (quận Thanh Khê) vừa hạ thủy ra khơi là một đơn cử.

Chỉ trong vòng một năm, bà Huệ đã đầu tư gần 10 tỉ đồng đóng hai tàu công suất lớn. Trước đó, tàu 90442 công suất trên 600 CV cũng được hạ thủy, đang hành nghề ở biển Trường Sa.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG