Hà Nội, TPHCM đối mặt ô nhiễm không khí dạng đặc biệt

Quang cảnh buổi công bố báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2015. Ảnh: Quân đội Nhân dân
Quang cảnh buổi công bố báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2015. Ảnh: Quân đội Nhân dân
TP - Chiều qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức lễ công bố báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2015, công bố toàn cảnh hiện trạng môi trường ở Việt Nam, từ môi trường không khí, môi trường nước mặt, môi trường đất, nước ngầm, vấn đề phát sinh và xử lý chất thải rắn đa dạng sinh học cũng như tác động do ô nhiễm môi trường đến sức khỏe...

Một điểm đáng chú ý của báo cáo là Việt Nam bắt đầu xuất hiện hiện tượng sương mù quang hóa ở hai thành phố lớn Hà Nội và TPHCM. Đây được coi là hiện tượng ô nhiễm không khí đặc biệt. Sương mù quang hóa là một dạng ô nhiễm không khí gây ra bởi sự tương tác giữa bức xạ cực tím của mặt trời và bầu khí quyển bị ô nhiễm bởi các khí thải từ động cơ xe máy, khí thải công nghiệp.

Theo báo cáo môi trường quốc gia 2011-2015, một phần nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm sương mù quang hóa là do vấn đề ô nhiễm xuyên biên giới. Ở khu vực Đông Nam Á, biểu hiện sương mù quang hóa có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây do cháy rừng và hoạt động đốt nương rẫy theo mùa vụ từ một số nước trong khu vực như Indonesia. Ô nhiễm theo hướng gió tây nam từ Indonesia lan rất nhanh và gây ảnh hưởng đáng kể đến nhiều quốc gia láng giềng như Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và phía nam Việt Nam.

Ở Việt Nam, hiện tượng sương mù quang hóa đã xuất hiện những năm gần đây, biểu hiện rõ vào các tháng mùa hè khi thời tiết khô nóng. Ngoài ra, các giai đoạn xảy ra nghịch nhiệt cũng tạo điều kiện để hiện tượng sương mù quang hóa xuất hiện. Hiện tượng này đặc biệt rõ nét ở các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM  do sự cộng hưởng nhiều nguồn ô nhiễm không khí.

Chịu ảnh hưởng của ô nhiễm xuyên biên giới

Cũng theo báo cáo môi trường quốc gia 2011-2015, môi trường không khí Việt Nam đang chịu ảnh hưởng từ nguồn ô nhiễm xuyên biên giới Việt - Trung. Theo một số nghiên cứu trên thế giới, điển hình như nghiên cứu của các nhà khoa học châu Âu và Mỹ cho thấy, môi trường không khí ở Việt Nam đang chịu ảnh hưởng từ các nguồn ô nhiễm xuyên biên giới Việt - Trung với quy luật mức độ ô nhiễm tăng đáng kể vào các tháng mùa đông.

Toàn bộ miền Bắc và miền Trung Việt Nam được đánh giá là chịu tác động đáng kể từ các nguồn phát thải khu vực phía đông, đông bắc và đông nam Trung Quốc, Đài Loan. Một số kết quả nghiên cứu ở Việt Nam cho thấy có sự vận chuyển các chất ô nhiễm theo gió mùa đông bắc trong mùa đông, đóng góp một lượng khí ô nhiễm và bụi mịn vào không khí miền Bắc Việt Nam. Ô nhiễm xuyên biên giới được cho là cũng góp phần làm tăng nồng độ một số kim loại nặng và các khí độc hại trong môi trường không khí ở Việt Nam những năm qua.

Cũng theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia, dù các nghiên cứu, đánh giá về các vấn đề ô nhiễm không khí xuyên biên giới ở Việt Nam còn hạn chế song một số vấn đề như lắng đọng axit, sương mù quang hóa hay ô nhiễm xuyên biên giới đã xuất hiện những dấu hiệu ảnh hưởng nhất định.

Mặc dù ô nhiễm sương mù quang hóa ở Việt Nam không giống sự cố sương mù công nghiệp từng xảy ra ở London, Anh năm 1952 làm 10.000 người chết nhưng theo TS Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, sương mù quang hóa là hiện tượng ô nhiễm không khí đặc biệt, có thể gây ra các bệnh về hô hấp. “Chúng tôi khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài khi xảy ra hiện tượng này”, TS Tùng nói.

MỚI - NÓNG
'Xơ xác' di tích Lầu ông Hoàng ở Phan Thiết
'Xơ xác' di tích Lầu ông Hoàng ở Phan Thiết
TPO - Lầu ông Hoàng là một di tích tham quan nổi tiếng tọa lạc trên ngọn đồi tuyệt đẹp ở phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Mặc dù đã được tỉnh Bình Thuận phê duyệt chủ trương đầu tư hàng chục tỷ đồng, nhưng đến nay Lầu ông Hoàng có nhiều hạng mục bị xuống cấp, chưa được nâng cấp và trùng tu đúng mức.